Diễn tập trước buổi phỏng vấn

Nhận được lời mời phỏng vấn từ nhà tuyển dụng, bạn chuẩn bị rất nhiều công đoạn: hoàn chỉnh hồ sơ, tra cứu thông tin về công ty, hoặc tham khảo rất nhiều lời khuyên cũng như bí quyết để có một buổi phỏng vấn thành công. 

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, dù đã rất nỗ lực, nhưng khi “mặt đối mặt” với nhà tuyển dụng, bạn vẫn rụt rè như một học sinh sắp bị kiểm tra bài cũ. Vậy đâu là nguyên nhân? Lên kế hoạch chưa tốt và thiếu thời gian tập luyện chính là lý do dẫn đến tình trạng này.

Vậy hãy bắt đầu ngay với việc tập luyện cho buổi phỏng vấn sắp đến!

Hoàn thành “bài tập” tại nhà
Hãy tìm hiểu và ghi nhớ tất cả những gì có thể về công ty – nơi bạn có nguyện vọng đầu quân vào, và chia sẻ với người đang đóng vai nhà tuyển dụng. Thắc mắc từ một bên thứ ba khách quan sẽ tạo cơ hội để bạn luyện tập phản ứng trước những tình huống bất ngờ, vì những câu hỏi tưởng chừng “đơn giản như đang giỡn” lại có thể khiến bạn bối rối trong quá trình phỏng vấn thực sự.

Khởi động máy tính / tivi
Quan sát các buổi phỏng vấn, trò chuyện của người nổi tiếng trên truyền hình, internet. Chắc hẳn bạn sẽ dễ dàng nhận thấy những cử chỉ hình thể và những điểm tốt, xấu trong quá trình trao đổi. Ghi chú lại và rút ra bài học cho bản thân mình nhé!

Ghi hình
Hãy ghi hình buổi phỏng vấn diễn tập. Khi xem lại hình ảnh của chính mình, bạn sẽ nhận ra những ngôn ngữ cơ thể theo thói quen, tốt hoặc không tốt để có thể phát huy hay cải thiện chúng. Chú ý đến ánh mắt, dáng ngồi và vị trí đặt tay, hãy luyện tập để có được sự tự tin, ánh mắt nhiệt tình và phong thái đĩnh đạc. Sau khi chú ý về mặt hình ảnh, hãy nhắm mắt lại, lắng nghe thật kỹ giọng nói, nội dung câu trả lời của bạn và tự hỏi xem nếu là Nhà Tuyển Dụng, bạn sẽ chọn một nhân viên như vậy chứ?

Đừng nói những điều hiển nhiên
Hãy trình bày bản thân theo cách ấn tượng nhất và hấp dẫn người nghe. Một người phụ nữ mà tôi biết, khi đối diện với câu hỏi “Hãy kể cho tôi nghe đôi điều về bạn” (câu hỏi phỏng vấn phổ biến nhất) đã trả lời: “Tôi nghĩ tôi nên nói cho bạn biết một điều rằng, tôi là một người lập dị trong khuôn khổ”. Sau đó cô ấy giải thích rõ hơn về điều này và kết quả là đạt được công việc mơ ước.

Hãy suy nghĩ tượng hình hơn
Một trực quan nhỏ về bạn sẽ gây ấn tượng và tạo khả năng ghi nhớ cao hơn đến nhà tuyển dụng. Hãy suy nghĩ về một hình ảnh thực tế đại diện cho bạn hoặc những gì bạn có thể làm được. Nó có thể là một biểu tượng, hoặc đơn thuần chỉ là hình ảnh về một sự kiện do chính bạn tổ chức hay năng khiếu đặc biệt nào đó của bạn.

Chuẩn bị các danh ngôn, trích dẫn
Khá nhiều người sử dụng biện pháp này khi đối mặt với các câu hỏi về quan điểm, vì vậy hãy sẵn sàng một số câu danh ngôn, trích dẫn yêu thích và tập phát biểu một cách thoải mái nhất. Đây sẽ chính là “cứu cánh” cho bạn đối với các câu hỏi cần thể hiện chính kiến, vừa giúp bạn có được câu trả lời rành mạch, vừa tạo được ấn tượng tốt với Nhà tuyển dụng.

Nghiêm khắc với bản thân
Đầu tiên hãy nghiên cứu những câu hỏi khó của nhà tuyển dụng trên các tài liệu tham khảo hoặc tại đây: những câu hỏi phỏng vấn “xương” nhất, tập trung suy nghĩ và thực hành trả lời một cách ngắn gọn, thông minh nhất. “Diễn viên” đóng vai nhà tuyển dụng của bạn cũng sẽ là một nguồn nhận xét ban đầu đáng tin cậy giúp bạn nhận định được mức độ hài lòng đối với câu trả lời. Ngoài ra hãy thành thật và nghiêm khắc với những lỗ hổng trong hồ sơ, trong kỹ năng của bạn để chuẩn bị câu trả lời phù hợp và bù đắp bởi những thế mạnh khác.

Giữ bình tĩnh
Cuối cùng, hãy cố gắng tạo cho mình một trạng thái thoải mái trước khi bước vào buổi phỏng vấn. Một số nghiên cứu cho rằng khi bạn đến địa điểm phỏng vấn, trong thời gian chờ đợi được gọi vào, hãy chơi một trò chơi trí tuệ. Điều này sẽ giúp bạn làm dịu hệ thần kinh và giảm bớt những dòng suy nghĩ ngổn ngang về thử thách phía trước.