Đi làm, ngoài áp lực từ công việc, mỗi người còn có vô vàn nỗi lo khác nhau mang tên “công sở”. Một trong những vấn đề đó là chuyện bè cánh, phe phái.
Ảnh minh họa
Khi mỗi sếp… một phe
Trưởng phòng kinh doanh của công ty sắt thép mới lên nhận chức còn khá trẻ. Phó phòng lại có thâm niên làm việc cao hơn nên “bằng mặt mà chẳng bằng lòng”, trong bụng ấm ức vì “lẽ ra mình mới đủ khả năng lẫn kinh nghiệm mà ngồi vào cái ghế ấy” nhưng ngoài mặt vẫn cứ phải tươi cười chúc tụng chú chú anh anh.
Những cơn bão ngầm nổ ra: dự án trưởng phòng thông qua thì phó phòng bới lông tìm vết rồi cho là không khả thi, nhân viên nào được trưởng phòng trọng dụng và ưu ái thì phó phòng “đì”. Trưởng phòng lâu dần cũng thấy khó chịu với thái độ bất hợp tác của phó phòng, bèn trưng dụng ngay quyền lực của mình để “đưa mọi thứ về đúng chỗ của nó”. Chỉ khổ mọi người suốt ngày né tránh những vấn đề có sự tham gia của hai sếp để khỏi nhức đầu.
Nhưng không phải cứ muốn “né” là “né” được, Diệu Thuần (nhân viên soạn thảo hợp đồng) “dở khóc dở cười” kể lại sự khó khăn của mình khi làm việc: “Các hợp đồng mình soạn thảo và theo dõi đều có sự giám sát của phó phòng và trưởng phòng. Hễ hợp đồng nào soạn theo ý trưởng phòng thì phó phòng sẽ tìm ngay một vài điều khoản chưa hợp lý và bắt viết lại. Đến khi mình viết theo ý phó phòng thì trưởng phòng lại bảo phần phụ lục chưa chi tiết… Cứ thế, mình quay mòng mòng giữa hai hướng gió ngược nhau. Người này vừa ý thì người kia khó chịu, người này vui vẻ thì người kia ngấm nguýt. Nhiều lúc mình chỉ muốn xin nghỉ việc luôn cho rồi, để khỏi phải ngày ngày làm cái bia cho hai sếp “bắn” nhau”.
Khi nhân viên về phe với sếp
Thụy, kiến trúc sư đang làm việc tại một công ty xây dựng lại gặp phải hoàn cảnh éo le khác. Sau khi được nhận vào làm trong phòng thiết kế, anh nhiệt tình đi chào hỏi từng người nhằm tạo bầu không khí làm việc thoải mái, gần gũi. Mọi người trong phòng đều vui vẻ làm quen với anh, chỉ riêng Hoàn – một họa viên của công ty – là chẳng thèm nhúc nhích.
“Bao ngam” noi cong so
Thụy ngạc nhiên về thái độ của anh này và trong giờ nghỉ trưa, anh đã được giải tỏa thắc mắc ngay. Mấy anh chị làm cùng phòng kéo Thụy đi ăn trưa và dặn Thụy phải “hết sức đề phòng với địch” làm anh cứ mắt tròn mắt dẹt. Hóa ra Hoàn là “tai mắt” của giám đốc, do làm việc lâu năm ở công ty nên được sếp rất trọng dụng và dần dần trở thành thân tín, chuyên theo dõi mọi động thái của những nhân viên khác và “mật báo” cho sếp. Thụy cười bảo: “Mình là cây ngay thì sợ gì chết đứng”.
Nhưng làm việc một thời gian, Thụy đã hiểu vì sao Hoàn có biệt danh “Hoàn cú vọ”. Nhất cử nhất động của các nhân viên khác, sếp đều nắm rõ. Có lần, một họa viên trẻ phàn nàn về hạn nộp bản vẽ triển khai chi tiết một công trình quá gấp rút, ngay hôm sau cậu bị giám đốc gọi lên “cảnh cáo”. Chị Loan có con nhỏ, mấy bữa trước con bé bị sốt nên chị phải tranh thủ về sớm mười phút vì sốt ruột con ở nhà không có ai lo. Hôm sau, cả chị Loan lẫn bảo vệ đều bị thông báo trừ lương, một người vì “không tuân thủ đúng giờ giấc làm việc”, một người vì “không hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Điều khiến Thụy cảm thấy bất công nhất là trong khi mọi người đều phải cố gắng tránh mọi sơ sảy ở nơi làm việc thì Hoàn lại khác. Anh ta có thể ra ngoài uống cà phê hàng giờ rồi nhởn nhơ quay vào mà chẳng bị sếp khiển trách một câu. Có lần, anh ta còn huênh hoang khoe với Thụy rằng, ở công ty này, người quan trọng nhất với sếp không phải là trưởng phòng kinh doanh hay kế toán mà chính là anh ta.
Và nhân viên chia phe nơi công sở
Đây là trường hợp phổ biến nhất ở các văn phòng, đặc biệt là trong giới chị em. Không khó để bắt gặp những câu chuyện kiểu “Bọn phòng sales chỉ được cái ỷ giàu rồi lên mặt, suốt ngày chưng diện quần áo”, hay “Sao mấy người phòng tin tức được sếp ưu ái thế nhỉ, tháng nào cũng thưởng thêm, chắc là chúng nó cho sếp ăn bùa mê gì rồi!”.
Điều dễ thấy nhất ở những phe phái kiểu này là do tị nạnh về mức lương, công việc hoặc kiểu cách, lối sống. Có khi chỉ vì “con bé kia nhìn chướng mắt thật” cũng đủ làm đề tài cho các chị em bàn tán. Những câu nói không hay vô tình lọt đến tai “đối tượng”, thế là chiến tranh văn phòng nổ ra: phe này lườm nguýt, kình với phe kia từ chỗ ngồi ăn trưa đến chỗ để xe ngoài bãi.
Thái độ “bất hợp tác” lắm khi được các chị em bê cả vào công việc: phe này đi công tác về thì phe kia “mãi” không xuất tiền công tác phí, phe kia đi làm muộn thì phe này lăm lăm ghi vào sổ trực để trừ lương…
Cứ thế, chiến tranh nơi công sở giữa các phe phái trong công ty tuy không khốc liệt đến mức có thể hạ gục ai nhưng cũng làm các bên mệt mỏi và chán ngán khi nghĩ tới mỗi sáng đi làm phải giáp mặt những người mà mình không thích – lắm khi chỉ vì vài ba câu nói đưa chuyện cho vui lúc đầu.