Bạn quyết định “dứt áo ra đi” và nộp đơn xin nghỉ việc. Ngay thời điểm này, công ty lại bày tỏ mong muốn giữ chân bạn với mức lương và chế độ đãi ngộ cao hơn. Liệu bạn nên đi hay ở? Neo lại bến cũ có nên chăng?
Ảnh minh họa
Thị trường lao động bất cân xứng cung – cầu khiến dân công sở cẩn trọng hơn trong các quyết định thôi việc và nhà tuyển dụng cũng chú ý hơn trong việc giữ chân nhân tài. Có không ít trường hợp công ty tìm mọi cách để níu giữ nhân viên khi họ quyết định thôi việc, hay thậm chí là “trải thảm” cho những nhân viên chủ chốt quay về với chức danh và phúc lợi cao hơn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia nghề nghiệp, có nhiều khía cạnh bạn cần lưu ý nếu thực sự muốn quay về “bến cũ”:
Đãi ngộ tốt hơn – vẫn chưa đủ
Theo Emory Mulling, chủ tịch công ty tuyển dụng và hỗ trợ tìm việc Mulling, “Mặt tốt khi quay lại công ty cũ là bạn được đãi ngộ mức lương cao hơn, hoặc được phân công vào vị trí công việc tốt hơn, có lợi cho sự nghiệp của bạn sau này, tuy nhiên, song song đó còn nhiều vấn đề đáng lưu ý khác.”
Theo công ty tư vấn nhân sự Capital H, các nghiên cứu gần đây cho thấy: trung bình một nhân viên khi quay lại công ty cũ chỉ gắn bó thêm được nhiều nhất là một năm. Nguyên nhân là do các mâu thuẫn căn cơ khiến nhân viên không thỏa mãn với công việc vẫn chưa được giải quyết triệt để, nên dù đãi ngộ tốt hơn, mối quan hệ giữa nhân viên và công ty vẫn sẽ “dậm chân tại chỗ”.
Chirstopher Elmes, đại diện của Capital H còn lưu ý ứng viên về uy tín của bản thân. “Khi bạn nhận lời quay về công ty với mức lương cao hơn, việc bạn gắn bó với công ty sẽ được nhìn nhận là đơn thuần dựa trên tiền bạc, bạn sẽ ít được tin tưởng hơn trong tương lai.”
Hơn thế, nếu thông tin về chế độ đãi ngộ mới của bạn bị tiết lộ, mối quan hệ giữa bạn và đồng nghiệp sẽ bị ảnh hưởng, bởi không ít người sẽ so bì mức lương thưởng mới của bạn, bàn ra tán vào “chiêu thức làm giá” của bạn, cũng như hoài nghi năng lực của bạn liệu có xứng đáng.
Phòng hờ trước khi “nhảy bến”
Thay vì phải vội vã rời bỏ công việc khi không cảm thấy hài lòng để rồi chấp nhận quay về khi được đãi ngộ tốt hơn, các chuyên gia nhân sự cho rằng các nhân viên nên tiếp cận cấp trên và bày tỏ suy nghĩ về công việc, đề nghị những thay đổi cần thiết về trách nhiệm công việc, phúc lợi, thăng tiến, tăng lương… Cách này sẽ hiệu quả hơn là nhanh chóng tìm bến đỗ mới với hy vọng cải thiện những yếu tố này trong môi trường làm việc tốt hơn.
Theo Emory, bạn có thể tạo cơ hội để sếp hỗ trợ bạn khi đề nghị thảo luận về công việc. Hãy cho họ thấy thành ý gắn bó và cống hiến cho công ty của bạn. “Nhiều người không bao giờ dám đặt vấn đề với cấp trên vì cho rằng điều này là vô ích. Nhưng nếu bạn làm tốt công việc và thái độ ứng xử tốt, bạn sẽ thành công.”
Nếu biểu hiện trong công việc của bạn chỉ bình thường, và sếp tỏ vẻ không muốn bàn thảo thêm dù bạn có thiện chí, bạn hãy mạnh dạn dứt áo ra đi. “Khi đã nộp đơn nghỉ việc, bạn cần tỏ ra bản lĩnh trong việc nắm bắt cơ hội nghề nghiệp mới. Nếu bạn dễ dàng bị thuyết phục quay về, điều đó có nghĩa là bạn chưa thật sự chú tâm và dốc sức tìm kiếm cơ hội mới.”