Chị Lâm kể, gia đình chị không có ai hút thuốc. Tuy nhiên hơn một tuần nay, thi thoảng chị lại thấy trong nhà thoang thoảng có mùi thuốc lá. Ban đầu chị nghi ngờ chồng mình hút nhưng một hôm vô tình đi ngang qua cửa phòng con, chị giật mình khi thấy cậu con trai 12 tuổi gác chân lên bàn học, vênh mặt lên và tay cầm điếu thuốc phì phèo hút.
Chứng kiến cảnh đó, phải mất mấy giây sững sờ chị Lâm mới có thể quát lên và giật điếu thuốc khỏi tay cậu con trai. Bị mẹ la mắng và tra hỏi, con trai chị nói do nhiều lần các bạn nam trong lớp thách nên con mới tập tành hút để thể hiện bản lĩnh… đàn ông.
“Trước đó không lâu, trong lúc dọn dẹp phòng cho con tôi phát hiện có bao thuốc ở ngăn kéo bàn học của cháu. Tôi đã gặng hỏi cháu nhiều lần nhưng đều nhận được câu giải thích “bao thuốc của bạn con đến chơi để quên”. Bởi tin tưởng con không nói dối nên tôi cũng quên việc đó đi nhưng thật không ngờ, cháu đã bắt đầu có thói quan tập tành hút thuốc”, chị Lâm chia sẻ.
Muốn con từ bỏ việc hút thuốc nhưng hiện tại chị Lâm chưa tìm ra cách xử lý. Chị cảm thấy lo lắng và loay hoay tìm cách để con nhận ra những tác hại của thuốc lá.
Theo chuyên gia tâm lý Phạm Hiền, trẻ ở tuổi thanh thiếu niên còn ngồi trên ghế nhà trường, đa số các em chưa ý thức được đầy đủ tác hại nghiêm trọng của việc hút thuốc lá. Vì vậy trẻ dễ đua đòi bạn, bắt chước bạn hút thuốc để tạo cảm giác là mình trưởng thành, độc lập, hoặc thể hiện là một người lạnh lùng…
Việc hình thành thói quen nghiện thuốc lá có thể bắt đầu ngay từ những ngày đầu trẻ thử hút, vì vậy cha mẹ phải giúp trẻ tránh khỏi việc thử hút thuốc.
Đối với những trường hợp trẻ đã hút thuốc, vị chuyên gia này cũng đưa ra những lời khuyên cho các bậc cha mẹ.
– Không đánh mắng trẻ vì trẻ đang độ tuổi mới lớn, càng la mắng trẻ sẽ càng làm ngược lại. Cha mẹ nên thảo luận với con về thuốc lá theo cách quan tâm chứ không xét nét, hạch sách, tránh để trẻ cảm thấy mình đang bị chỉ trích, trừng phạt.
– Có thể trẻ không có khả năng đánh giá hết được hành vi của trẻ sẽ ảnh hưởng đến tương lai như thế nào, vì vậy cha mẹ phải nói một cách thẳng thắn về tác hại của hút thuốc lá.
– Nói rõ cho con biết việc cải thiện tâm trạng, tập trung tư tưởng có thể đạt được bằng nhiều cách khác như xem xét lại các vấn đề tâm lý cá nhân, lên kế hoạch sinh hoạt, vui chơi lành mạnh, tập luyện để có sức khỏe tốt… thay vì hút thuốc lá.
– Nếu trong nhà có người hút thuốc lá thì người đó nên chủ động nhận lỗi. Người cha nên tỏ thái độ hợp tác khi vợ con góp ý bỏ thuốc lá, tránh việc thấy con hút thuốc thì bỏ mặc con “muốn làm gì thì làm”.
– Thỏa thuận với con về thời gian bỏ thuốc, cùng con lên kế hoạch cắt giảm thuốc từ từ nhưng kiên quyết. Việc cắt giảm cần cụ thể như từ mỗi ngày hút 5 điếu giảm xuống 4, 3 điếu trong tuần tiếp theo…
– Thưởng cho con những món quà bổ ích khi con bỏ thuốc lá thành công trong từng giai đoạn cụ thể. Đồng thời, khuyến khích con vận động hàng ngày kể cả sau khi bỏ hẳn thuốc lá. Tập luyện thể thao được xem là cách chống lại cơn thèm thuốc lá.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mỗi năm trên thế giới có khoảng 6 triệu người tử vong liên quan đến hút thuốc lá. Trong đó, có khoảng 600.000 người tử vong do hút thuốc lá thụ động….
Điều đáng nói là tỷ lệ hút thuốc lá trong thanh thiếu niên đang tăng và độ tuổi bắt đầu hút thuốc ngày càng trẻ. Có tới 21,6% nam thanh niên từ 16 – 24 tuổi là người hút thuốc. Trong một nghiên cứu khác, có tới 17% học sinh nam hút thuốc. 14,3% học sinh nam, nữ trong độ tuổi 13 – 15 trả lời có ý định hút thuốc trong tương lai.
Để trẻ có một sức khỏe tốt nhất và tránh được những nguy cơ do thuốc lá gây ra, phụ huynh cần phải giúp trẻ tránh khỏi thói quen này ngay từ bây giờ. Nếu phát hiện con mình hút thuốc, các bậc cha mẹ không nên tỏ thái độc tức giận thay vào đó là kiên nhẫn nghe con giải thích và giúp con nhận thức về tác hại của việc hút thuốc.
Theo Dân trí