Bạn mới đi làm, mới ra trường nên còn ít kinh nghiệm ứng xử, thế nên đôi khi bạn bị lâm vào những cảnh cười ra nước mắt hoặc phải nhận những bài học vỡ lòng quá đắt giá, như những câu chuyện dưới đây.
Câu chuyện số 1: Sự trở lại bất đắc dĩ
Tôi thấy mình không thích hợp lắm với công việc đầu tiên dù được chị sếp rất quý mến. Trong vòng vài tháng, tôi đã cố gắng đi tìm việc mới. Sau một thời gian, một công ty đồng ý nhận tôi vào vị trí quản lý – một vị trí rất hợp với ngành học của tôi.
Tất nhiên, tôi mừng húm và thông báo với công ty cũ là mình sắp nghỉ việc để họ lo tìm người mới. Sếp có vẻ không vui nhưng không cản tôi. Đúng một tuần sau khi tôi xin nghỉ việc, công ty mới lại gọi điện và bảo tôi rằng họ vừa mới tái đánh giá tình hình tài chính, và huỷ bỏ quyết định nhận một quản lý mới – là tôi!
Quá hốt hoảng, tôi lúp cúp đi tìm chị sếp để nói rằng tôi cũng… huỷ bỏ cái quyết định xin thôi việc của mình. Nhưng tôi không gặp được chị ấy vì chị ấy bận lu bu suốt ngày. Trong cuộc họp cơ quan ngày hôm sau, chị ấy thông báo trước tất cả mọi người rằng tôi sắp thôi việc. Tôi chẳng còn cách nào khác ngoài việc thú nhận ngay tại đó tình thế khó khăn của mình và xin được ở lại công ty – trước mặt tất cả mọi người.
Chị sếp đồng ý cho tôi ở lại, nhưng chỉ trong 2 tháng, và nói rằng đó là thời gian để tôi tìm công việc mới. (Thanh Mai, 23 tuổi)
Bài học: Luôn luôn chắc chắn một chỗ làm mới trước khi bạn rời bỏ chỗ làm cũ.
Câu chuyện số 2: Ác mộng phỏng vấn
Sau khi ra trường, tôi đi làm tiếp thị trong khi chờ tìm một công việc ổn định. Việc tiếp thị của tôi đơn giản là đi từng nhà, trong trang phục áo sơmi bỏ trong quần, bán những phiếu giảm giá mua dầu xe máy. Trong một lần đi tiếp thị, tôi nhận được điện thoại của công ty mà tôi đã nộp đơn, nói rằng họ sẽ có “một buổi gặp gỡ thân mật” với tôi để nói chuyện về “những mục tiêu sự nghiệp”, nhưng ở ngay trong một quán cafe cạnh công ty.
Cho rằng nếu chỉ là cuộc gặp gỡ ở quán café thì cũng không quá trang trọng nên tôi cứ mặc nguyên quần áo đơn giản như vậy đi đến buổi hẹn. Thật khủng khiếp, cái “quán café đơn giản” mà tôi tưởng tượng hoá ra lại là một nhà hàng kiểu nước ngoài sang trọng, và chờ tôi là 3 vị sếp của công ty, ai cũng mặc complet, đeo cravat đàng hoàng.
Hậu quả là tôi mất tự tin đến nỗi chẳng nói được câu nào ra hồn, và cuối cùng… xin cáo lỗi về sớm, lấy lý do là có việc bận! Thậm chí, tôi chẳng bao giờ dám quay lại công ty đó nữa. (Phạm Hùng, 22 tuổi).
Bài học: Khi được mời đến phỏng vấn, bạn hãy hỏi thật rõ về địa điểm, cách ăn mặc và nếu cần thiết hơn, thì hỏi xem có những ai sẽ phỏng vấn bạn.
Câu chuyện thứ 3: Xui hơn cả thứ sáu, ngày 13
Một trong những việc tôi phải làm đầu tiên khi được nhận vào làm supervisor là phỏng vấn các ứng cử viên để chọn ra một người cho vai trò trợ lý hành chính. Sếp rất tin tưởng và giao cho tôi toàn bộ khâu tổ chức, dù bản thân tôi cũng là một nhân viên mới. Tôi quyết định gây ấn tượng mạnh bằng cách dựng rạp ngoài trời để phỏng vấn, vì công ty tôi là công ty quảng cáo, toàn người trẻ và tôi tin rằng tạo phong cách trẻ trung sáng tạo là rất quan trọng.
Không may, đêm hôm trước, trời mưa rất to và một số phần của rạp bị dột. Nhưng không sao, tôi tin rằng vẫn sẽ tạo được ấn tượng tốt với phong cách này. Mỗi ứng cử viên phải làm một bài dự thi trên giấy. Khi một cô gái ngồi vào bàn, tôi nghe tiếng “rắc”, rồi “sụp”, và cả mảng rạp phía trên đầu cô ấy đổ sập xuống do sức nặng của nước mưa.
Cô gái đó tuy không bị thương nhưng ướt nhẹp từ đầu đến chân, và cô ấy lịch sự nói rằng cô ấy không có hứng thú nữa với công việc ở “một công ty thiếu sự chuẩn bị kỹ lưỡng” như công ty chúng tôi. (Minh Hải, 25 tuổi)
Bài học: Luôn có “kế hoạch B” để đề phòng những trường hợp xấu nhất.
Câu chuyện thứ 4: Phỏng vấn ngược
Tôi lái xe gần 60km tới buổi phỏng vấn một công ty lớn. Tôi đã chuẩn bị rất kỹ, sẵn sàng gây ấn tượng bằng cách trả lời bất kỳ câu hỏi nào có liên quan đến bản resume rất hoành tráng của mình. Khi tôi ngồi xuống bàn phỏng vấn, nhà tuyển dụng chỉ hỏi đúng một câu: “Bạn có thể tự giới thiệu về mình được chứ?”. Sau khi tôi tự tin giới thiệu ngắn gọn trong tròn 90 giây, cô ấy bảo rằng đó là tất cả nhứng gì cô ấy có thể hỏi, và hỏi ngược lại là tôi có câu hỏi nào không.
Bị hẫng như vấp phải ổ gà, tôi không biết phải hỏi gì, vì tôi chẳng biết gì nhiều về công ty mới mà hỏi. Thế là tôi bắt đầu… phỏng vấn ngược lại cô ấy, nào là cô ấy đã học ngành gì, vị trí đang làm là gì, phong cách công ty mới là thế nào…
Sau khi trả lời tất cả những câu hỏi của tôi, cô ấy mỉm cười nói: “Tất cả những điều bạn vừa hỏi tôi, lẽ ra bạn phải biết trước từ khi đến buổi phỏng vấn này mới đúng”. Tôi rời khỏi buổi phỏng vấn, và biết chắc rằng mình sẽ không bao giờ nhận được điện thoại của công ty đó nữa. (Tùng Nguyên, 24 tuổi)
Bài học: Nghiên cứu kỹ về các chính sách, phong cách, văn hóa… của công ty và chuẩn bị sẵn một số câu hỏi có liên quan trước khi đến phỏng vấn.
Theo Sinh viên Việt Nam