Quảng cáo – Xây dựng thương hiệu ngay từ bây giờ

Nếu doanh nghiệp của bạn đã hoạt động được một thời gian khá lâu, đã tạo dựng được mối quan hệ tốt đẹp với các bạn hàng và nhà cung cấp khác, thì đã đến lúc bạn nên nghĩ đến chiến lược quảng cáo/xây dựng thương hiệu phối hợp.
Hai công cụ này sẽ giúp bạn quảng bá sản phẩm ra thị trường với chi phí rẻ hơn rất nhiều so với những cách quảng cáo trước đây, thậm chí có thể sẽ không tốn đồng nào.

Quảng cáo phối hợp công ty (Co-Op Advertising) 

Có lẽ bạn đã biết sơ qua về khái niệm co-op advertising trong bài “6 kiểu quảng cáo phổ biến”. Khi một cửa hàng kinh doanh thời trang quảng cáo cho nhà thiết kế và sản xuất quần áo chuyên cung cấp cho cửa hàng mình, nhà sản xuất kia sẽ phải thanh toán toàn bộ chi phí này.
Trong một vài trường hợp, ngoài việc chịu trách nhiệm thực hiện quảng cáo và trả phí, nhà sản xuất còn phải thêm vào nội dung mẩu quảng cáo đó các thông tin về nhà phân phối của họ như tên cửa hàng, số điện thoại, địa chỉ …

Quảng cáo phối hợp thương hiệu (co-branding advertising)

Trường hợp sản phẩm chất tạo vị ngọt Nutrasweet® kết hợp với thương hiệu nước uống giải khát là ví dụ điển hình cho kiểu quảng cáo này. Đối với những doanh nghiệp quy mô nhỏ, quảng cáo phối hợp thương hiệu có thể đơn giản là việc một cửa hàng bán băng đĩa liên kết với tiệm bánh pizza địa phương để phân phối đồng thời 2 loại hàng hóa của họ.
Kiểu liên minh thương hiệu như vậy thường mang đến cho người tiêu dùng những quyền lợi bổ sung nào đó. Ví dụ, người mua 1 chiếc bánh pizza khi đến mua phim tại cửa hàng kia sẽ được hưởng ưu đãi, có thể là mua 1 tặng 1 hay một vài ưu tiên khác. Ngược lại, khách của cửa hàng bán băng đĩa sẽ được giảm giá 20% trên tổng giá trị hóa đơn khi mua bánh pizza.
Bạn đã thấy những ưu điểm của từng loại hình quảng cáo. Trên thực tế, đôi khi chúng cũng được sử dụng kết hợp, đan xen vào nhau để tạo hiệu quả cao hơn cho chương trình quảng bá sản phẩm. Phần tiếp theo sẽ giúp bạn có một cái nhìn đầy đủ hơn về cách làm này.

Am hiểu và tuân theo các nguyên tắc

Có 2 nguyên tắc bạn cần ghi nhớ. Thứ nhất là, hầu hết các đối tác tiềm năng đều sẽ không tự nói cho bạn biết rằng họ có ngân sách riêng cho loại hình quảng cáo phối hợp. Bạn phải “tự thân vận động”, chủ động tìm hiểu và đưa ra đề nghị hợp tác chứ không chỉ có ngồi chờ họ ngỏ lời.
Thứ hai là, để có được sự hợp tác của đối phương, phải mất một thời gian nhất định. Ngoài ra, trong một số trường hợp, việc thanh toán không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Hãy thoả thuận trước với đối tác về các khoản thanh toán cũng như thời hạn thanh toán bằng văn bản.

Thiết lập các mối liên hệ

Bước đầu tiên để tìm kiếm đối tác cho chiến dịch quảng cáo phối hợp là liên hệ với bất kỳ nhà cung cấp nào hiện đang có giao dịch làm ăn với công ty bạn, cũng như tìm hiểu về các thủ tục chính sách liên quan của họ.
Những yêu cầu của các công ty này thường rất chặt chẽ. Chẳng hạn, biểu tượng phải đúng chuẩn về kích thước, màu sắc … Do đó trước khi thực hiện quảng cáo, hãy chắc chắn là bạn đã có sự đồng ý của đối tác, tốt nhất là bằng văn bản.
Đừng quên các cơ quan truyền thông ở địa phương. Radio, TV và những phương tiện truyền thông khác thường chấp thuận “bắt tay”, nếu họ tin tưởng vào công ty bạn và vào những chiến dịch quảng cáo bạn đã thực hiện.

Nắm vững và theo sát các nguyên tắc

Đối tác có nhiều khả năng sẽ không chi ra dù chỉ 1 đồng, nếu bạn lơ là và đi chệch khỏi những thỏa thuận trước đó. Bạn phải tuân thủ chặt chẽ từng điều khoản để đối tác không có cơ hội bắt bẻ hay lợi dụng sai sót của bạn để kéo dài thời hạn thanh toán, hay thậm chí không thanh toán.
Việc này không có nghĩa là họ thật sự muốn “phủi tay”, mà đơn giản vì họ muốn các mẩu quảng cáo truyền tải hình ảnh công ty của họ ra công chúng phải thật hoàn chỉnh.
Hãy lưu lại mọi yêu cầu của cả 2 bên vào văn bản và gửi bản sao của tất cả các quảng cáo và giấy tờ liên quan đến cho đối tác để thanh toán chi phí. Điều này cũng giúp cho việc thanh toán được thực hiện mau chóng hơn. 
Đừng quên mục đích ban đầu 
Đúng là bạn đang quảng cáo cho một thương hiệu nào đó, nhưng xét cho cùng thì mục đích lớn có tính nguyên tắc là phải làm sao để khách hàng biết và tìm đến công ty bạn.
Có thể khoảng không gian dành cho quảng cáo của bạn sẽ bị hạn chế, nhưng bạn hãy đảm bảo rằng những thông tin cần thiết về công ty vẫn được đăng tải đầy đủ. Luôn nhớ rằng bạn thực hiện quảng cáo này là để quảng bá cho công ty mình chứ không phải cho đối tác.

Kết quả phụ thuộc vào nỗ lực của bạn

Nếu quảng cáo thành công, đối tác có thể sẽ trả nhiều hơn số tiền họ phải trả. Hơn nữa, quảng cáo hiệu quả, doanh số của sản phẩm/dịch vụ của họ sẽ gia tăng và bạn cũng sẽ được đền đáp xứng đáng.
Trong một số trường hợp, bạn có thể có nhiều hơn 1 đối tác, vì thế hãy tranh thủ mọi cơ hội. Thêm 1 đối tác đồng nghĩa với việc chi phí quảng cáo sẽ giảm đi đáng kể.

Đừng ngại khó

Nếu cảm thấy đối tác không sẵn sàng cho chiến lược quảng cáo phối hợp, có lẽ bạn nên thuyết phục họ bằng cách lập ra một kế hoạch cụ thể rồi đề nghị họ xem xét. Thật đáng tiếc nếu họ vẫn từ chối, song bạn vẫn có nhiều cơ hội nhận được một cái gật đầu.

Liên minh thương hiệu: quy tắc cần ghi nhớ

Quy tắc đầu tiên và quan trọng nhất: bạn đang dùng danh tiếng của công ty mình để kết hợp với danh tiếng của một công ty/tổ chức khác. Do đó, hãy bảo đảm rằng họ không bị tai tiếng gì trước đó. Nếu đối tác từng là tâm điểm của một vụ bê bối ồn ào hoặc có vấn đề nào đó với công chúng, thì những điều đó sẽ trở thành rắc rối của chính công ty bạn.
Khách hàng của bạn cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi bất cứ sự kết hợp nào mà bạn thực hiện. Chẳng hạn, nếu khách hàng đã từng dùng qua sản phẩm hay dịch vụ của đối tác, thì chính chất lượng của sản phẩm/dịch vụ đó sẽ quyết định đến sự thành công hay thất bại của kế hoạch liên minh thương hiệu mà bạn đang tiến hành.

Hai bên cùng có lợi

Trước khi quyết định hợp tác, bạn phải chắc chắn rằng sự liên minh đó có lợi cho cả 2 bên. Sản phẩm hoặc dịch vụ được quảng bá phải có nhiều khả năng mang lại lợi ích tương xứng cho công ty bạn cũng như phía đối tác.
Có vài câu hỏi gợi ý giúp bạn xem xét: kế hoạch đó dài hạn hay ngắn hạn? Quy mô kinh doanh và nội lực của mỗi bên? Nếu dài hạn, công ty của bạn và công ty đối tác liệu có đủ khả năng đối mặt với những khó khăn về tài chính hoặc những giai đoạn kinh doanh ảm đạm để vẫn có thể tiếp tục thực hiện kế hoạch quảng cáo đã vạch ra?

Thỏa thuận bằng văn bản

Đối với cửa hàng cho thuê băng đĩa và cửa hiệu bán bánh pizza trong cùng thị trấn, có thể một cái bắt tay cũng có ý nghĩa như lời cam kết. Trong quan hệ với đối tác, đôi khi lời nói của chúng ta có thể hiểu như một hợp đồng miệng.
Tuy nhiên, cần lưu ý đến các trường hợp uỷ quyền và đại diện. Tốt nhất nên thoả thuận bằng văn bản và ghi rõ các bên tham gia hợp đồng để tránh những nhầm lẫn đáng tiếc, đồng thời bạn không phải chịu thiệt nếu phát sinh tranh chấp sau này.

Cộng tác

Hãy biết cách hòa hợp với đại diện của công ty đối tác. Bạn nên tạo được mối giao hảo thân thiện với người trực tiếp làm việc cùng với mình. Cả hai cần có tiếng nói chung cả trong lĩnh vực quảng cáo cũng như những vấn đề về tài chính khác. Mối quan hệ tốt đẹp giữa các cá nhân cũng sẽ góp phần vào thành công của sự hợp tác giữa 2 công ty. 

Đặt ra các mục tiêu

Bạn mong đợi gì từ sự hợp tác này? Cần đặt ra các mục tiêu về doanh số phù hợp cho cả hai bên, đồng thời phải có các tiêu chí để đánh giá sự thành công hay thất bại của công việc. Bên cạnh đó, việc cung cấp cho đội ngũ bán hàng những kỹ năng cần thiết khác ngoài nghiệp vụ bán hàng để họ hiểu rõ hơn về nhiệm vụ hiện tại cũng rất quan trọng.

Lời kết

Hai hình thức quảng bá trên đây đều có những ưu nhược điểm nhất định: quảng cáo phối hợp có thể áp dụng cho các cửa hàng hoặc những công ty nhỏ, trong khi hình thức liên minh thương hiệu thích hợp với các công ty lớn.

Quảng cáo được nhiều hơn với chi phí thấp hơn – đó là ưu điểm nổi bật nhất của hai hình thức quảng bá này. Một trong những mục tiêu mà chúng ta hướng đến là làm thế nào để chi phí thấp nhất nhưng lợi nhuận cao nhất. Hãy tận dụng các cơ hội hợp tác để áp dụng vào chiến lược quảng bá của công ty nhằm góp phần xây dựng một doanh nghiệp thành công.