Từ trăn trở “Tại sao MISA không thể đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài?” đến hành trình vươn ra thế giới

Đây chính là câu hỏi trở thành nguồn động lực khiến MISA quyết tâm chinh phục thị trường quốc tế từ 4 năm trước. Với chiến lược thâm nhập thị trường thế giới, MISA định hướng sẽ là công ty công nghệ Việt Nam cung cấp giải pháp số tới khách hàng toàn cầu.

Sáng ngày 23/2, tại Hà Nội, hội nghị “Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới” do Bộ Thông tin & truyền thông (TT&TT) tổ chức chính thức khai mạc. Tại Hội nghị, với vị thế là doanh nghiệp công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam, Ông Lữ Thành Long – Chủ tịch HĐQT MISA đã có những chia sẻ về hành trình đưa sản phẩm Make in Vietnam vươn ra thế giới.

Trong phần trao đổi, thảo luận, ông Lữ Thành Long chia sẻ “Sản phẩm công nghệ lõi ưu việt cùng cơ hội lớn trên thị trường quốc tế, chúng tôi tự đặt câu hỏi “Tại sao MISA không đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài?”. Chính vì vậy, từ việc nhìn ra cơ hội 10 tỷ USD từ thị trường POS cho các nhà hàng trên thế giới, MISA quyết định đưa MISA CukCuk – phần mềm quản lý nhà hàng là sản phẩm chiến lược Go Global đầu tiên. Dựa trên đặc thù nhà hàng cần hỗ trợ tại bản địa 24/7, MISA quyết định việc sẽ hợp tác với các kênh phân phối nhằm đưa giải pháp MISA CukCuk đến các nhà hàng trên thế giới.

Hành trình “mở cõi” để khai thác tiềm năng thị trường quốc tế nghìn tỷ USD bắt đầu gặp những khó khăn. Khó khăn đầu tiên là tìm kiếm được đúng kênh phân phối sản phẩm. Khó khăn thứ hai chính là việc đối mặt với những đối thủ cạnh tranh rất nặng ký trên thế giới, đặc biệt là các start-up công nghệ. Việc phải nhanh chóng kết nối với đối tác từng vùng, từng khu vực là khó khăn thứ ba. Với gần 5 năm vừa mở rộng cơ hội, vừa khắc phục khó khăn trên thị trường mới, hiện tại MISA CukCuk đã có mặt tại 20 quốc gia trên thế giới và đạt doanh số gần 1 triệu USD. MISA đặt mục tiêu sẽ phủ rộng sản phẩm MISA CukCuk tại các quốc gia trên thế giới với doanh số 50 triệu USD trong vòng 3-5 năm tới.

“Sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh được với các sản phẩm công nghệ số trên thế giới” – Đây là lời khẳng định của Chủ tịch HĐQT MISA. Để cùng các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam phát triển trên thế giới, Ông Lữ Thành Long đưa ra hai kiến nghị chính: thứ nhất, đặt kỳ vọng Bộ TT&TT, các doanh nghiệp tiên phong “mở cõi” đồng hành cùng MISA tìm được đến các nhà phân phối ở các quốc gia một cách nhanh nhất; thứ hai, MISA mong muốn các doanh nghiệp Go Global đi cùng nhau để phát triển để không làm chậm tiến trình tiến ra nước ngoài.

“Sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh được với các sản phẩm công nghệ số trên thế giới” – Chủ tịch HĐQT MISA khẳng định

Đồng tình với kiến nghị của MISA, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định rằng “đi cùng nhau” là một trong những cách đi mà Bộ định hướng cho các doanh nghiệp công nghệ. Bí quyết và chiến lược chinh phục thị trường của các doanh nghiệp tiên phong là những bài học quý, mở hướng cho các doanh nghiệp công nghệ trong nước tự tin bước ra quốc tế.  Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định đi ra nước ngoài là nhiệm vụ đầy khó khăn nhưng đầy vinh quang, đây là sứ mệnh của các doanh nghiệp để đưa Việt Nam “hóa rồng hóa hổ”, trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chúc các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam chinh phục thế giới thành công bằng cách Việt Nam và đi con đường Việt Nam.
Ông Lữ Thành Long – Chủ tịch HĐQT MISA (đứng thứ 8, hàng đầu tiên, từ phải sang) và các chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam chụp ảnh lưu niệm cùng Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng (đứng thứ 7, hàng đầu tiên, từ phải sang)

Cũng trong khuôn khổ hội nghị, Bộ TT&TT đã công bố thành lập và ra mắt “Tổ tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số đi ra nước ngoài”, nhằm phối hợp các cơ quan liên quan triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đi ra nước ngoài và phát triển hoạt động kinh doanh tại nước ngoài. Đây sẽ là cơ hội lớn, mở đường cho các doanh nghiệp công nghệ số như MISA vững vàng đi ra thế giới.