Nhà lãnh đạo xuất sắc cần biết tạo động lực cho nhân viên

Bốn lời khuyên được đưa ra bởi Gary Matuszak, Chủ tịch phụ trách công nghệ, truyền thông và viễn thông tại KPMG sẽ giúp cho các nhà quản lý truyền cảm hứng cho nhân viên để họ cùng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ chung.


Ảnh minh họa

Để tạo ra động lực thúc đẩy lực lượng lao động, những yếu tố truyền thống như lương thưởng hấp dẫn, có nhiều chương trình đào tạo và phát triển cũng như cơ hội thăng tiến vẫn đóng vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, để truyền cảm hứng thực sự cho nhân viên nhằm thúc đẩy họ làm việc hết công suất thì nhà quản lý còn phải vận dụng thêm nhiều phương pháp nữa.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo nhân lực hiện nay luôn khuyên các nhà lãnh đạo phải truyền đam mê về những gì họ làm cho nhân viên. Để làm được như vậy, các nhà lãnh đạo phải biết tạo cho các cuộc họp một không khí mới mẻ chứ không chỉ là ngồi đối mặt với nhau.
Trong các cuộc họp các nhà lãnh đạo nên kể những câu chuyện về kinh nghiệm trong kinh doanh và cuộc sống cá nhân cũng như chia sẻ những giai thoại về các thách thức mà họ đã phải đối mặt, bài học mà họ đã học được từ thất bại. Hoặc đơn giản hơn là lắng nghe ý kiến của các nhân viên, tán dương thành tích và phẩm chất tốt của họ. Tuy nhiên, thực tế có quá nhiều nhà lãnh đạo dường như không muốn làm điều này.
Do đó, nếu muốn trở thành một nhà lãnh đạo sáng suốt hơn và tạo được động lực cho đội ngũ nhân viên, bạn nên nghe theo một số phương pháp mà Gary Matuszak, Chủ tịch phụ trách công nghệ, truyền thông và viễn thông tại KPMG chỉ ra dưới đây:
Chia sẻ niềm đam mê của bạn
Tôi không thể hình dung ra được một ngành công nghiệp nào mà có thể có sức hấp dẫn như ngành công nghệ. Ngành công nghệ đã thay đổi cuộc sống của mọi người. các dịch vụ mà chúng ta sử dụng và cách chúng ta mua sắm những thứ khác. Công nghệ đã giúp tôi chia sẻ niềm đam mê với đội nhóm của tôi mỗi ngày, và xa hơn là với các khách hàng của chúng tôi.
Nắm bắt ngay cơ hội mới
Cảm hứng và niềm đam mê có thể được gây dựng bằng nhiều cách. Ngay từ khi mới bắt đầu sự nghiệp, tôi đã có cơ hội được làm việc tại văn phòng của công ty ở thung lũng Silicon. Đó là vào năm 1980 khi thung lũng Silicon vẫn còn phụ thuộc khá nhiều vào ngành công nghiệp bán dẫn. Có rất nhiều các công ty mới, và nhiều công ty lên sàn (IPO). Thung lũng Silicon đã được hình thành như thế và đó cũng chính là cái nôi của ngành công nghiệp công nghệ hiện đại, nơi đã truyền cảm hứng cho tôi trong suốt những năm sau này.
Cung cấp đầy đủ các công cụ cần thiết để đạt được thành công
Mục tiêu của tôi là đảm bảo các nhân viên kỹ thuật của tôi có thể đưa ra các thông tin chính xác và sự hỗ trợ phù hợp cho khách hàng. Đó là những kiến thức họ cần để thành công. Điều này sẽ tạo cho nên sự tự tin trong mối nhân viên và cho phép họ có một cái nhìn bao quát hơn. Bạn cũng có thể sẽ ngạc nhiên với niềm đam mê làm việc của họ.
Khuyến khích một tầm nhìn bao quát
Điều quan trọng là cách kể chuyện của bạn để gây dựng hình ảnh một tổ chức lớn mạnh. Tại KPMG, chúng tôi yêu cầu mọi người chia sẻ một câu chuyện về những gì họ xem là mục đích cao nhất trong công việc của họ, và làm thế nào nó tác động đến các sản phẩm dịch vụ của chúng tôi. Mục tiêu của chúng tôi là nhận được 10.000 chia sẻ trong năm tháng.
Tuy nhiên, KPMG đã vượt qua mục tiêu này chỉ trong ba tuần, và đã nhận được hơn 42.000 câu chuyện khi kết thúc chiến dịch. Tinh thần làm việc của nhân viên cũng theo đó tăng lên mức kỷ lục. Nhiều nhân viên chia sẻ rằng họ đã được các nhà lãnh đạo cùng thảo luận về mục đích lớn nhất của họ khi làm việc tại công ty và họ hài lòng về điều đó. Do đó, bạn không nhất thiết phải tạo ra một chiến dịch lớn để truyền cảm hứng cho nhân viên của bạn mà chỉ cần bắt đầu bằng cách nói chuyện thường xuyên hơn và nhiệt tình hơn về mục tiêu và nguyện vọng của nhân viên.

Theo BizLive