“DN đang phải mua vàng nguyên liệu trôi nổi trên thị trường”

Do không được nhập khẩu vàng nguyên liệu nên nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ không biết mua vàng nguyên liệu từ đâu.

Doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ đang gặp khó về nguyên liệu. Ảnh: L.Bằng

Trong báo cáo gửi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam gần đây, Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam cho biết: Đến nay thị trường vàng trang sức Việt Nam vẫn còn manh mún, kém phát triển. Ngoài một số DN lớn như SJC, PNJ, DOJI… nhiều doanh nghiệp trong số còn lại chủ yếu gia công và kinh doanh hàng trang sức nhập ngoại. Bởi vì doanh nghiệp chưa được nhập khẩu vàng nguyên liệu và chưa được tiếp cận vốn vay ngân hàng để sản xuất, kinh doanh vàng trang sức.
Hiệp hội kinh doanh vàng cũng cho hay: Hiện nay chỉ có một số doanh nghiệp lớn đã đẩy mạnh phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh trang sức và mạnh dạn đầu tư những dây chuyền sản xuất hiện đại. Đơn cử như PNJ đã đầu tư xí nghiệp nữ trang trên diện tích 12.500m2 với hơn 1000 thợ kim hoàn, đạt công suất 4 triệu sản phẩm/năm. SJC cũng đưa vào hoạt động xí nghiệp nữ trang ở Tân Thuận với tổng công suất 350.000-500.000 sản phẩm/năm…
Song đến nay, mới chỉ có một số doanh nghiệp lớn tham gia xuất khẩu vàng trang sức. Mặc dù PNJ có nhiều thế mạnh về vàng trang sức, nhưng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp này mới chỉ đạt trên 9 triệu USD/năm. So với tiềm năng của công ty, con số này còn quá khiêm tốn.
Để thực hiện chủ trương khuyến khích sản xuất kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 164/TT-BTC ngày 15-11-2013 ban hành Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo danh mục mặt hàng chịu thuế. Theo đó kể từ ngày 1-1-2014 thuế suất xuất khẩu đã giảm từ 10% xuống 0% đối với tất cả các loại vàng trang sức, mỹ nghệ. Đây được xem như một bước tiến quan trọng trong việc khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội kinh doanh vàng, từ hơn 2 năm nay, các doanh nghiệp không được phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ mặc dù tại khoản 3 điều 14 Nghị định 24/NĐ-CP cho phép. Điều này buộc các doanh nghiệp phải mua vàng nguyên liệu trôi nổi trên thị trường, vô hình chung đã tiếp tay cho những kẻ buôn lậu vàng, tác động tiêu cực đến việc điều hành chính sách tiền tệ của Nhà nước.
Theo ước tính của Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam, nhu cầu nhập khẩu vàng nguyên liệu hàng năm cho sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ ở Việt Nam hiện khoảng 10-15 tấn. Nếu Ngân hàng Nhà nước cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu thì vấn đề nhập siêu cũng không đáng ngại. Bởi hoạt động xuất khẩu vàng nữ trang sẽ góp phần tái tạo số lượng ngoại tệ đã được sử dụng để nhập khẩu vàng nguyên liệu. Đồng thời góp phần giảm được chênh lệch giá vàng cũng như hạn chế nguy cơ nhập lậu vàng, kể cả vàng trang sức, mỹ nghệ.
Vì vậy, Hiệp hội Kinh doanh vàng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét cho phép các doanh nghiệp được nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ theo quy định tại Nghị định 24. Đối với những doanh nghiệp không đủ điều kiện nhập khẩu vàng, Ngân hàng Nhà nước có thể ủy thác cho một số doanh nghiệp có đủ điều kiện nhập khẩu rồi bán lại cho các doanh nghiệp khác theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước.
“Để đảm bảo việc cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu được công khai, minh bạch và sát với yêu cầu của các doanh nghiệp, đề nghị Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét nên có sự tham gia của Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam như nhiều ngành nghề khác các Bộ quản lí nhà nước đã và đang thực hiện” – Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam đề nghị.
Hiện nay số lượng các doanh nghiệp được phép kinh doanh vàng miếng đã giảm đáng kể, từ khoảng 12 nghìn đơn vị xuống chỉ còn 38 đơn vị, với khoảng trên 2 nghìn điểm kinh doanh vàng miếng trên cả nước. Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét cho mở thêm các điểm kinh doanh vàng miếng, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa thì càng thuận lợi cho người dân khi có nhu cầu giao dịch vàng miếng.
Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam cũng nhấn mạnh: Chống vàng hoá không thể bằng giải pháp hành chính mà cái gốc là phải ổn định sức mua của VNĐ; vận hành đồng bộ các chính sách, công cụ lãi suất, tỉ giá, các kênh đầu tư tài chính khác và cần nghiên cứu để khi có điều kiện thuận lợi chuyển hướng từ giao dịch vàng vật chất sang giao dịch các sản phẩm vàng khác như chứng chỉ vàng, vàng tài khoản… tại Sở giao dịch vàng quốc gia. Tuy nhiên việc tổ chức quản lí, giám sát rủi ro, nhất là kiểm soát mức độ tuân thủ trạng thái vàng cần có hành lang pháp lí chặt chẽ, hợp lí.

 

Theo Báo Hải Quan