Những chuẩn mực hành xử cho nhân viên mới

Đôi khi, bạn phải mất đến 14 tháng để có được công việc thích hợp nhưng lại bị mất việc chỉ sau 2 tháng vào làm. Một trong những nguyên nhân chính là vì bạn chưa thích nghi được với môi trường làm việc mới, hoặc bạn đã quá gồng mình để chứng tỏ là một nhân viên mẫu mực, nhưng kết quả lại cho câu trả lời ngược lại.

Hãy làm theo những lời khuyên sau đây, để chắc chắn rằng bạn đang đi đúng hướng.
Nghỉ ngơi nếu bạn thấy mệt
Nghỉ ngơi khiến đầu óc bạn minh mẫn hơn và bạn có thể làm việc tốt hơn trong những ngày (giờ) tiếp theo. Bạn mới vào làm và chưa thể quen được phong thái làm việc mới, vậy thì đừng cố gồng mình quá, kẻo kết quả mang lại cũng chẳng tốt đâu.
Đừng vội quên buổi phỏng vấn
Buổi phỏng vấn đã thành công và bạn đã vào làm, nhưng đừng vội quên nó nhé. Chẳng hạn, bạn vào công ty và gặp lại người tuyển dụng, nhưng lại không thể nhớ tên ông ta là gì. Thật đáng trách!
Tìm hiểu về công ty mới
Hãy thu thập tất cả những bản báo cáo hàng năm, những bức thư giao dịch hay các ấn phẩm quảng cáo của công ty, tìm kiếm và tự định dạng trong đầu hình ảnh công ty mới của mình. Có thể tìm hiểu nó qua việc hỏi những đồng nghiệp đi trước, hoặc ở chính vị sếp của bạn. Các sếp sẽ chẳng bao giờ từ chối một nhân viên thích tìm hiểu đến thế.
Bạn cũng nên tìm hiểu đối thủ cạnh tranh của công ty để bạn có thể đưa ra những ý kiến, đóng góp đúng lúc.
Làm việc thật chăm chỉ, hăng hái
Hãy đến trước giờ làm 30 phút và chỉ về khi các đồng nghiệp của bạn đã ra về gần hết. Hãy chú ý đến thói quen làm việc cũng như lịch trình làm việc của mỗi người, điều này giúp bạn dễ dàng trong việc thiết lập mối quan hệ công việc với họ.
Trong mọi việc, hãy tỏ ra năng nổ và nhiệt tình. Đừng có thái độ uể oải nhé.
Chỉnh chu trong trang phục
Là nhân viên mới nghĩa là bạn là trung tâm chú ý của mọi người. Hãy đến công ty với trang phục đẹp nhất, tất nhiên phải là một trang phục công sở. Luôn tự tin với vẻ bề ngoài của mình, điều đó giúp bạn không ngại khi giao tiếp với những “ma cũ”.
Luôn mang theo một cuốn sổ nhỏ
Giúp bạn ghi lại những quy định công ty, lịch làm việc, tên của những người lãnh đạo, số điện thoại, thậm chí tên đồng nghiệp cùng phòng, nếu bạn quá đãng trí.
Nghe 80% – nói 20%
Bạn sẽ được đánh giá cao hơn khi biết lắng nghe ý kiến của đồng nghiệp hơn là chỉ chăm chăm trình bày những ý kiến của riêng mình.
Hiểu rõ sếp của bạn
Hãy chịu khó quan sát thói quen trong công việc cũng như sở thích cá nhân của sếp để có thể “liệu cơm gắp mắm” bạn nhé.
Hãy tìm hiểu xem sếp của bạn đang yêu cầu gì từ phía bạn. Thái độ của sếp trước mỗi việc bạn làm thế nào? Hài lòng? Ngại ngần? Thất vọng? Qua đó để điều chỉnh mình.
Hòa đồng và giao tiếp với đồng nghiệp
Hiểu rõ những người mà bạn thường xuyên cùng làm việc, những người trong cùng một đội. Thiết lập mối quan hệ tốt với mọi người trong nhóm, tin tưởng lẫn nhau và tuân thủ theo các thông tin. Hài hòa với mọi người trong công ty. Luôn mỉm cười nhưng đừng tỏ ra nịnh bợ hay quá thân thiện với một cá nhân nào đó.
Đừng quá vội vàng
Thậm chí nhà tuyển dụng đã từng nói rằng họ đang tìm kiếm những ý tưởng mới để cải thiện công ty thì cũng đừng cố gắng tìm đủ mọi cách để đưa ngay ra ý kiến của mình. Không mấy vị sếp sẵn sàng thay đổi phương thức kinh doanh của công ty chỉ dựa vào những lời đóng góp của một “tân binh”.
Nên trao đổi với đồng nghiệp, lắng nghe ý kiến của mọi người, và đợi thời cơ chín muồi đã nhé. Hơn nữa, bạn cần tìm hiểu những khó khăn có thể gặp phải mà bạn chưa lường trước được.
Không buôn dưa lê
Luôn là người chăm chỉ làm việc. Sếp và các đồng nghiệp đều không thích một người mới vào làm cũng đòi tụ tập buôn dưa lê, khen người này, chê người kia. Sếp thấy bạn lười biếng, chả khác gì những cô nàng khác. Đồng nghiệp thấy bạn lắm chuyện, họ sẽ dè bỉu: “Biết gì mà cũng bày đặt nói!”

Theo Careerbuilder