Nhiều nhà quản lý nhân sự rất đau đầu với chính sách giữ nhân tài. Trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, họ rất khó đoán được khi nào nhân viên sẽ rời bỏ công ty.
Ảnh minh họa
Giảm biên chế hoặc thay đổi cơ cấu
Có đến 54% trường hợp nghỉ việc là do giảm biên chế hoặc thay đổi cơ cấu trong công ty. Điều này là hệ quả tất yếu của nền kinh tế suy thoái toàn cầu: Các công ty buộc phải tinh giản bộ máy nhân lực để tiết kiệm chi phí hoặc cơ cấu lại các phòng, ban để làm việc hiệu quả hơn trong một thị trường cạnh tranh khốc liệt.
Tìm thử thách và cơ hội mới
Việc chán nản ở công việc hiện tại không phải là vấn đề mới với những nhân viên tài năng. Tại Việt Nam, đây là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của nhân viên về công việc hiện tại. Theo khảo sát của công ty tuyển dụng trực tuyến VietnamWorks, có đến 56,6% người được khảo sát không nghĩ rằng mình có thể đạt được công việc mơ ước tại công ty mình đang làm. Có tới 55% người được phỏng vấn thể hiện cảm xúc từ rất không thích đến thờ ơ với công việc hiện tại. Xảy ra cớ sự này là kết quả của một quá trình tuyển dụng không hợp lý khi nhà tuyển dụng chỉ chú trọng đến khả năng của ứng viên mà không quan tâm đến sự phù hợp và hấp dẫn của công việc đối với ứng viên đó.
Lãnh đạo không hiệu quả
Không tài năng xuất chúng nào có thể phát huy sức mạnh dưới một sự lãnh đạo tồi. Nếu một công ty đang có trong tay những nhân tố tài năng nhất nhưng hiệu quả công việc vẫn không như ý, hãy xem lại phương pháp lãnh đạo của mình. Liệu công ty có tạo điều kiện để nhân viên phát huy năng lực hay đang kìm hãm sự phát triển của họ? 25% nhân viên nghỉ việc đổ lỗi cho lãnh đạo, cho việc hợp tác không hiệu quả.
Quan hệ không tốt với người quản lý
Người ta vẫn nói “công – tư phân minh” tuy nhiên trong thực tế, đó là một điều gần như không tưởng. Nếu nhân viên có hiềm khích hay xích mích với một thành viên ở vị trí quản lý, họ có thể cảm thấy mình bị chèn ép trong công việc, dẫn đến mất tinh thần làm việc và không tha thiết với công việc của mình nữa.
Tìm sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc
Trong thời buổi khó khăn, nhiều công ty cố gắng tăng hiệu suất làm việc của nhân viên bằng cách kéo dài thời gian làm việc và tăng thêm trách nhiệm cho mỗi nhân viên. Điều này dẫn đến áp lực đè nặng lên vai nhân viên, khiến họ cảm thấy cuộc sống đang đi chệch theo hướng quá chú trọng vào sự nghiệp và lơ là cuộc sống riêng tư. Để có lối thoát, họ phải ra đi và tìm một công việc mới với những cam kết thời gian làm việc rõ ràng và cân bằng hơn. Đó là điều đã xảy ra với 21% nhân viên nghỉ việc được khảo sát.
Đóng góp cho công ty không được ghi nhận
Ngoài việc nhận được những góp ý tích cực để cải thiện bản thân, nhân viên cũng cần những lời khen công nhận những đóng góp của họ cho công ty. Không ai muốn nghe toàn những lời chê trách, cho dù là những chê trách xác đáng. Hãy biết tưởng thưởng nhân viên một cách hợp lý, dù là chỉ bằng lời nói.
Lương và chế độ tốt hơn
Khá ngạc nhiên khi chỉ có 18% nhân viên nghỉ việc với lý do không hài lòng với lương và các chế độ của công ty. Điều này cho thấy tiền không phải là vấn đề quan trọng nhất trong quan hệ nhà tuyển dụng – nhân viên. Những công ty nhỏ với chế độ lương, thưởng không cạnh tranh vẫn có thể tuyển được nhân viên tốt nếu biết tạo môi trường làm việc và phát triển phù hợp cho nhân viên.