Có thể kể tới một số doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nhất, như Nhiệt điện Phả Lại báo lỗ 300 tỷ đồng do đồng yên Nhật tăng giá mạnh; Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 lãi giảm gần 30% so với cùng kỳ khi cả đồng đi vay là USD và đồng Euro đều tăng giá.
Bên ngoài sàn chứng khoán, Viettel Global, “niềm tự hào toàn cầu” của Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel bị ảnh hưởng nặng nề khi lợi nhuận chỉ đạt 500 tỷ đồng, giảm 80% so với cùng kỳ do lỗ chênh lệch tỷ giá hơn 1.500 tỷ đồng.
Ngoài ra, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), công bố lợi nhuận 2015 bốc hơi gần 1.000 tỷ đồng so với năm trước do lỗ tỷ giá 641 tỷ đồng trong khi năm trước lãi gần 1.500 tỷ đồng.
Sở dĩ các doanh nghiệp trải qua một năm đầy biến động về tỷ giá là bởi trong năm 2015, Trung Quốc bất ngờ phá giá đồng nhân dân tệ, buộc Ngân hàng Nhà nước phải thay đổi chính sách và phá giá tiền đồng.bằng cách tăng 3% tỷ giá bình quân liên ngân hàng và nới biên độ tỷ giá từ 1% lên 3%, kết hợp điều chỉnh lãi suất VND và lãi suất USD đồng thời mua bán ngoại tệ can thiệp thị trường.
Trước sức ép từ tỷ giá, mới đây Công ty mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (SBT) đã thông qua việc phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu với mục đích cơ cấu lại các khoản nợ và tăng quy mô hoạt động.
Trong đó, khoảng 50% số tiền được dùng để chuyển đổi khoản vay ngoại tệ của HSBC sang tiền đồng với lãi suất hợp lý hơn và 50% còn lại dùng để đầu tư cho R&D, vùng nguyên liệu…
Được biết, Thành Thành Công Tây Ninh vay ngân hàng HSBC Hong Kong với hạn mức tối đa 25 triệu USD, thế chấp bằng 32ha quyền sử dụng đất (giá trị 12,4 triệu USD) và dây chuyền máy móc thiết bị sản xuất đường (46,7 triệu USD). Tính đến cuối quý I/2016, giá trị khoản vay quy ra tiền đồng là 460 tỷ đồng.
Việc Thành Thành Công phát hành trái phiếu để huy động tiền tái cơ cấu nợ cho thấy doanh nghiệp đang dần quan tâm hơn đến các khoản vay ngoại tệ trước những biến động khó lường trên thị trường tài chính thế giới.
Tuy nhiên, doanh nghiệp hoàn toàn có thể chủ động phòng tránh biến động tỷ giá bằng một cách thông dụng trên thế giới, là các hợp đồng phái sinh (kỳ hạn, tương lai, quyền chọn, hoán đổi).
Lấy ví dụ, doanh nghiệp vay 1 triệu USD, tỷ giá 22.000 đồng/USD, lãi suất 10%/năm (tương đương vay 22 tỷ đồng). Nếu tỷ giá giữ nguyên, đến cuối năm doanh nghiệp chỉ phải trả lãi vay 100.000 USD, tương ứng 2,2 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nếu tỷ giá tăng lên 23.000 đồng/USD, số tiền doanh nghiệp phải trả lãi vay bằng USD vẫn là 100.000 USD nhưng tính theo tiền đồng sẽ tăng lên 2,3 tỷ đồng, và giá trị khoản gốc vay cũng tăng lên 23 tỷ đồng.
Trong trường hợp này, để tránh rủi ro đồng USD tăng giá, doanh nghiệp sau khi vay 1 triệu USD chỉ cần bỏ thêm chi phí để mua hợp đồng quyền chọn: Vẫn chuyển đổi với tỷ giá 22.000 đồng/USD khi tới hạn trả lãi vay.
Với hợp đồng quyền chọn này, dù tỷ giá có tăng lên bao nhiêu thì doanh nghiệp vẫn chỉ phải trả 22.000 đồng cho 1 USD. Trong khi đó, nếu tỷ giá giảm xuống 21.000 đồng/USD, doanh nghiệp sẽ chuyển đổi với tỷ giá 21.000 đồng/USD, mà không cần phải thực hiện hợp đồng quyền chọn.
Đối với doanh nghiệp có bộ phận phân tích tài chính tốt, tự tin với những phán đoán về tỷ giá, doanh nghiệp hoàn toàn có thể sử dụng hợp đồng tương lai.
Đây là loại hợp đồng cũng xác định tỷ giá khi tới hạn trả lãi vay, nhưng bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện. Ví dụ, nếu doanh nghiệp ký hợp đồng tại giá 22.000 đồng/USD, điều đó có nghĩa là doanh nghiệp chắc chắn biết 1 năm nữa mình sẽ phải chuẩn bị 2,2 tỷ đồng trả lãi vay, bất kể tỷ giá biến động thế nào.
Nếu tỷ giá lên 23.000 đồng/USD, doanh nghiệp sẽ thở phào nhẹ nhõm vì đã có hợp đồng trong tay, còn nếu tỷ giá xuống 21.000 đồng/USD, doanh nghiệp sẽ có đôi chút tiếc nuối khi không thể thực hiện chuyển đổi tại giá thấp hơn.
Nếu so sánh tính chất của 2 loại hợp đồng, có thể thấy hợp đồng quyền chọn có lợi hơn cho doanh nghiệp, vì vậy, chi phí cho hợp đồng quyền chọn sẽ cao hợp so với hợp đồng tương lai.
Trong khi các hợp đồng quyền chọn, hợp đồng tương lai đã được sử dụng rộng rãi và phổ biến trên thế giới, thì tại Việt Nam, các loại công cụ này chưa được sử dụng rộng rãi. Theo thống kê, có đến 90% doanh nghiệp nhập khẩu không sử dụng sản phẩm bảo hiểm tỷ giá.
Lý giải nguyên nhân, một số doanh nghiệp cho biết, họ không sử dụng bởi phí bảo hiểm còn cao, trong khi doanh nghiệp muốn tiết giảm tối đa chi phí, nên chấp nhận chịu rủi ro thay vì mua hợp đồng bảo hiểm. Ngoài ra, các hợp đồng đồng tương lai, quyền chọn cũng chưa được ngân hàng chú trọng phát triển do bản thân các ngân hàng cũng ngại rủi ro.
Ngoài ra, việc tỷ giá trong giai đoạn giữa năm 2015 trở về trước tương đối ổn định cũng khiến các doanh nghiệp yên tâm hoạt động mà không mấy chú ý tới tỷ giá. Tuy nhiên, động thái bất ngờ phá giá đồng nhân dân dân tệ của Trung Quốc đã khiến thị trường tài chính biến động, Ngân hàng Nhà nước buộc phải điều chỉnh tỷ giá khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn.
Năm 2016, tỷ giá được dự báo sẽ ổn định trở lại. Theo Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành chính sách tỷ giá trong năm 2016 theo cách thức mới, linh hoạt hơn, với mục tiêu nhất quán và kiên định là ổn định thị trường ngoại hối, nâng cao vị thế của đồng Việt Nam.
Theo Trí Thức Trẻ