Phỏng vấn tuyển dụng bằng tiếng Anh đối với người chưa có hoặc thiếu kinh nghiệm như sinh viên và người mới đi làm là chướng ngại lớn cần sự chuẩn bị kỹ càng về tâm lý, kỹ năng, kiến thức, đặc biệt là vốn tiếng Anh giao tiếp. Tuy nhiên, nó sẽ “dễ thở” hơn rất nhiều nếu bạn áp dụng những lời khuyên bổ ích sau đây nhé!
Ảnh minh họa
1. Xác định trình độ tiếng Anh
Trước tiên xác định trình độ tiếng Anh của bạn ở cấp độ nào để tìm cách nâng cao trình độ trước khi tham dự phỏng vấn. Hãy tham gia các lớp kiểm tra đầu vào tại các trung tâm đào tạo tiếng Anh chất lượng.
2. Tìm hiểu trước các mẫu câu hay được hỏi
Bạn có thể tìm chúng trên mạng rất dễ dàng, nghĩ ra cách trả lời rồi học thuộc. Tuy nhiên bạn cũng cần chú ý đến cách dùng từ. Tốt nhất hãy nhờ người có kinh nghiệm viết câu trả lời cho bạn.
3. Tìm hiểu thông tin công ty, yêu cầu của nhà tuyển dụng
Tìm hiểu thông tin công ty, yêu cầu của nhà tuyển dụng, nhớ những điểm nổi bật bạn có thể ghi nhớ và dịch chúng sang tiếng Anh trước. Đó sẽ là những thông tin mà bạn có thể dùng để trao đổi với nhà tuyển dụng đấy.
4. Đúng giờ giấc
Xuất hiện đúng giờ với trang phục lịch sự, gọn gàng, sạch sẽ để tạo ấn tượng tốt ngay từ cái nhìn ban đầu với nhà tuyển dụng. Nhà tuyển dụng nước ngoài đặc biệt chú trọng đến hai vấn đề này.
5. Phong cách ứng xử
Ứng xử tự nhiên và thành thật sẽ giúp bạn dễ dàng ghi điểm với người tuyển dụng. Cứ bình tĩnh trả lời và nếu bạn không nghe kịp hoặc không nghe rõ câu hỏi hãy hỏi “Could you repeat please?” hay “ I’m sorry, what do you mean?” – còn hơn là bạn hiểu sai và trả lời chệch. Nếu khả năng tiếng Anh của bạn yếu thì trả lời ngắn gọn, rõ ràng lại giúp bạn che đậy sự yếu kém này.
Và để thể hiện tính chuyên nghiệp, bạn hãy trả lời thẳng vào vấn đề được hỏi, không nên vòng vèo làm mất thời gian của nhà tuyển dụng. Ví dụ khi được hỏi về thời gian bạn đi làm thêm, hãy trả lời là 1,5 năm thay vì trả lời kiểu: 1 năm tôi làm phục vụ tại quán A, 6 tháng tôi làm ở nhà hàng B.
6. Cách dùng từ ngữ
Sử dụng từ ngữ hiệu quả kết hợp cùng ngôn ngữ cơ thể nhấn mạnh những ưu điểm của bạn sẽ mang lại lợi ích cho tổ chức đó. Kinh nghiệm làm việc không phải là tiêu chí mà nhà tuyển dụng đòi hỏi ở một sinh viên sắp ra trường. Vì thế, họ cần biết được họ sẽ nhận được những lợi ích tiềm năng gì khi tuyển dụng bạn. Ví dụ sử dụng các từ: hard working; honest; Friendly and fun; Team player … Và nhớ phải lấy dẫn chứng cho những ưu điểm đó nhé.
Đảm bảo rằng bạn có thể trả lời được tất cả những gì bạn viết trong CV và thư giới thiệu.
7. Chuẩn bị sẵn sàng để khởi nghiệp
Vượt qua “ải” phỏng vấn không có nghĩa là bạn đã thở phào và sẵn sàng cho công việc mới. Không tự hoàn thiện vốn tiếng Anh và có được các kỹ năng đơn giản như viết email, giao tiếp… đến các kỹ năng chuyên nghiệp như thuyết trình, lập đề án, viết kế hoạch… thì khả năng trụ lại tại công ty nước ngoài đó sẽ rất mong manh.