David là một giáo viên người Mỹ đã về hưu. Khi không còn đứng trên bục giảng, ông tham gia một tổ chức tình nguyện đọc truyện cho trẻ em trong độ tuổi mầm non và tiểu học; chia sẻ kỹ năng đọc cho các học sinh ở cấp học cao hơn.
Tôi gặp David tại một trung tâm tiếng Anh ở Hà Nội. Bên hành lang lớp học, cầm trên tay một tựa sách dành cho trẻ trong độ tuổi từ 0-10, David chia sẻ “trẻ em ở đâu trên thế giới này cũng vậy, chúng say sưa và chăm chú nghe người lớn đọc truyện. Nhưng tôi rất ngạc nhiên với các phụ huynh ở Việt Nam, có vẻ họ không thích điều đó, họ yêu cầu chúng tôi giúp con họ giỏi tiếng Anh, phải đạt được thành tích cao trong các kỳ thi. Họ không quan tâm đến việc bồi dưỡng tình yêu sách cho trẻ. Vì có tình yêu với sách, có thói quen đọc sách và có kỹ năng đọc sách mới rèn cho trẻ khả năng học tập suốt đời”.
Trường hợp trên không phải cá biệt. Ở trên dải đất hình chữ S này, trong rất nhiều gia đình, trong rất nhiều trường học, trẻ em chưa có cơ hội, chưa có quyền được đọc những tựa sách mà chúng thích.
Trong mỗi tổ ấm của người Việt, tủ sách chưa phải là vật dụng thiết yếu. Đôi khi, nó có ý nghĩa trang trí nhiều hơn là tạo ra một không gian đọc thật sự. Đối với nhiều phụ huynh, đọc sách đồng nghĩa với làm bài tập, đọc sách giáo khoa và học thêm.
Trong nhiều ngôi trường đạt chuẩn, thư viện vẫn là cái nơi cũ kỹ với số lượng tựa sách nghèo nàn, thiếu thân thiện. Trong nhiều lớp học, học sinh cùng phụ huynh chung tay xây dựng tủ sách lớp em nhưng chúng thường xuyên ở tình trạng “cửa đóng then cài” với lý do bảo quản và chống mất mát (?). Thư viện và các hoạt động khuyến khích trẻ đọc sách trong các ngôi trường thật sự chưa được coi là “trái tim của trường học”.
“Khát sách”, chính phủ chưa coi trọng đúng mức các hoạt động khuyến đọc cho trẻ… Đó là một trong những nguyên nhân thôi thúc anh Nguyễn Quang Thạch “ăn mày sách” để sách hóa nông thôn đồng thời cũng sách hóa cả… thành thị. Gần hai thập kỷ kiên trì, giờ đây, hàng vạn tủ sách đã được lập, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra công văn 6841 về đổi mới thư viện và phát triển văn hóa đọc trong nhà trường. Cá nhân anh Nguyễn Quang Thạch và “Sách hóa nông thôn” nhận giải thưởng về xóa mù chữ của Unesco năm 2016.
Tuy nhiên sự nghiệp “đấu tranh” cho quyền được đọc của trẻ còn gian nan nếu các bậc phụ huynh và thầy cô vẫn coi sách giáo khoa là “thánh kinh” và làm bài tập là quan trọng; nếu các tổ chức dân sự về khuyến đọc chưa được chính quyền khuyến khích và công nhận.
Xây dựng cho trẻ em thói quen độc sách là công việc cần làm từ khi các bé còn nhỏ.
Ở các nước phương Tây, chính phủ luôn khuyến khích và hỗ trợ các cá nhân, các tổ chức dân sự tổ chức các chương trình tặng sách, đọc sách, đào tạo kỹ năng đọc… cho trẻ bằng các chiến lược, chính sách, kế hoạch, chương trình cụ thể.
Ở các quốc gia phát triển, các chính trị gia, dù bận rộn, hàng năm họ luôn dành quỹ thời gian nhất định cho các hoạt động khuyến đọc cho trẻ. Hình ảnh Tổng thống Barack Obama tặng sách và đọc sách cho trẻ không hề xa lạ với người dân nước Mỹ. Gần chúng ta hơn, ở xứ sở kim chi, tại mỗi dịp hội sách, hình ảnh nữ Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye xếp hàng mua sách hoặc đọc sách tại các gian hàng là một hình ảnh rất gần gũi với độc giả quốc gia này.
Gặp lại David tại lễ khai giảng năm nay, như thường lệ, câu chuyện vẫn xoay quanh chủ đề khuyến đọc cho trẻ, David cho rằng, “bồi dưỡng tình yêu sách cho trẻ trong độ tuổi trước khi tới trường và trong độ tuổi tiểu học vô cùng quan trọng. Nó giúp trẻ hình thành thói quen đọc sách suốt đời (lifelong reading habit). Đó là nền tảng cho tự học và một xã hội học tập”.
Theo News Zing