Lương cao bao giờ cũng tốt. Tất nhiên, bạn cũng sẽ làm việc của mình dù được trả công xứng đáng hay không. Nhưng một khi bạn thực sự muốn tăng lương, thì phải biết cách đòi hỏi.
1. Hiểu mong đợi của sếp
Đây là điều kiện tiên quyết. Bạn phải chứng minh cho sếp thấy mình “có giá” hơn nhiều so với mức lương hiện tại và sếp của bạn sẽ nhanh chóng thể hiện ông/bà ta là người công bằng.
Thực hiện cách này phải thật khôn khéo. Đừng đề nghị tăng lương chỉ vì bạn đã làm việc cho công ty X tháng nào đó. Thay vào đó, bạn phải chỉ cho sếp thấy được bạn đang làm việc tốt hơn yêu cầu hoặc bạn đang làm nhiều việc hơn mức bình thường, bạn đang sáng tạo hơn những người khác,…
2. Tăng trách nhiệm công việc
Nếu bạn đã làm rất tốt công việc hiện tại của mình, hãy nhận thêm các trách nhiệm khác. Việc này cũng chứng tỏ các khả năng khác của bạn. Đừng chờ đợi người khác giao việc, hãy nhìn xung quanh và tự “xắn tay” vào làm.
Rồi sau đó, nhân cuộc nói chuyện với sếp, hãy chỉ rõ hiện tại bạn đang làm nhiều hơn công việc sếp giao và bạn muốn được trả lương phụ trội do những việc bạn đang làm thêm. Nếu sếp ngần ngại trước ý tưởng trao cho bạn thêm trách nhiệm (và kèm theo đó là tăng lương), hãy bắt đầu từ việc nhỏ nhặt dễ nhìn thấy nhất. Có một cách để thể hiện rõ điều này, đó là dọn bàn làm việc thật sạch sẽ và gọn gàng. Một chiếc bàn làm việc như vậy sẽ nói lên rằng: “Tôi đã hoàn thành xong việc của mình. Hãy giao thêm cho tôi một công việc khác”.
3. Biết cách “truyền tải” thành tích đạt được
Ngay tại những doanh nghiệp trả lương thấp vẫn luôn tồn tại mức lương rất cao dành cho các “ngôi sao”. Đó là do doanh nghiệp sợ nhân viên giỏi đi mất nên phải dùng tiền để giữ chân người tài. Vì vậy, khi đề nghị tăng lương, hãy chuyển tải thông điệp đến sếp rằng bạn cũng là một “ngôi sao”.
Tất nhiên điều này không thể nói suông được. Bạn luôn hoàn thành dự án của mình một cách xuất sắc, bạn luôn là người đưa ra những ý tưởng táo bạo nhưng khả thi,… Đừng quảng bá thành tích của mình một cách ồn ào, dễ tạo cảm giác “thùng rỗng kêu to”. Kín đáo thể hiện mình nổi bật giữa đám đông, lương sẽ tự khắc được nâng lên.
4. Có động lực làm việc
Theo Ellen Fageson Eland, giáo sư Trường Đại học George Mason University, những nhân viên có động lực làm việc thường dễ được đề bạt gấp đôi những nhân viên chẳng có tham vọng gì. Động lực làm việc sẽ giúp bạn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, và theo thời gian, nhất định bạn sẽ được tăng lương.
5. Nghĩ đến những phần thưởng phi tài chính
Nếu đề nghị tăng lương không được chấp nhận, hãy cố gắng đừng đòi hỏi những gì liên quan đến tài chính nữa. Hãy đề nghị được làm việc ở nhà hay đề nghị có được kỳ nghỉ dài ngày hơn, được đi học để nâng cao kỹ năng làm việc, hay thậm chí xin được xuống làm việc ở chi nhánh của công ty hiện đang nằm ở thành phố có mức sống thấp hơn thành phố bạn đang sống. Những đề nghị này chẳng ảnh hưởng đến ngân sách của công ty, nhưng rõ ràng có giá trị về kinh tế với bạn.
Bạn cũng có thể chuyển những lợi ích nhận được từ “phần thưởng phi tài chính” sang dạng tiền, khi chuyển sang làm việc ở công ty khác. Trong thỏa thuận về lương bổng với một công ty mới, khi được hỏi về mức lương ở công ty cũ, bạn hãy nói rõ tất cả lợi ích nhận được, bao gồm cả những phần thưởng phi tài chính. Đôi khi công ty mới sẽ trả thêm cho bạn đến 30% lương vì những phần thưởng phi tài chính này.
Vấn đề không chỉ là tiền bạc
Nếu bạn thấy mình không thể thực hiện được năm bước trên, hãy tạm hoãn ý định đòi tăng lương. Và hãy nghĩ thế này: theo thống kê, hầu hết số tiền tăng lương chỉ chiếm khoảng 4% tổng lương nhận được. 4% chẳng là gì cả. Còn rất nhiều thứ bạn có thể đòi hỏi sếp để cải thiện cuộc sống của mình.
Lời khuyên ở đây là: Thay vì chỉ chú ý đến những đồng tiền kiếm được tương đương với chức danh hiện tại, hãy cố gắng tập trung vào những gì có ý nghĩa với mình. Rồi bạn sẽ thấy rằng lương của mình sẽ được tăng như một điều tất yếu, khi bạn đã chứng minh được bản thân và hoàn thành xuất sắc công việc.
Theo Bwportal/Wall Street