Nhân viên không dám đối mặt với sếp chỉ vì không vượt qua được nỗi sợ hãi của bản thân
Ảnh minh họa
Lối suy nghĩ đơn thuần về mối quan hệ giữa ông chủ người làm thuê khiến nhân viên cảm thấy có khoảng cách với sếp.
Khoảng cách giữa sếp và nhân viên luôn khiến cho mối quan hệ đồng nghiệp này dừng lại ở mức khách sáo. Nhiều nhân viên dù có năng lực trong công việc, nhưng khi đối diện với sếp họ vẫn bị áp lực, gặp khó khăn và nặng nề trong một thời gian kéo dài.
Lối suy nghĩ đơn thuần về mối quan hệ “ông/bà chủ -người làm thuê”, vô tình nhiều nhân viên đã tự tạo ra khoảng cách giữa mình và sếp. Nhiều nhân viên tự hạ thấp giá trị của bản thân, luôn cảm thấy “thua kém”, khiếp sợ mỗi khi đối diện với sếp ở mọi vấn đề.
Duy Tùng (27 tuổi-nhân viên thiết kế) làm việc tại một công ty xây dựng ở Hà Nội đã có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, là nhân vật cốt cán của phòng. Theo tâm sự của Duy Tùng, mặc dù nhiều năm làm việc ở môi trường này, thân thiết với tất cả các anh em trong công ty, riêng “sếp” vẫn còn y nguyên cảm giác khó gần như thuở mới vào nghề. Đánh giá về sếp của mình, Duy Tùng đều dùng những lời lẽ đầy thiện cảm: “nói chung sếp khá điềm tĩnh, không bao giờ quát mắng nhân viên, cười nói vui vẻ như bạn bè. Khi làm việc, sếp rất nghiêm túc, làm đúng phận sự của mình” và“sếp đãi ngộ nhân viên cực tốt”.
Lý giải vì sao cậu bạn lại sợ đối diện với sếp, Tùng chỉ nói do tâm lý. Vì lúc đối mặt với sếp, mọi ý tưởng và những điều muốn nói đều bay sạch, đầu óc trống rỗng, chỉ biết ngồi nghe sếp nói. Tự nhiên, Tùng cảm thấy rơi vào trạng thái bị động, không làm chủ được bản thân.
Khi xã hội thoáng hơn, các mối quan hệ theo xu hướng mở. Tuy nhiên, vấn đề nhân viên sợ đối mặt trực diện với sếp đang diễn ra hàng ngày ở nhiều môi trường làm việc khác nhau. Nhiều người cảm thấy khó khăn, không thể tập trung, thậm chí cảm thấy hoang mang, sợ hãi khi đối mặt với sếp. Vì lo lắng, không ít người tận dụng mạng xã hội, yahoo, zalo để nói chuyện về công việc.
Nói khách quan đây là cách để tiết kiệm được thời gian làm việc cho sếp, qua các trò chuyện online, sếp có thể nắm bắt được nhiều đầu mối công việc. Nhưng cái gì cũng có hai mặt, nếu câu chuyện được truyền tải qua mạng không đủ, rõ ràng dễ khiến những hiểu lầm, sếp không hiểu, nhân viên đó sẽ bị đánh giá thấp về năng lực.
Thu Phương – biên tập viên của một công ty truyền thông, hàng ngày công việc của bạn là tìm ý tưởng, lên các format chương trình truyền hình. Sếp bận công việc ngoài nên hạn chế có mặt tại công ty, hầu hết mọi trao đổi đều thông qua email hoặc yahoo. Vốn ngại trò chuyện trực tiếp với sếp, cách làm việc như này khiến Thu Phương phấn khởi như mở cờ trong bụng. Mới đầu, công việc đơn giản diễn ra khá thuận lợi. Mọi ý tưởng có được, Phương đều viết rành rọt gửi mail cho sếp mỗi ngày.
Thật không may cho Phương, vì bận rộn công việc, sếp chẳng thể thường xuyên check mail. Hễ có mặt tại công ty sếp liền là gọi Phương vào văn phòng gặp riêng để trao đổi về ý tưởng. Mỗi lần như thế, Phương như “hồn bay phách lạc”, chỉ cần nghe sếp gọi tên, mặt Phương đã đổi sắc, chân tay run lẩy bẩy không cầm vững tập tài liệu.
Khi mặt đối mặt với sếp, Phương nói không nhả ra chữ. Thậm chí, nói gì với sếp ngay chính bản thân cô cũng không nhớ. Cô trình bày ý tưởng không rõ ràng, không đầu cuối khiến sếp luôn bực mình, khó chịu. Đến lúc sếp xua tay ra ngoài, Phương cúi mặt, lầm lũi đi ra.
Mới ra khỏi cửa, cô chạy thẳng vào nhà vệ sinh khóc nức nở. Sau nhiều lần “diện kiến”sếp không thành, Phương lặng lẽ viết đơn xin nghỉ việc hẳn. Cho đến giờ, Thu Phương vẫn cảm thấy tiếc khi nghỉ việc lương cao chỉ vì không vượt qua nỗi sợ của bản thân mình.
Duy Tùng hay Thu Phương – họ đều gặp được những vị sếp hiền, khá dễ chịu. Vấn đề của họ chưa đủ tự tin để đối diện với sếp. Riêng trường hợp của Thanh Hà (nhân viên kinh doanh bán quảng cáo) thừa tự tin, gặp phải sếp “trái tính”.
Hà cho hay, hễ không có sếp ở văn phòng mọi thứ bình yên, ngược lại thấy bóng sếp sẽ thấy “sóng gió ầm ầm như bão lũ”. Sếp có tật nói nhiều và nói lớn, khi gặp chuyện không vừa ý, sếp “tổng sỉ vả” nhân viên ngay lập tức.
Thanh Hà là nhân viên cưng của sếp, tuy nhiên cô cũng nhận không ít những trận “cuồng thanh”. Mỗi cuộc họp triển khai dự án thường diễn ra ngoài dự kiến vài ba tiếng đồng hồ. Mọi người chỉ có nước ngồi nghe sếp thuyết trình đủ chuyện từ bàn nhậu đến bàn họp, từ đối tác A có tật này đến đối tác B có sở thích lạ, tệ hơn là chuyện moi móc chỉ trích nhân viên kém chuyên nghiệp, thiếu trách nhiệm…
Sếp nói như tua băng dài không đứt mạch khiến nhiều lần họp, Thanh Hà phải thủ sẵn bông tai để “phòng chống” âm thanh. Vì thế, khi nghe tin sếp đi công tác, nhân viên trong công ty lại mở tiệc ăn mừng. Hà cho biết thêm, cứ chạm chán với sếp là có chuyện, do đó, hầu hết nhân viên nơi Hà làm việc lảng tránh từ xa khỏi tầm ngắm để hạn chế tối đa chạm chán với sếp.
Ở bất kỳ môi trường làm việc nào cũng có những vị sếp không những khiến bạn phải nể phục vì tài lãnh đạo, cách quản lý nhân viên. Có cả những vị sếp khiến nhân viên phải sợ, lảng tránh giống những trường hợp trong bài báo nêu ra. Suy cho cùng sếp là người trực tiếp quản lý cũng như đánh giá công việc của bạn. Hay nói cách khác, bạn có đôi phần nể sợ sếp vì sếp là người trực tiếp thưởng phạt hay ra mọi quyết định đối với bạn.
Chính áp lực, sự căng thẳng khiến bạn suy diễn ra những nỗi sợ, thiếu tự tin đối mặt. Thực chất, việc đối diện với sếp không phải là vấn đề khó khăn, ngược lại nhờ mối quan hệ thân thiết với sếp, bạn có thể tiến hơn trong sự nghiệp của mình.
Vì thế, mỗi cá nhân phải tạo cho mình một thói quen trong suy nghĩ về mối quan hệ giữa mình và sếp. Đó không đơn thuần là “ông chủ” và “người làm thuê”, mối quan hệ mở rộng cùng hợp tác để phát triển. Tự tin vào khả năng của bản thân, tin rằng mình có thể làm được những việc như sếp đã và đang làm thì mọi thứ sẽ đơn giản hơn nhiều.