Thế kỷ XXI, Kinh tế Hình ảnh dần lộ diện là Hình thái Kinh tế mới của thế giới. Lý thuyết Kinh tế Hình ảnh và Mô hình Kinh tế Hình ảnh sẽ giúp giải mã những hiện tượng kinh tế mới với những thành tựu ngoạn mục đang hình thành trong thập niên đầu Thế kỷ XXI: Trung Quốc vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới bằng việc xuất khẩu hàng tiêu dùng tràn ngập thị trường toàn cầu; Singapore đang từ bỏ các ngành công nghiệp chế tạo để phát triển các ngành công nghiệp sáng tạo với mục tiêu biến Singapore thành hòn đảo nghệ thuật; Dubai không có tài nguyên dầu lửa, không có các ngành công nghiệp chế tạo vẫn đang phát triển đầy kiêu hãnh tiến tới mục tiêu trở thành môt thiên đường trên vùng sa mạc nóng bỏng; Bornholm, một hòn đảo của Đan Mạch, chỉ có 45.000 dân trong 4 tháng hè đón 600.000 khách du lịch đến từ nhiều quốc gia… Và sự hồi sinh kỳ diệu sau hơn 1 năm lâm vào tình trạng phá sản của Tập đoàn chế tạo ô tô lừng danh của Mỹ – General Motor.…
Nhân dịp Lý thuyết Kinh tế Hình ảnh và Mô hình Kinh tế Hình ảnh lần đầu tiên được công bố tại Hà Nội sáng nay (1/12/2010), Báo Điện tử Công Thương đăng bài viết của ông Nguyễn Liên Phương- Tổng Giám đốc LP Việt Nam, Giám đốc Học viện Doanh Nhân LP Việt Nam, Giải thưởng Nhà Lãnh đạo Doanh nghiệp xuất sắc 2010 do Trade Leaders’ Club- Câu lạc bộ gồm 7.000 nhà Lãnh đạo Doanh nghiệp hàng đầu thế giới trao tặng tại Madrid, Tây ban Nha, tháng 05/2010 – tác giả chính của Lý thuyết Kinh tế Hình ảnh và Mô hình Kinh tế Hình ảnh.
1. Sự ra đời của Kinh tế Hình ảnh
Giới hạn của cạnh tranh công nghệ và quản trị:
Hình thái Kinh tế công nghiệp trên thế giới cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI là cuộc tranh đua quyết liệt về công nghệ và quản trị hiện đại, tri thức hóa mọi ngành nghề và lĩnh vực kinh doanh (xu hướng này được gọi là Kinh tế tri thức nhưng trên thực tế khái niệm này không rõ ràng). Là cuộc đua mà lợi thế thuộc về những quốc gia và doanh nghiệp có tiềm lực công nghệ và tài chính hùng mạnh, việc đầu tư cho công nghệ và quản trị cũng bộc lộ những giới hạn về cạnh tranh: mất nhiều thời gian tích tụ, nghiên cứu và phát triển, dễ bị bắt chước và có kết quả cuối cùng giống nhau.
Để tránh cuộc rượt đuổi căng thẳng về công nghệ và quản trị mà vẫn có thể đạt hiệu quả cao trong cạnh tranh, những bộ não thông minh nhất tại các nền kinh tế phát triển đã thực hiện một cách tiếp cận mới với thị trường và người tiêu dùng, đó là đầu tư cho nghệ thuật tạo hình ảnh. Nghệ thuật tạo hình ảnh ấn tượng hấp dẫn cho sản phẩm và cho quảng bá sản phẩm đã thay đổi quan niệm truyền thống về cạnh tranh, các doanh nghiệp từ tình thế phải chen chân trong cuộc đua công nghệ và quản trị đã tìm được lối thoát mới: đó là biến thị trường thành khu vườn trăm hoa hoa đua nở, nơi tất cả cùng tìm được phần thắng.
Xu hướng tiêu dùng gắn với nhu cầu khẳng định cá nhân
Công nghệ hiện đại đã góp phần tạo ra khối lượng hàng hóa khổng lồ lưu chuyển khắp thế giới, làm thay đổi sâu sắc lối sống của con người ở mọi quốc gia, dân tộc. Ngợp trong những tiện nghi công nghệ, người tiêu dùng đối diện với nguy cơ bị xói mòn những tính cách riêng, những bản sắc cá nhân sâu thẳm. Nhưng con người dù trong bất cứ thời điểm và hoàn cảnh nào cũng vẫn là một thực thể tự nhiên, đồng thời bị quy chiếu bởi các hệ giá trị thuộc các giai tầng xã hội, các định chế văn hóa và tín ngưỡng khác nhau. Xã hội càng hiện đại, cuộc sống càng dư thừa tiện nghi, con người càng có nhu cầu được khẳng định mình, như là không một ai khác. Văn minh vật chất không thể giúp con người tìm được chính mình, công nghệ càng hiện đại càng làm cho con người bị trộn lẫn vào nhau. Nghệ thuật tạo sự khác biệt độc đáo thông qua hình ảnh ấn tượng hấp dẫn, chính là cứu cánh để con người, trong vai trò là người tiêu dùng hiện đại, khẳng định bản ngã của mình.
Sự giới hạn của cạnh tranh công nghệ và quản trị, cùng xu hướng tự bảo vệ bản sắc cá nhân của người tiêu dùng hiện đại đã thúc đẩy sự ra đời của Kinh tế Hình ảnh. Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, Kinh tế Hình ảnh góp phần quan trọng tạo ra bộ mặt thế giới mới và dần trở thành hình thái kinh tế mới của thế giới.
2. Mô hình Kinh tế Hình ảnh
Kinh tế Hình ảnh phát triển trên cơ sở các ngành công nghiệp và dịch vụ, với các yêu cầu và đặc điểm như sau.
Thứ nhất, kinh tế Hình ảnh chỉ cần điều kiện công nghệ đạt chuẩn của thị trường mục tiêu. Các quốc gia và doanh nghiệp đầu tư cho Kinh tế Hình ảnh sẽ tránh được cuộc đua tranh công nghệ với các quốc gia và các tập đoàn công nghiệp hùng mạnh, có tiềm lực nghiên cứu chuyên sâu phát triển các công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ chế tạo.
Thứ hai, kinh tế Hình ảnh có thể tạo ra hiệu quả rất cao và nhanh chóng, không yêu cầu những xuất đầu tư quá lớn, cho phép các quốc gia và doanh nghiệp triển khai đầu tư trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của mỗi quốc gia, mỗi vùng miền, địa phương và của các ngành công nghiệp, dịch vụ hiện có.
Thứ ba, kinh tế Hình ảnh thay đổi nhận thức (vốn không rõ ràng) và thay đổi cách đầu tư truyền thống (ít hiệu quả trong môi trường kinh doanh Hội nhập) về xây dựng Thương hiệu. Kinh tế Hình ảnh phân định rõ vai trò và tính chất khác nhau giữa Hình ảnh và Thương hiệu. Hình ảnh giữ vai trò quan trọng định vị Thương hiệu và tạo ra giá trị cho Thương hiệu, góp phần quyết định tạo lập tầm ảnh hưởng của Thương hiệu Quốc gia và Thương hiệu Doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường hiện đại.
Thứ tư, kinh tế Hình ảnh bỏ qua khái niệm Chuỗi giá trị toàn cầu, hình thành khái niệm: Mô hình giá trị toàn cầu. Khái niệm này phản ánh một xu hướng giá trị hoàn toàn mới trong thời đại hội nhập, giúp các quốc gia lựa chọn với hiệu quả tối ưu nhất tái cơ cấu nền kinh tế và tái cơ cấu doanh nghiệp theo mô hình Kinh tế Hình ảnh. “Mô hình giá trị toàn cầu” là sản phẩm hoàn hảo nhất của Kinh tế Hình ảnh.
Mô hình Kinh tế Hình ảnh là hình thái kinh tế hậu công nghiệp bao gồm 2 yếu tố cấu thành: Yếu tố nền tảng là Kinh tế công nghiệp với đặc trưng công nghệ đạt chuẩn và quản trị hiện đại. Yếu tố phát triển là nghệ thuật tạo hình ảnh ấn tượng hấp dẫn cho sản phẩm và cho quảng bá sản phẩm.
3- Vai trò của Kinh tế Hình ảnh trong nền kinh tế Hội nhập:
+ Sự lựa chọn tối ưu về giá trị: Kinh tế Hình ảnh cho phép khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh hiện có của mỗi quốc gia, vùng miền, địa phương, doanh nghiệp. Với những xuất đầu tư không nhiều vẫn có thể tạo ra giá trị kinh tế rất cao và thời gian cho hiệu quả nhanh. Khả năng chuyển hướng đầu tư dễ dàng. Có thể triển khai thị trường nhanh trên phạm vi toàn cầu. Tận dụng được tính ưu việt của công nghệ thông tin và truyền thông hiện đại. Khả năng cá nhân hóa hình ảnh sản phẩm tạo ra lợi ích tối đa cho người tiêu dùng, tránh được cuộc chiến khốc liệt về giá do tính đa dạng, sự độc đáo và luôn đổi mới của hàng hóa và dịch vụ.
+ Luôn nâng cao khả năng cạnh tranh: Cuộc đua công nghệ dẫn đến một thực tế là tất cả chui vào một rọ và kẻ thua cuộc là kẻ yếu về tiềm lực đầu tư. Kinh tế Hình ảnh là cuộc đua trăm hoa đua nở. Cuộc chơi công nghệ là đặc sản dành cho các quốc gia giàu mạnh và các tập đoàn công nghệ hàng đầu. Kinh tế Hình ảnh là sân chơi bình đẳng cho tất cả mọi quốc gia, doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ, có tiềm lực tài chính dồi dào hay nguồn lực có hạn, đã phát triển hay đang phát triển. Kinh tế Hình ảnh là cuộc chơi của thế giới phẳng, của đại dương xanh; cuộc chơi sắp xếp lại trật tự thế giới về cạnh tranh; cuộc chơi không có điểm xuất phát cố định và đích đến là sự thỏa mãn tối đa nhu cầu tiềm ẩn của người tiêu dùng (trong xã hội hiện đại dư thừa hàng hóa thì nhu cầu tinh thần cao hơn và có giá trị hơn nhu cầu vật chất rất nhiều).
Kinh tế Hình ảnh là cuộc đua mà kẻ mạnh không phải lúc nào cũng có thể đi trước hoặc đứng trên kẻ yếu, tạo ra khả năng các nền kinh tế và các doanh nghiệp đi sau có thể vượt lên đi tắt đón đầu trong một số lĩnh vực, và giành thắng lợi. Cuộc đua thể hiện xu thế cạnh tranh hiện đại và nhân bản nhất: hướng về con người với tất cả sự trân trọng các hệ giá trị riêng và ước vọng cá nhân. Kinh tế Hình ảnh là cuộc đua tất cả cùng thắng.
+ Phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững: Kinh tế Hình ảnh là cuộc chơi giải phóng được tất cả tiềm lực của mọi quốc gia, dân tộc, mọi nền kinh tế, Cuộc chơi mà các quốc gia nhỏ cũng có tiếng nói và giữ gìn, phát huy được các giá trị tinh hoa của của dân tộc mình..Cuộc chơi Kinh tế Hình ảnh giúp tạo ra nhiều việc làm cho bất cứ cộng đồng dân cư nào, giúp khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống.
Kinh tế Hình ảnh góp phần quan trọng giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, giữ vững độc lập dân tộc về kinh tế trong một thế giới đa phương, đa cực và đường biên giới quốc gia không chỉ phụ thuộc vào nét vẽ trên bản đồ mà còn hiện diện bằng sự chiếm chỗ của hình ảnh hàng hóa và dịch vụ của quốc gia đó trong tâm trí và trái tim của người tiêu dùng trên khắp thế giới. Kinh tế Hình ảnh là cuộc chơi định nghĩa thế nào là hạnh phúc của con người với việc tham dự một cách chủ động vào quá trình tạo ra và thụ hưởng lợi ích từ hàng hóa và dịch vụ theo Kinh tế Hình ảnh, khẳng định sự trường tồn vô tận sức sáng tạo của con người đồng thuận với quy luật của cái đẹp và quy luật phát triển hài hòa của tự nhiên và xã hội.
+ Đảm bảo tính khả thi cao: Kinh tế Hình ảnh có thể bắt đầu ngay từ một xuất phát điểm công nghiệp hóa thấp, vốn đầu tư ít, nguồn lực mọi mặt còn hạn chế. Kinh tế Hình ảnh được xây dựng dựa trên thế mạnh, năng lực lõi và lợi thế so sánh theo điều kiện thực tiễn của mỗi quốc gia, vùng miền, địa phương, và doanh nghiệp.
4- Kinh tế Hình ảnh với thực tiễn Nền Kinh tế Việt Nam và Doanh nghiệp Việt Nam
+ Nền kinh tế Việt Nam bước vào thế kỷ 21 với những lợi thế nổi bật về vị trí địa lý thuận lợi, thiên nhiên nhiệt đới đa dạng với địa hình phong phú và bờ biển dài có nhiều vịnh và bãi biển tuyệt đẹp, và truyền thống văn hóa lâu đời có bản sắc riêng. Với tiềm năng và thế mạnh có thể áp đặt được tầm ảnh hưởng lên thị trường thế giới của các ngành nông nghiệp, thủy sản, dệt may, da giầy, sản phẩm trang trí nội ngoại thất, du lịch văn hóa và du lịch nghỉ dưỡng.
Các ngành kinh tế này hoàn toàn có thể hoàn thiện và phát triển thành Kinh tế Hình ảnh, thu lại lợi ích to lớn và lâu dài. Đầu tư cho Kinh tế Hình ảnh là sự lựa chọn tối ưu để xây dựng một nền kinh tế hiệu quả và phát triển bền vững, trên cơ sở kế thừa những thành tựu kinh tế mà Việt Nam đã đạt được sau hơn 20 năm Đổi Mới.
Đó cũng chính là xây dựng một nền kinh tế nhân bản, văn minh, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa, độc lập tự chủ trong một thế giới mà sự quyến rũ của hình ảnh là phương tiện biểu đạt mạnh mẽ nhất vẽ nên đường biên giới mềm và xác lập quyền lực mềm của mỗi quốc gia.
+ Cộng đồng Doanh nghiệp Việt Nam phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, xuất phát điểm thấp, tiềm lực hạn chế về mọi mặt, khả năng hợp tác và liên kết yếu, sẽ gặp những khó khăn và bất lợi rất lớn nếu lựa chọn tham gia Chuỗi giá trị toàn cầu bằng việc đầu tư phát triển công nghệ chế tạo và công nghệp phụ trợ. Thực trạng không mấy sáng sủa của một số ngành công nghiệp, trong đó có công nghiệp điện tử và gia công cơ khí đã chứng minh điều này.
Đầu tư cho Kinh tế Hình ảnh là sự lựa chọn tối ưu nhất để sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, tiềm năng và lợi thế hiện có của nền kinh tế Việt Nam, tạo ra sức mạnh nội sinh mới nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa và dịch vụ ngay trên sân nhà và trên thị trường thế giới.
Đầu tư cho Kinh tế Hình ảnh là sự lựa chọn của danh dự, lòng tự tôn dân tộc, quyết vượt thoát cảnh gia công, lắp ráp, làm dịch vụ thuê, bán hàng thuê cho doanh nghiệp nước ngoài, giúp các doanh nghiệp nước ngoài kiếm lợi nhuận lớn ngay trên lưng dân mình, trên đất nước thân yêu của mình.
Đầu tư cho Kinh tế Hình ảnh là sự lựa chọn của tình yêu con người, yêu quê hương xứ sở, của lòng biết ơn Đất Mẹ: Quyết không thể chịu mãi cảnh bị các doanh nghiệp nước ngoài ép giá, phải bán rẻ hạt gạọ, hạt cà phê, con tôm, con cá…, thành quả một nắng hai sương khó nhọc của người nông dân và của những người tâm huyết chăm lo cho nghề nông. Quyết không để những sản vật là kết tinh của mồ hôi, công sức và trí tuệ của 70% người dân Việt Nam lặng lẽ biến mất trên thị trường thế giới, không có tên, không có hình hài.
Với mỗi Doanh nghiệp và Doanh Nhân Việt, đầu tư cho Kinh tế Hình ảnh không chỉ đơn thuần là sự đầu tư khôn ngoan để tìm kiếm lợi nhuận cao hơn, thu lại lợi ích lớn hơn, bền vững hơn, mà còn là mệnh lệnh của trái tim và khối óc, quyết vì một nước Việt Nam không thể nhỏ, vì một cộng đồng Doanh nghiệp Dân tộc Việt Nam hướng tới tầm nhìn sánh vai với các doanh nghiệp nổi tiếng của các Cường quốc năm châu trong cuộc chơi Hội nhập toàn thế giới.
5- Một số kiến nghị với các nhà làm chính sách kinh tế và cộng đồng Doanh nghiệp
Lý thuyết Kinh tế Hình ảnh và Mô hình Kinh tế Hình ảnh là tổng kết khoa học quá trình nghiên cứu thực tiễn công phu về các xu hướng mới của thị trường thế giới và các mô hình kinh doanh hiện đại trên thị trường toàn cầu.
Lý thuyết Kinh tế Hình ảnh và Mô hình Kinh tế Hình ảnh sẽ soi rọi vào các ngành, các lĩnh vực là tiềm năng và thế mạnh của nền Kinh tế Việt Nam sau hơn 20 năm đổi mới: nông nghiệp, thủy sản, dệt may, da giày, sản phẩm trang trí nội ngoại thất, bất động sản, du lịch…và chỉ ra con đường phát triển mới: nhanh, bền vững, hiệu quả cao cho các ngành, lĩnh vực này ; giúp trang bị cho các doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam vũ khí cạnh tranh sắc bén để giành thắng lợi trong điều kiện Việt Nam đã và đang Hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế Thế giới đầy bất ổn.
+ Tập trung nghiên cứu và thảo luận để hiểu rõ nội hàm của Kinh tế Hình ảnh và Mô hình Kinh tế Hình ảnh, nhận ra những lợi ích to lớn của việc xây dựng Kinh tế Hình ảnh đối với sự phát triển của Nền kinh tế Việt Nam và các Doanh nghiệp Việt Nam, ngay trong trước mắt cũng như lâu dài. Tiến tới xây dựng và thực hiện Chiến lược phát triển Kinh tế Kình ảnh cho quốc gia, cho mỗi khu vực, mỗi địa phương, và cho từng ngành hàng, từng doanh nghiệp.
+ Cần hết sức thận trọng với đề xuất phát triển công nghiệp hỗ trợ (còn gọi là công nghiệp phụ trợ) vì công nghiệp hỗ trợ là một dạng kinh tế không hình ảnh, đầu tư lớn nhưng giá trị gia tăng rất thấp, rất khó chuyển hướng đầu tư khi có biến động, luôn phụ thuộc và bấp bênh về thị trường. Nếu cần phát triển công nghiệp hỗ trợ thì chỉ lựa chọn phát triển những mặt hàng phục vụ cho Chiến lược Kinh tế Hình ảnh của quốc gia, và chỉ phát triển một mặt hàng cụ thể nào sau khi đã nghiên cứu kỹ chuỗi cung ứng toàn cầu về loại mặt hàng ấy.
+ Không thu hút đầu tư nước ngoài bằng mọi giá, cần xây dựng chiến lược quốc gia thu hút đầu tư nước ngoài với quy hoạch tổng thể hợp lý và sự lựa chọn cẩn trọng các ngành và lĩnh vực thu hút đầu tư. Xây dựng hàng rào kỹ thuật và luật lệ nghiêm ngặt trong thu hút đầu tư nước ngoài để bảo vệ môi trường sinh thái và môi trường xã hội. Đầu tư nước ngoài như hiện trạng tại Việt Nam trong 20 năm qua là một dạng kinh tế không hình ảnh cho Việt Nam, chỉ là Kinh tế Hình ảnh (nếu có) cho nhà đầu tư nước ngoài và cho quốc gia của nhà đầu tư nước ngoài.
+ Phát triển mạnh các ngành khoa học, công nghệ trực tiếp phục vụ cho Chiến lược phát triển Kinh tế Hình ảnh, đặc biệt là khoa học, công nghệ hướng tới phát triển xanh và bền vững, các ngành công nghệ sinh học, công nghệ nuôi trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch, công nghệ chế biến sâu các sản phẩm của ngành nông lâm nghiệp, thủy sản, công nghệ bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu và ứng phó hiệu quả với tình trạng nước biển dâng cao.
+ Tập trung đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho Chiến lược phát triển Kinh tế Hình ảnh, đặc biệt chú trọng nguồn nhân lực chất lượng cao về Quản trị doanh nghiệp và nguồn nhân lực chất lượng cao thực hiện các dịch vụ sáng tạo và quảng bá hình ảnh (Truyền thông, Mỹ thuật, Kiến trúc, Điện ảnh, Nhiếp ảnh, Văn học, Âm nhạc, Sân khấu…).
+ Xây dựng một số tập đoàn kinh tế dẫn đầu hoạt động theo Mô hình Kinh tế Hình ảnh (theo hình thức đa sở hữu, có sự yểm trợ của Nhà nước). Nhiệm vụ của các tập đoàn kinh tế này là xây dựng hình ảnh toàn cầu và hệ thống tiếp thị, phân phối toàn cầu cho một số sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như gạo, cà phê, thủy sản (hoặc dệt may, da giầy…) và du lịch. Xây dựng Thương hiệu Quốc gia trên cơ sở xây dựng hình ảnh cho những ngành sản xuất này. Ý tưởng xây dựng “Thủ phủ cà phê toàn cầu” của Công ty Cổ phần Trung Nguyên (một ý tưởng theo Mô hình giá trị toàn cầu – sản phẩm hoàn hảo nhất của Kinh tế Hình ảnh) rất cần nhận được sự ủng hộ tối đa của Nhà nước, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp.
Theo Nguyễn Liên Phương