GD phù hợp với quy luật phát triển
Thế kỷ XVII, khi mà GD học trở thành một khoa học độc lập thì những luận giải về sự phát triển của trẻ với trường học được quan tâm đặc biệt. Người khởi xướng cho khoa học GD cũng là người đầu tiên phân định sự phát triển tâm lý của trẻ gắn liền với chương trình học đường, đó chính là Jan Amos Komensky (1592 – 1670).
Theo ông, quá trình GD ở nhà trường chia làm 4 giai đoạn phù hợp với 4 thời kỳ của tuổi học. Ở mỗi giai đoạn lứa tuổi, ông đưa ra những yêu cầu nhất định. Chẳng hạn, lứa tuổi mẫu giáo cần rèn luyện các giác quan để chúng nhận thức được thế giới bên ngoài, hay ở trường quốc ngữ phải dạy cho trẻ rèn luyện tính tưởng tượng cao và những tri thức cơ bản; ở trường la-tinh dạy cho thiếu niên ngữ pháp, tu từ học, toán học, thiên văn; khi ở trường đại học thì phải hun đúc ý chí cho thanh niên và dạy cho họ triết học, y học, luật học…
Như vậy, những ưu điểm của quan điểm này ngày nay vẫn được mọi người thừa nhận và áp dụng cho nền GD ở nhiều nước trên thế giới.
Đến thế kỷ XVIII, nhà Triết học, nhà GD học Giăng Giắc Rút xô (1712 – 1778) đã đưa ra quan điểm GD phù hợp với tự nhiên, đó là cần phải tuân thủ theo sự phát triển tự nhiên sinh học của trẻ, người lớn không nên can thiệp vào sự phát triển đó, hãy để cho phù hợp và tăng cường khả năng thích ứng của trẻ.
Ở nước ta, Bộ GD&ĐT đã xây dựng và ban hành những quy định được ghi rõ trong hướng dẫn nhiệm vụ năm học đối với cấp tiểu học và bậc mầm non là: Không được tổ chức dạy học trước và thi tuyển vào lớp 1, tuyệt đối không dạy trước chương trình lớp 1 cho trẻ mẫu giáo…
Sai lầm của cha mẹ và tổn thương tâm lý
Một số phụ huynh ngộ nhận rằng: Trẻ từ 3 – 4 tuổi mà đã đọc được, làm toán được, nếu như thế những đứa trẻ này có thể phát triển rất tốt về sau và cứ theo chiều hướng như vậy. Tuy nhiên, theo ý kiến chuyên môn thì trừ một số trường hợp ngoại lệ “không học mà biết” còn lại trẻ đều được tiếp cận GD bằng cách này hoặc cách khác, gián tiếp hay trực tiếp. Những đứa trẻ trước tuổi học có thể đọc viết, làm toán thành thạo cũng là do sự phát triển sớm của các tế bào thần kinh và cũng chỉ đạt đến một giới hạn nhất định.
Thực tế ở nước ta, một số trường hợp trên dưới 3 tuổi đã biết đọc nhưng giờ đây cũng chỉ là một HS bình thường như các bạn cùng tuổi, không có điểm gì xuất sắc hơn. Trẻ chưa đến tuổi học chữ (dưới 6 tuổi) chưa có tâm lý sẵn sàng để viết và học chữ. Vì thế, nếu học trước thì thời gian và công sức dành cho việc luyện chữ phải nhiều hơn so với đứa trẻ đúng tuổi. Khi trẻ biết trước kiến thức, vào học chính thức trẻ dễ chủ quan không suy nghĩ động não. Không ít HS hình thành tâm lý ỷ lại, tự ti, không còn hứng thú với chuyện học, vì vậy thời gian sau đó số HS này thường có kết quả thấp và ít có chiều hướng phấn đấu.
Khoa học tâm lý khẳng định: Tuổi mẫu giáo hoạt động vui chơi là chủ đạo, mà không phải là học tập. Với sự phát triển và đang hoàn thiện những chức năng sinh học cũng như khả năng tham gia khám phá thế giới xung quanh thì thông qua vui chơi để hình hình những nét tâm lý mới, là cơ sở, tiền đề của hoạt động học tập trong những năm vào tiểu học.
Sự phát triển mạnh mẽ của cơ thể, các quá trình nhận thức, xúc cảm, tình cảm… cho phép trẻ chỉ phù hợp với sự lĩnh hội một cách căn bản, làm quen với thế giới bên ngoài đơn giản nhất mà chỉ thông qua hoạt động vui chơi mang lại chứ không phải hoạt động học tập. Hoạt động về mặt chủ đạo sẽ luôn quyết định những nét tâm lý đặc trưng nhất của lứa tuổi HS mẫu giáo. Nếu như hoạt động chủ đạo được diễn ra tốt đẹp thì kéo theo sự phát triển tâm lý của trẻ cũng đúng hướng, thuận lợi và ngược lại.
Điều quan trọng và cần thiết hơn đối với cả trẻ lẫn cha mẹ là hãy chuẩn bị tâm lý vững vàng cho trẻ để sẵn sàng bước vào lớp một thật thoải mái và an toàn. Gia đình hãy giúp trẻ làm quen với môi trường mới và tạo hứng thú cho trẻ khi nghĩ đến việc học, để mỗi ngày đến trường với trẻ thật sự là một ngày vui, trẻ háo hức đến trường sẽ tiếp thu bài hiệu quả hơn.
Theo Giáo dục và Thời đại