Không để người có công bị thiệt thòi

Lần đầu tiên (năm 2014), Chính phủ sẽ tổ chức tổng rà soát chính sách trên quy mô toàn quốc nhằm loại bỏ những trường hợp hưởng chính sách dành cho người có công không đúng và những trường hợp chưa được hưởng đầy đủ chế độ.

ảnh minh họa

Xung quanh vấn đề này, Báo Hải quan đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Duy Kiên- Phó Cục trưởng Cục Người có công, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Thưa ông, hiện những đối tượng có công nào đang được hưởng chính sách hỗ trợ của nhà nước và cuộc tổng rà soát lần này tập trung hướng tới những đối tượng cụ thể nào?
Hiện nay, cả nước đã xác nhận hơn 8,8 triệu đối tượng người có công, chiếm khoảng 10% dân số, trong đó hơn 1,4 triệu người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng của Nhà nước. Về cơ bản, hầu hết những người có công với cách mạng đã được xác nhận và hưởng chế độ ưu đãi.
Theo chính sách của Nhà nước, hiện có 13 đối tượng đang được hưởng chính sách, nhưng cuộc rà soát này hướng vào 7 đối tượng gồm: liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; người có công giúp đỡ cách mạng; cựu thanh niên xung phong. Ngoài ra, đợt rà soát này còn kiểm tra lại tất cả các trường hợp được hưởng, người đang hưởng chế độ. Qua đó loại trừ trường hợp có tên nhưng không có con người cụ thể hoặc có trường hợp có những người đã mất nhưng không cắt chế độ và có những người có tên, có chế độ nhưng chưa được hưởng đầy đủ.
 Hiện, trong số hơn nửa triệu TNXP tham gia vào 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, còn hơn 52.000 người không thể chứng minh từng là TNXP vì mất giấy tờ gốc, trên 7.000 người chưa được công nhận thương binh, gần 11.000 người chưa được công nhận nhiễm chất độc màu da cam và 681 người chưa được công nhận là liệt sĩ.
Đóng góp của lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP) là vô cùng to lớn, nhưng vì nhiều nguyên nhân, tới nay vẫn còn nhiều người chưa nhận được sự đãi ngộ thích đáng. Vậy chế độ chính sách đối với TNXP hiện nay như thế nào, thưa ông?
Kể từ năm 2005, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều quyết định về chính sách đãi ngộ người có công, trong đó có TNXP. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn một số quy định chính sách chưa phù hợp với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, một số quy định còn thiếu tính khả thi trong thực tiễn, một bộ phận người có công còn chưa được hưởng hoặc hưởng chưa đầy đủ các chế độ chính sách do Nhà nước ban hành. Trên thực tế, các chính sách, chế độ đãi ngộ TNXP đã xuất hiện những hạn chế cần được sửa đổi, bổ sung. Cụ thể, theo quy định, TNXP muốn được hưởng chế độ thì phải có giấy tờ gốc xác nhận và có chứng nhận của đồng đội cùng đơn vị… Vậy nhưng thực tế hiện nay, do chiến tranh ác liệt, rất nhiều TNXP không còn giữ được giấy tờ gốc để chứng minh thân phận, nhiều người còn sống sót trong khi cả đơn vị đã hy sinh nên không thể xin chứng nhận của đồng đội, hay có những đơn vị hy sinh cả thì rất khó để xác định liệt sĩ… nên chưa được hưởng chế độ chính sách.
Với lý do trên, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tiến hành tổng rà soát lại để có hướng tham mưu cho Chính phủ bổ sung các quy định về chế độ đãi ngộ TNXP. Tôi tin rằng sau đợt tổng rà soát này, sẽ có giải pháp giải quyết tốt chế độ chính sách đãi ngộ cho những trường hợp hiện chưa hoàn thiện được hồ sơ, giấy tờ.
Vậy Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có hướng cải tiến các thủ tục công nhận các đối tượng có công này thế nào, thưa ông?
Đối với một số trường hợp đặc biệt đề nghị giải quyết chế độ nhưng không còn lưu giữ được hồ sơ, giấy tờ gốc (giấy chứng nhận bị thương, phiếu chuyển thương, chuyển viện, bệnh án điều trị, giấy ra viện), không còn thân nhân kê khai, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các địa phương và các bộ, ngành liên quan tiến hành giải quyết những hồ sơ tồn đọng. Hiện 48/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 8.072 hồ sơ tồn đọng, trong đó có gần 4.000 hồ sơ đủ điều kiện xem xét, giải quyết.
Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục khảo sát, phối hợp với các địa phương và các bộ, ngành liên quan triển khai kế hoạch giải quyết những phát sinh mới trong xác nhận đối tượng người có công và thực hiện chính sách ưu đãi. Việc xem xét xác nhận người có công với cách mạng còn tồn đọng qua 3 thời kỳ cách mạng là công việc khó khăn, phức tạp. vì vậy, công tác xác nhận phải hết sức cân nhắc, thận trọng, đòi hỏi phải có sự tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều đơn vị và cá nhân, cũng như cần nhiều thời gian xác minh kết luận để đảm bảo chính xác, không để tái diễn những vụ tiêu cực.
Thời gian qua, cả nước phát hiện được 400 trường hợp giả toàn bộ hồ sơ giấy tờ nên để việc giải quyết tồn đọng sẽ được thực hiện trên cơ sở đơn giản hóa thủ tục nhưng cẩn trọng và gắn chặt trách nhiệm. Để việc xác minh giấy tờ thuận tiện, cơ quan quản lý người bị thương, người hy sinh sẽ phải “đứng mũi chịu sào” chịu trách nhiệm về thông tin, giấy tờ chứ không để cá nhân tự làm như trước. Có thể tiến hành có cuộc họp công khai dân chủ để người dân địa phương đóng góp ý kiến, xác minh cụ thể.
Xin ông cho biết việc tổng rà soát sẽ được thực hiện như thế nào, trong thời gian bao lâu?
Hiện tại, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang tích cực triển khai các nội dung theo Chương trình phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong đó có việc xây dựng các biểu mẫu thống kê, ban hành công văn hướng dẫn cho các địa phương. Trước đó, chúng tôi đã thực hiện khảo sát thí điểm tại một xã tại Hà Nội và đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn cho 63 địa phương vào cuối tháng 3-2014. Từ tháng 4 đến tháng 5-2014 sẽ triển khai rà soát thí điểm tại một xã, phường, thị trấn ở mỗi quận huyện trong cả nước để rút kinh nghiệm trước khi triển khai trong toàn quốc. Dự kiến chương trình rà soát sẽ được thực hiện trong 2 năm 2014 và 2015.
Xin cảm ơn ông!

Theo Báo Hải Quan