Thời buổi “mật ít ruồi nhiều”, sinh viên ra trường nhan nhản mà việc thì vô cùng khó khăn. Để có chỗ làm, nhiều cô cử cậu cử phải “trường kỳ mai phục” bằng cách xin vào làm không công ở một cơ quan, công sở nào đó hàng năm trời chờ cơ hội thi tuyển.
Họ rất chăm chỉ, đi sớm về muộn, làm tất tật mọi công việc mà người ta sai bảo. Họ được mệnh danh là “mõ công sở” – nghĩa là tầng lớp cùng đinh nhất cơ quan.
Để vào một công sở làm không công cũng không phải dễ, phải quen biết cả đấy thậm chí có người còn mất khoản quà cáp tới mấy triệu đồng. (Không thế thì tự dưng ai cho anh chị đến đây mà ngồi tốn chỗ). Đây có lẽ là điều kỳ lạ mà chỉ ở nước Việt ta mới có, xứng đáng để đưa vào chương trình “thế giới đó đây”.
Hồng Hạnh tốt nghiệp trường đại học Luật, cô là cháu gái của một vị thẩm phán toà án quận nọ, thế mà Hạnh vẫn phải làm không công hơn hai năm trời ở tòa án, hồ sơ “dấm” đấy để chờ dịp thi tuyển. Hàng sáng Hạnh đã có mặt ở phòng để quét dọn vệ sinh, đun nước, rửa ấm chén, mẫn cán như một “Ô-sin”. Khi mọi người trong phòng đến, cô pha nước, họ sai đi photo, đánh máy, tìm hồ sơ, thậm chí đi làm việc riêng cho họ, cô đều răm rắp nghe lệnh.
“Được bận rộn em lại thấy hạnh phúc – Hạnh tâm sự – vì như thế em quên đi hoàn cảnh thực tại, chứ mỗi khi rảnh rỗi, nghĩ đến thân phận mình, em buồn vô cùng. Tương lai mờ mịt quá, đi làm không những chẳng được đồng xu nào, lại tốn tiền xăng xe, tiền trà nước quan hệ. Hăm mấy tuổi đầu mà chưa được tích sự gì, hằng tháng cứ phải ngửa tay xin tiền bố mẹ, tủi lắm”.
Sau đúng hai năm bốn tháng làm không công, Hạnh thi được vào làm hợp đồng (trong chỉ tiêu biên chế) với mức lương tập sự chưa đầy 800.000 đồng một tháng. Hạnh sướng tưởng như lên mây. Đấy là nhờ có ông chú “tay trong” chứ không thì còn… khuya, có người sau mấy năm làm không công vẫn chẳng đâu vào đâu, đành phải ra đi.
Đoàn cũng là một cử nhân Luật, anh ra trường đã 5 năm rồi và vẫn đang trong thân phận “mõ”. Đoàn không quen biết ai ở toà án nên phải nhờ vả qua năm bẩy mối quan hệ “dắt dây”, Đoàn mới được đến làm không công ở Tòa án một huyện ngoại thành. Không hưởng “lộc nước”, Đoàn sống hoàn toàn trông chờ vào “lộc dân”: mỗi lần đi xác minh trong các vụ án dân sự, Đoàn đều con cà con kê gợi ý đương sự rằng có muốn ghi những chi tiết có lợi vào hồ sơ không, có muốn được xử thắng không,v.v. Nhiều đương sự tưởng thật, bỏ tiền để nhờ Đoàn giúp đỡ. Nhờ những khoản như vậy mà Đoàn sống “dặt dẹo” được tới mấy năm để chờ thời cơ, nhưng càng chờ càng thất vọng.
Đã hai lần tòa án tổ chức thi tuyển người rồi nhưng Đoàn đều “giẫm vỏ chuối” mặc dù trước khi thi đã đi “ngoại giao” khắp các sếp và nhận được rất nhiều lời hứa hẹn. Khổ lắm, mỗi lần thi tuyển đều có một đống con ông nọ, cháu bà kia đã xếp hồ sơ từ bao giờ. Ở toà án này cũng đầy đứa đang làm không công như Đoàn mà mối quan hệ của nó với sếp “mật thiết” hơn Đoàn nhiều.
Đoàn kể có lần sắp thi tuyển, đến nhà sếp, mấy thằng chạm mặt nhau sái ơi là sái. Tôi hỏi Đoàn sao không ra ngoài kiếm việc khác mà làm, định chờ đợi đến bao giờ. Đoàn bảo bỏ thì tiếc mấy năm không công, lại đã trót mất kha khá tiền quan hệ rồi. Hơn nữa, tấm bằng cử nhân Luật sau vài năm đã trở thành “đồ cũ”, ra ngoài cũng có dễ xin việc đâu.
Cũng đang trong cảnh sống hoàn toàn trông chờ vào “lộc dân” là Long – một bác sĩ ra trường đã ba năm nay. Bố Long chỉ là một y tá quèn ở bệnh viện, vì thế, hiển nhiên cậu không thể nào xin nổi việc để trụ lại thành phố. Long cứ “bám dính” ở khoa của bố, thân phận bác sĩ nhưng làm tất tật mọi việc chăm sóc bệnh nhân: tiêm chọc, thay băng, đẩy băng-ca, cấp phát thuốc, nhận trông đêm thay người nhà bệnh nhân, thậm chí cả thay quần áo, rửa ráy cho họ…
Thu nhập trông cả vào “tấm lòng hảo tâm” của bệnh nhân. Long bảo: bệnh nhân vào đây có người giàu, người nghèo, đương nhiên người nghèo thì phớt lờ ngay mà phải sấn đến những bệnh nhân giàu, đề nghị thẳng với họ về dịch vụ chăm sóc. Thường người ta đồng ý ngay vì người giàu quý sức khoẻ của mình lắm, con cháu họ lại chẳng có thời gian để chăm người bệnh.
Long còn nhận công việc chăm sóc sức khỏe tại nhà cho một số bệnh nhân. Chịu khó nhặt nhạnh cũng đủ đóng tiền cơm cho mẹ. Trong bệnh viện của Long, thành phần “mõ” tới cả chục tên đến kiếm sống, có người kiêm luôn “cò” bệnh viện.
Một người đáng được lĩnh bằng… tiến sĩ tâm lý học là anh chàng Việt, cậu vừa thoát khỏi thân phận “mõ” sau hai năm rưỡi. Việt học một trường đại học dân lập. Ý thức được rằng cái bằng dân lập của mình các công sở nhà nước loại ngay từ khi nộp hồ sơ, bởi vậy khi đi thực tập tốt nghiệp, những anh chàng khác đến lớt phớt, tuần 2-3 buổi thì Việt đi đủ cả tuần, ngày nào cũng đến rất sớm làm hết các công việc tạp vụ.
Ngoài việc cúc cung tận tụy khi được sai bảo, Việt còn rất biết tạo mối thiện cảm với những người trong phòng bằng cách thường xuyên mời họ đi uống cà phê, bia bọt. Việt còn dò được ngày sinh nhật của tất cả mọi người trong phòng và sếp nhất cơ quan, đến ngày đó cậu lại mua một bó hoa và gói quà tặng khiến ai cũng cảm động. Đến khi tốt nghiệp, Việt vẫn không rời cơ quan đó, vẫn hằng ngày đi sớm về muộn. Mọi người trong phòng thương cậu, bèn đề nghị giám đốc nhận thêm người cho phòng. Ông giám đốc thấy cậu ngoan ngoãn, tận tụy và “biết sống” nên khi có dịp tuyển người đã đồng ý cho thi tuyển vào cơ quan. Nhờ sự kiên trì và khéo léo đó nên sau hai năm rưỡi ra trường, Việt đã thoát cảnh thất nghiệp.
Cái cảnh đi làm “mõ công sở” này, khổ nhất là những cô gái trẻ có chút nhan sắc rơi vào một chỗ mà ông sếp có máu dê. Nhiều sếp còn mặc cả thẳng rằng “chiều” họ thì sẽ được nhận vào cơ quan. H tốt nghiệp loại khá Đại học Quốc gia hẳn hoi, vậy mà gần hai năm trời H làm không công ở một viện nghiên cứu.
Ngay từ khi mới đến làm, H đã hoảng lắm vì ông sếp tuổi đã suýt lục tuần nhưng rất “trai lơ”. Ông rất hay gọi cô lên phòng đưa tài liệu cho đi đánh máy, phô-tô hoặc ra bưu điện gửi thư từ, bưu phẩm. Mỗi lần như thế ông lại có vài hành động sỗ sàng.
Nhưng càng nhịn ông sếp càng lấn tới, H để giữ thân mình đành bỏ của chạy lấy người. Bây giờ H cùng mấy đứa bạn thuê địa điểm, vay tiền bố mẹ mở một quán cà phê-internet nho nhỏ, mỗi tháng kiếm vài triệu.
Nhớ lại “thời đen tối”, H bảo: “Bây giờ em mới thấy hồi đó sao mình dại thế. Đi làm không công để trông vào một tương lai mù mịt, lại chịu bao điều tiêu cực khiến mình mất cả niềm tin vào cuộc đời. Kiếm tiền, lập nghiệp thì thiếu gì cách, bây giờ em làm thế này khoẻ re”.
Theo VnMedia