ASEAN hiện là thị trường XK lớn thứ 3 của Việt Nam, sau Mỹ và EU. Khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức được thành lập vào năm 2015, cơ hội cho DN Việt Nam XK sang thị trường này càng lớn. Tuy vậy, việc giảm thuế về 0% cũng đang tạo ra những thách thức không nhỏ trong việc gia tăng XK vào thị trường ASEAN.
Xuất khẩu gạo
Gạo là mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn khi xuất khẩu sang ASEAN. Ảnh: PHAN THU.
Lợi thế hàng nông sản
Theo thống kê của Vụ Thị trường châu Á, Thái Bình Dương (Bộ Công Thương), kim ngạch thương mại của Việt Nam và ASEAN đã tăng gần 4 lần, từ khoảng 9 tỷ USD năm 2003 lên gần 40 tỷ USD vào năm 2013. Năm 2013 ASEAN là thị trường XK lớn thứ 3 của Việt Nam chỉ đứng sau Mỹ và EU với kim ngạch đạt 18,47 tỷ USD, tăng 4,4% so với năm trước đó. Ba tháng đầu năm nay, ASEAN tiếp tục duy trì vị trí này với kim ngạch ước đạt 4,7 tỷ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện nay, trong khối ASEAN, Việt Nam tham gia ký kết Hiệp định về chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) và Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), trong đó, Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN quy định rõ số dòng thuế được lùi thời hạn xóa bỏ thuế quan đến năm 2018 với nhóm nước Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam. Bà Phạm Thị Hồng Thanh, Hàm Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á, Thái Bình Dương cho biết, các mặt hàng XK sang ASEAN rất đa dạng như gạo, dầu thô, xăng dầu, sắt thép, điện thoại, phụ tùng, linh kiện…, trong đó 2 mặt hàng XK có kim ngạch và tỷ trọng lớn nhất là dầu thô (thường chiếm tỷ trọng xung quanh mức 40%) sau đó là gạo (chiếm tỷ trọng trên 10%).
Như vậy có thể thấy rằng, XK của Việt Nam sang ASEAN chủ yếu là nông sản, hải sản và khoáng sản thô, sơ chế có giá trị thấp, hàm lượng giá trị gia tăng không cao. Những mặt hàng này tuy hầu hết đều được hưởng thuế NK ưu đãi CEPT tại các nước NK nhưng do có giá trị thấp, giá cả phụ thuộc vào biến động trên thế giới, nên kim ngạch XK không ổn định. Trừ linh kiện điện tử và vi tính, hàng công nghiệp tiêu dùng có hàm lượng chế biến và giá trị gia tăng như may mặc, giày dép… chỉ chiếm tỷ trọng tương đối nhỏ trong tổng kim ngạch XK sang ASEAN.
Cơ hội gia tăng XK
Cuối năm 2015, AEC sẽ được hình thành, nếu tận dụng tốt các ưu đãi thuế quan trong thương mại với các nước AEC, Việt Nam sẽ có cơ hội lớn để XK các mặt hàng chủ lực như dệt may, gạo, thủy sản, linh kiện điện tử… sang các nước ASEAN. Bà Thanh dự báo, trước thềm AEC (năm 2015), XK của Việt Nam sang thị trường ASEAN sẽ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng ổn định nhờ hưởng ưu đãi thuế quan với tổng số trên 99% dòng thuế của ASEAN 6 (gồm Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan) sẽ về mức 0% vào năm 2015. “Đây sẽ là một cơ hội lớn để Việt Nam cải thiện cán cân thương mại”, bà Thanh nói.
Tuy nhiên, theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục XNK (Bộ Công Thương), khi AEC được hình thành, thuế suất hàng hóa dần về 0%, khi đó các nước trong ASEAN trở thành một thị trường, hàng hóa lưu chuyển từ Việt Nam sang các nước gần không còn chênh lệch về giá, chỉ còn chi phí vận tải. DN là chủ thể quan trọng trong việc xây dựng AEC nhưng có tới gần 80% DN được hỏi chưa biết rõ hết về lợi ích mà ASEAN mang lại cũng như thách thức đặt ra. Đây là thách thức lớn với các DN khi AEC hình thành.
Bên cạnh việc thuế suất giảm về 0% ông Hải cho rằng vẫn có nhiều khó khăn về hàng rào thương mại. Ví dụ như quy tắc xuất xứ, khi chúng ta không đáp ứng được quy tắc xuất xứ thì thuế suất giảm cũng trở nên vô nghĩa, tức là hàng hóa không được hưởng ưu đãi 0%. Muốn được hưởng ưu đãi thuế thì ít nhất 40% hàm lượng của sản phẩm phải được sản xuất trong khu vực ASEAN.
Nâng sức cạnh tranh
Để tận dụng hiệu quả cơ hội từ AEC, theo ông Hải, DN Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chí về quy tắc xuất xứ. Chủ động xây dựng năng lực sản xuất, kinh doanh, cải thiện chất lượng, mẫu mã sản phẩm để nâng cao khả năng cạnh tranh và xây dựng thương hiệu, hình ảnh.
Còn theo bà Thanh, trong ngắn hạn, DN Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh XK sang ASEAN những mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch XK như: Điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; phương tiện vận tải và phụ tùng; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác, sắt thép các loại, gạo…
Ngoài ra, DN Việt Nam cần tận dụng ưu thế XK sang thị trường Lào, Campuchia thông qua các bản thỏa thuận ưu đãi thuế suất thuế NK với Lào, thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương với Campuchia.
Đặc biệt, để có chỗ đứng trên thị trường các nước, hàng hóa Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với hàng hóa của các nước khác trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là hàng hóa của Thái Lan và Trung Quốc vốn có những lợi thế lớn về giá cả, chất lượng và từ lâu đã chiếm lĩnh thị trường. Do đó, việc đổi mới mặt hàng, nâng cao chất lượng sản phẩm và hạ giá thành sẽ giúp các DN nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường, dần chiếm lĩnh sự quan tâm của người tiêu dùng.
Các DN cũng được khuyến cáo cần tăng tỷ lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu của ngành và giảm thiểu phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài; tăng cường đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ; đầu tư vào các vùng trồng cây nguyên liệu, cần phát triển mối quan hệ hợp tác với các nhà sản xuất nước ngoài có công nghệ tiên tiến; quan tâm đào tạo nguồn lực đáp ứng nhu cầu phát triển thị trường; xây dựng chiến lược phát triển liên kết nội khối tạo chuỗi sản xuất lớn để có khả năng nhận những đơn hàng lớn.
Theo Báo Hải Quan