“Học, học và học” – đó là tất cả cuộc sống của rất nhiều đứa trẻ trong độ tuổi tiểu học hiện nay…
Thực tế là chương trình giáo dục đã “cởi trói” áp lực điểm số và các chuyên gia không ngừng lên tiếng cảnh báo hậu quả của tình trạng quá tải việc học. Nhưng nhiều ông bố bà mẹ vẫn mang nặng tâm lí muốn con hơn người và đặt nặng thành tích học tập nên vẫn dồn ép con cái vào guồng quay của học thêm, học kèm.
Tôi có đứa cháu đang học năm cuối cấp tiểu học. Mỗi lần nhắc đến việc học tập của cậu bé là một cuộc tranh luận không dứt giữa ông bà và bố mẹ. Bố mẹ luôn đặt ưu tiên hàng đầu cho việc học, còn ông bà xót cháu nên thường lên tiếng cản ngăn. Nhưng rồi hai ông bà cũng đành buông xuôi trước hàng loạt lập luận kiểu như: “Nhỏ không học, lớn sẽ vất vả”, “Uốn cây phải uốn lúc còn non”, “Không học sẽ không theo kịp con nhà người ta”, …
Số là cậu bé ấy sớm tập làm quen với việc học kèm từ năm lớp 1. Một cô giáo đảm nhận nhiệm vụ ôn bài cũ và chuẩn bị bài mới vào 5 buổi tối trong tuần, 2 buổi tối còn lại dành cho bài tâp mở rộng và nâng cao. Và bắt đầu từ năm lớp 3 mới thật sự là một cuộc chạy đua để bằng “con nhà người ta” và cuộc đua càng lúc càng căng thẳng. Ba cô giáo phụ trách 3 môn Toán – Tiếng Việt – Tiếng Anh kèm tại nhà, 3 lớp học nâng cao 3 môn ấy ở trung tâm. Trung bình mỗi môn 2 buổi, vị chi là 12 buổi rải đều các buổi tối và thứ bảy, chủ nhật. Tính thêm ngày học 2 buổi ở lớp nữa thì khoảng thời gian trống còn lại chẳng là bao.
Niềm đam mê học võ của cậu bé sớm bị dập tắt khi thời khóa biểu kín mít việc học. Có những lúc thầy cô dạy thêm bận việc, đổi buổi dạy là lịch học chồng chéo vào nhau đến khổ sở. Rời trường về nhà dành nửa tiếng ăn uống rồi đón cô giáo thứ nhất. Cô giáo chưa kịp về thì cô giáo thứ hai đã đến. Cả ngày học ở trường cộng thêm 3 tiếng ở nhà gần như rút hết sức lực của một đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi chơi ấy. Bao nhiêu vị thuốc bổ, bao nhiêu món ăn giàu dinh dưỡng cũng chẳng bù đắp nổi sự mệt mỏi của thể xác và tinh thần!
Nhìn các cháu học, tôi chợt thấy thương thật nhiều. Trang viết tuổi thơ của con trẻ chỉ toàn những công thức toán, bài làm văn và câu ngoại ngữ ư? Góc tuổi thơ chỉ cất giữ những điểm số, những bằng khen và giấy chứng nhận ư? Dấu ấn tuổi thơ chỉ in đậm việc học và học với những nỗi ám ảnh không dứt ư?
Còn đâu là tuổi ấu thơ hồn nhiên, hoa mộng?
Cuộc sống ngày càng hiện đại với sự phát triển trên mọi lĩnh vực buộc chúng ta phải vận động và học tập không ngừng. Nhưng đâu thể vì thế mà cướp mất tuổi thơ của con trẻ. Bố mẹ lo lắng con thua kém bạn bè, thầy cô áp lực vì chất lượng, thành tích nên dồn ứ cho con trẻ một lịch học dày đặc với hàng đống bài tập buộc trẻ phải học, phải làm và phải luyện.
Trong khi con trẻ cuống cuồng chạy theo kiến thức và thành tích như thế, tuổi thơ sẽ trôi qua lúc nào chẳng biết. Thay vì được chơi đùa thoải mái cùng chúng bạn, được trải nghiệm cuộc sống muôn màu và rèn các kĩ năng sống, được cùng bố mẹ vun đắp yêu thương và tình cảm gia đình thì các con lại mải miết chinh phục những kiến thức, chinh phục những đỉnh cao do bố mẹ đặt ra.
Kiến thức quan trọng nhưng không phải là tất cả để chúng ta đánh đổi mọi sự phát triển toàn diện về thể chất, tâm hồn, nhất là ở lứa tuổi tiểu học. Khi mà mọi sự tác động của bố mẹ đều là sự gò ép con phải học, phải giỏi thì việc rèn trẻ vào khuôn khổ sẽ sớm thất bại.
Bạn thích có một đứa con như thế nào: Sớm đeo kính cận, nổi trội với những thành tích học tập nhưng yếu kĩ năng sống, rụt rè trong các mối quan hệ xẽ hội, vô tâm với bố mẹ và người thân? Hay một đứa trẻ không thật sự xuất sắc trong học tập nhưng khỏe mạnh, tự tin, năng động, đầy yêu thương?
Tất cả đều tùy thuộc vào sự lựa chọn của chính bạn và cách bạn giáo dục con! Một tuổi thơ đúng nghĩa sẽ là bước khởi đầu tốt đẹp cho sự thành công trong tương lai!
Theo Dân Trí