5 sai lầm thường gặp khi mới được thăng chức

Trong thời buổi kinh tế khó khăn, bạn đã nỗ lực hết mình để được thăng chức. Đi cùng với đó là lương và chế độ đãi ngộ cũng hấp dẫn hơn. Điều bạn cần làm tiếp theo là giữ vững vị trí này.

Ảnh minh họa

Muốn vậy, hãy tránh 5 sai lầm dưới đây khi mới được “lên nắm quyền”:

Quản lý vi mô
Vừa được thăng tiến, bạn muốn tự tay làm tất cả mọi thứ: photo những tài liệu quan trọng, sắp xếp giấy tờ, sắp xếp cuộc họp và làm vô số việc nhỏ nhặt khác. Nhưng đó lại là việc nhân viên của bạn phải làm. Thậm chí nếu là người theo chủ nghĩa hoàn hảo, bạn cũng không cần tự tay làm những việc đó.
Công việc hiện giờ của bạn là giao việc. Bạn có trách nhiệm với nhân viên của mình, với mục tiêu chung và bao quát cả phòng. Còn những việc vặt khác hãy bỏ qua.

Thân thiết quá mức với cấp dưới
Dù có đi “nhậu nhẹt” với nhân viên sau giờ làm việc, bạn vẫn phải giữ khoảng cách với họ. Bạn không thể phạm sai lầm khi quá thân thiện với một số người trong khi phớt lờ những người khác. Trong công việc, mọi người phải được đối xử công bằng. Bạn không thể mời người trước đây là đồng nghiệp thân thiết nay là cấp dưới vào văn phòng để “tám” về những vấn đề không liên quan tới công việc, tạo sự bất mãn trong nhân viên.
Là người lãnh đạo, bạn cần “một cái đầu lạnh”, điều này có thể khiến mọi người ngại và xa cách bạn nhưng đó là cái giá bạn phải trả để được thăng chức.

Lãnh đạo thiếu định hướng
Đừng mặc định nhân viên cấp dưới biết bạn kỳ vọng điều gì ở họ. “Chỉ tiếp tục công việc như trước kia” là cách quản lý sai lầm. Hãy nhớ giờ bạn đã là người lãnh đạo với phong cách và đặc điểm riêng.
Bạn nên tập hợp mọi người lại và cho họ biết hướng dẫn và quy định chung trong quá trình lãnh đạo của mình. Sau đó, gặp từng người trong nhóm, giải thích điều bạn mong đợi ở họ và phương pháp chi tiết trong công việc của họ. Nên tránh tạo ra sự thay đổi bất ngờ và sâu sắc, quyết liệt. Hãy để nhân viên quen với bạn trước, sau đó từ từ thực hiện những thay đổi cần thiết để điều hành mọi việc theo cách bạn muốn.

Phớt lờ khen thưởng/kỷ luật
Đừng chỉ giấu mình trong văn phòng, thậm chí khi mọi việc vẫn đang tốt đẹp. Nhân viên muốn biết họ có đáp ứng kỳ vọng của bạn hay không. Hãy sẵn sàng khen ngợi những người có thành tích tốt. Họ sẽ có thêm động lực làm việc tốt hơn khi nhận được những phản hồi tích cực từ cấp trên.
Ngược lại, đừng ngần ngại chỉ ra sai lầm. Hãy thẳng thắn phê bình nhân viên làm việc kém hiệu quả, đồng thời gợi ý giải pháp, góp ý để họ khắc phục sai lầm.

Sợ sa thải nhân viên
Sẽ có thời điểm bạn phải để ai đó ra đi, vì vậy hãy sẵn sàng đối mặtt với tình huống này. Nên nhớ một quả táo thối sẽ làm hỏng cả thùng táo. Nếu sau vài lần cảnh báo nhưng nhân viên vẫn không thay đổi, bạn phải quyết đoán để anh/cô ấy ra đi.
Mỗi quá trình thăng chức đều có những thách thức. Nhưng với sự chuẩn bị, thái độ đúng đắn, bạn có thể và sẽ nhanh chóng vượt qua. Chúc bạn thành công trong năm 2013!