Với tỷ lệ người sẵn sàng dùng thử sản phẩm cao (47%) thì các kế hoạch kích hoạt thương hiệu tại rạp chiếu phim khá quan trọng với các nhãn hiệu.
Quảng cáo tại rạp chiếu phim làm tăng mức độ nhận biết thương hiệu đến người tiêu dùng, đặc biệt là nhóm người tiêu dùng trẻ. Mặt khác, với tỷ lệ người sẵn sàng dùng thử sản phẩm cao (47%) thì các kế hoạch kích hoạt thương hiệu tại rạp chiếu phim khá quan trọng với các nhãn hiệu.
Nước uống là số một
Khi đề cập đến quảng cáo tại rạp chiếu phim, các nhãn hiệu thuộc ngành hàng thức uống được người tiêu dùng ấn tượng và nhớ đến nhiều nhất.
Trong đó, có thể kể đến là quảng cáo của Pepsi với 36% người nhận biết không gợi ý, Coca-Cola 31%, Heineken 17%, Trà xanh Không độ 17%. Hầu hết những nhãn hiệu này đều đạt quảng cáo đồng loạt trên các cụm rạp chiếu, vị trí quảng cáo nổi bật tại khu vực dịch vụ và quầy tính tiền.
Đặc biệt phải kể đến Heineken khi đầu tư xây dựng tại sảnh chờ các quầy dịch vụ giải khát bia Heineken trong phòng máy lạnh (rạp Galaxy, MegaStar) để người xem thưởng thức những ly bia mát lạnh trong lúc xem đoạn giới thiệu các phim mới trên các màn hình TV lớn.
Với hệ thống rạp phong phú cùng với việc đầu tư quảng cáo nhiều và mạnh của các nhãn hàng, người tiêu dùng TP.HCM nhận biết các nhãn hiệu có quảng cáo tại rạp chiếu phim cao hơn so với 2 khu vực còn lại.
Tăng độ hấp dẫn
58% người tiêu dùng cho rằng, quảng cáo tại rạp phim mang lại lợi ích cho họ trong việc cập nhật thông tin về sản phẩm/dịch vụ mới. Đặc biệt với màn hình và công nghệ âm thanh sống động, 53% nói rằng những quảng cáo trong phòng chiếu giúp sản phẩm/dịch vụ có sức hấp dẫn hơn.
47% nói rằng quảng cáo tại rạp chiếu kích thích họ dùng thử các sản phẩm, dịch vụ, nhãn hiệu mới (tại rạp). Đây một phần cũng do tâm lý vui và thoải mái khi đi xem phim nên người tiêu dùng sẽ dễ tính hơn và dễ thuyết phục hơn.
Việc quảng cáo tại rạp góp phần làm tăng mức độ nhận biết thương hiệu. Tuy nhiên, đó chỉ là một vài xúc tác tại rạp: không khí, âm nhạc, tâm trạng vui vẻ, thoải mái…
Xúc tác này không tạo cảm giác kéo dài, nên quảng cáo tại rạp chiếu phim chưa đủ sức để kích thích/thuyết phục người tiêu dùng chuyển sang mua dùng thử sản phẩm. Thậm chí, 48% nói xem quảng cáo như một hình thức bắt buộc trong khi chờ đợi đến giờ chiếu.
Theo Nhuongquyenvietnam