6 tố chất của người bán hàng giỏi

 Thứ 2 tuần trước tôi ở Chicago để xem một trận bóng bầu dục với những người bạn. Chúng tôi có 6 người, sẽ cùng bay trở về vào sáng thứ 3 nên cần một chiếc xe đủ to để đưa cả nhóm từ thị trấn ra sân bay.


Ảnh minh họa

“Chuyện nhỏ”, lễ tân khách sạn nói với chúng tôi và nhấc máy gọi cho Leo, một anh lái xe.

Là một người có kinh nghiệm trong việc “nhỡ chuyến” và từng nhiều lần khó chịu khi phải chờ đợi xe tới đón, tôi cẩn thận hỏi anh lễ tân số điện thoại của Leo, gọi lại xác nhận với anh ta để đảm bảo anh ta có thể đón chúng tôi đúng giờ. Anh ta nhắc lại chính xác những thông tin mà lễ tân đã cung cấp và khẳng định sẽ có mặt, thêm nữa, anh lái xe này có một giọng nói dễ nghe, phát âm tốt và có vẻ cẩn thận. Tôi cảm thấy khá hài lòng.

15 phút trước giờ hẹn, điện thoại của tôi rung lên. Đó là tin nhắn của Leo, nói rằng anh đang ngồi trong một chiếc Suburban màu đen, đỗ ở trước cửa khách sạn. Anh ta còn đính kèm một bức ảnh selfie bên cạnh chiếc SUV, để tôi biết chắc đó là chiếc xe nào và tài xế là ai.

Khi chúng tôi bước ra ngoài, anh ta vẫy chào và cười với chúng tôi, chạy về phía chúng tôi bắt tay và xách hành lý tối đa mà anh ta có thể. Chúng tôi lên xe, gọn gàng và sạch sẽ.

Chúng tôi khởi hành sớm để thoải mái về giờ giấc. 5 dặm đầu tiên yên ả trôi qua nhưng sau đó đột nhiên có một tiếng nổ lớn. Đường cao tốc nhanh chóng trở thành một bãi đỗ xe khổng lồ, các phương tiện chỉ có thể nhích từng chút một. Chúng tôi bắt đầu cảm thấy lo lắng. Thế nhưng Leo vẫn tỏ ra bình tĩnh. Anh ta kiểm tra điện thoại và nói với chung tôi rằng vừa có một vụ tai nạn ở phía trước. “Đừng lo”, anh ta trấn an chúng tôi.

Với kỹ năng lái xe như một tay đua Nascar, Leo luồn lách qua hàng chục chiếc xe và rẽ sang một con đường khác.

Là một người rất thuộc đường Chicago, tôi hỏi Leo “chúng ta sẽ đi tiếp đường này đến Rosemont, cạnh sân bay ư?”. “Không”, anh ta đáp, “tôi chuẩn bị rẽ để quay lại đường liên bang khi nãy”. “Thế à”, tôi tỏ vẻ nghi ngờ.

Chỉ ít phút sau, Leo rẽ trở lại đường liên bang và đạp ga hết cỡ. Tôi lại một lần nữa hỏi anh ta xem liệu đi vòng như thế này có kịp giờ không. “20 năm kinh nghiệm lái xe của tôi nói là có”, anh ta đáp.

Chúng tôi tới sân bay vừa kịp giờ. Leo nhanh chóng dỡ đồ, cảm ơn chúng tôi và đề nghị chúng tôi gọi anh khi nào tới Chicago.

Câu chuyện này có liên quan gì tới dân sales? Theo quan điểm của tôi, có những người là dân sales chuyên nghiệp, còn có những người chỉ chọn nghiệp là làm sales. Nói cách khác, Leo ở đây chính là một dân sales chuyên nghiệp và có 6 tính cách của một người như vậy.

1. Năng lực

Những người chuyên nghiệp là những người luôn muốn giỏi lên từng ngày. Họ là những sinh viên không bao giờ tốt nghiệp bởi luôn còn quá nhiều thứ phải học. Tôi cảm thấy ngạc nhiên khi có những người làm sales nhưng lại dành thời gian uống cà phê nhiều hơn thời gian đi làm.

Có thể bạn nghĩ nhiệm vụ của công ty là truyền đạt kỹ năng làm việc cho bạn, nhưng tôi nghĩ, người chuyên nghiệp là người biết trình độ mình đang ở đâu và việc học gì tiếp theo hoàn toàn do bạn tự quyết định.

Leo tự hào vì kinh nghiệm của mình và rõ ràng anh ta luôn tìm cách để đưa mọi người từ nơi này đến nơi khác một cách tốt nhất, hiệu quả nhất.

2. Giao tiếp

Dân sales chuyên nghiệp là những người rất giỏi kết nối, tiếp cận và duy trì cuộc trò chuyện. Ngay từ khi bắt đầu nói chuyện qua điện thoại, đến tin nhắn và những cuộc nói chuyện trong xe, Leo đã tạo nên một mối quan hệ tốt và khiến chung tôi tin tưởng rằng chúng tôi đã chọn đúng người.

Với dân sales, tất cả đều phụ thuộc vào khả năng giao tiếp, chứ không phải kỹ năng gửi email. Hãy học cách truyền tải thông điệp của mình và luyện tập nó hàng ngày. Có một điều không bao giờ thay đổi dù thế giới có hiện đại đến đâu đi chăng nữa, cách bán hàng tốt nhất vẫn là thông qua nói chuyện trực tiếp.

3. Thái độ khách hàng là số một

Mới đây, tôi đã gặp một người mà tôi mô tả là “giữ công việc bán hàng”. Anh ta thực sự không quan tâm tôi có mua hàng của anh ta hay không. Anh ta nói với tôi như kiểu anh ta còn nhiều việc quan trọng khác hơn để làm, và tôi thực sự khó chịu khi hỏi anh ta một số thông tin thì anh ta lại chẳng hề nắm được.

Dân sales chuyên nghiệp biết khách hàng mua vì lý do gì, đó là lý do họ luôn nghiên cứu khách hàng và tìm hiểu thật kỹ xem khách hàng muốn gì.

Leo có tính cách này. Anh ta hoàn toàn hiểu chúng tôi muốn gì và đáp ứng hoàn hảo.

4. Lòng tin và trách nhiệm

Thật buồn là ngày nay tiêu chuẩn này đang bị hạ thấp, trong khi “nói được – làm được” lẽ ra phải là điều hiển nhiên.

Khi Leo đến sớm 15 phút, tôi biết rằng tôi đang gặp một người chuyên nghiệp. Người chuyên nghiệp luôn làm được những gì họ nói. Dù chuyện lớn hay bé, bạn hoàn toàn có thể tin tưởng vào họ.

Chắc chắn bạn đã gặp những người như vậy, và cả những người ngược lại. Còn bạn, bạn ở nhóm nào?

5. Diện mạo

Bạn sẽ biết đâu là người chuyên nghiệp khi gặp và nghe họ nói. Mọi thứ về Leo, từ nụ cười, bước đi, cách nói chuyện và cả chiếc xe cho thấy một hình ảnh chuyên nghiệp.

Kể cả khi hầu hết các giao dịch giờ đây đều thực hiện qua điện thoại, bạn vẫn có thể tạo nên hình ảnh của mình thông qua cách bạn nói, cách sản phẩm được chuyển giao…

Hình ảnh của bạn thậm chí còn được thể hiện qua email. Liệu email của bạn có đầy đủ thông tin với khách hàng không, hay giống như những email hàng loạt tràn lan trong hòm thư rác?

6. Sự điềm đạm

Người ta nói rằng, bạn có thể biết rất nhiều về một người chỉ cần nhìn vào biểu hiện trên gương mặt của họ.

Leo không hề tỏ ra lo lắng, không đập vô lăng, không hú còi, không chửi bới những người lái xe khác khi chúng tôi bị tắc đường. Anh ta bình tĩnh đánh giá tình hình và nghĩ “làm gì bây giờ”, rồi thực hiện điều đó.

Bạn hoàn toàn có thể tự quyết định mình có phải là một người chuyên nghiệp hay không. Nếu bạn đang là một người như vậy, xin chúc mừng!

Theo Trí Thức Trẻ/Smart Calling Online