“Thị trường Mỹ quá lớn, chỉ sợ ta không kham nổi!”, ông Nguyễn Duy Khiên, người từng giữ chức Tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ và hiện là Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Mỹ, Bộ Công Thương, đã chia sẻ như vậy tại cuộc hội thảo do Bộ Công Thương tổ chức.
Lớn và đa dạng
Theo ông Khiên, ngoài dân số đông thứ ba thế giới với thu nhập bình quân đầu người rất cao (năm 2010 khoảng 47.400 đô la Mỹ), điều khiến cho Mỹ trở thành thị trường tiêu thụ khổng lồ là thói quen tiêu xài và nợ của người dân ở nước này. Người Mỹ sẵn sàng mua chịu và trả nợ dần từ những thứ đắt tiền đến quần áo, giày dép… Mặc dù sau cuộc khủng hoảng tài chính cuối 2007, người Mỹ đã giảm bớt tiêu xài và tỷ lệ tiết kiệm cá nhân có tăng lên nhưng mức độ không đáng kể.
Trong khi đó, cơ cấu nền kinh tế Mỹ đã và đang có những thay đổi sâu sắc theo hướng công nghiệp trong nước chủ yếu chỉ sản xuất những sản phẩm công nghệ siêu cao và tập trung cho R&D (nghiên cứu và phát triển sản phẩm); phần còn lại bỏ hoặc chuyển cho nước ngoài làm. “Thậm chí, những sản phẩm được xem là công nghệ cao như máy tính xách tay hiện nay họ cũng không còn sản xuất nữa”- ông Khiên cho hay.
Với đặc điểm cơ cấu kinh tế nói trên, để thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng hàng năm Mỹ phải nhập khẩu một lượng hàng hóa cực lớn. Do ảnh hưởng của khủng hoảng, kim ngạch nhập khẩu sáu tháng đầu năm 2009 có giảm nhưng nhờ sáu quí tăng trưởng liên tục nên nhập khẩu đã tăng trở lại sau đó. Tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ vào năm 2010 đạt 2.329,6 tỉ đô la, tăng 19,48% so với 2009. Trong đó, những mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn là máy móc thiết bị điện tử: 256 tỉ đô la Mỹ, quần áo: 100 tỉ đô la, đồ gỗ nội thất: gần 38 tỉ đô la, nhựa: 35 tỉ đô la, cao su và các sản phẩm từ cao su: 21 tỉ đô la…
Một đặc điểm nữa là ở Mỹ chênh lệch thu nhập giữa các tầng lớp dân cư rất lớn và tình trạng này ngày càng có xu hướng gia tăng. Theo ông Khiên, sự chênh lệch thu nhập này tạo ra một thị trường tiêu thụ với phân khúc hết sức đa dạng. Thị trường vừa cần loại hàng hóa đắt tiền cho người giàu và vừa cần cả những loại hàng hóa rẻ tiền cho người nghèo. “Nằm trong số các nước có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới nhưng Mỹ vẫn có rất nhiều cửa hàng “một đô la”, ông Khiên cho biết.
Từ chuyện cung ứng
Với sức tiêu thụ khổng lồ và sự đa dạng của mình, thị trường Mỹ luôn là đích nhắm hấp dẫn đối với các công ty trên thế giới và cả doanh nghiệp Việt Nam. Năm 2010, nước này trở thành nhà nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 14,784 tỉ đô la Mỹ. Tuy nhiên, theo ông Khiên, nhiều năm qua xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này không có sự đột biến đáng kể, vẫn chủ yếu tập trung ở một số nhóm mặt hàng truyền thống như dệt may, đồ gồ nội thất, giày dép… Trong khi đó, nhiều mặt hàng có tiềm năng nhưng vẫn chưa xâm nhập được hoặc xuất khẩu chỉ chiếm tỷ trọng rất thấp trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ như phụ tùng ô tô, xe máy (0,16%), mạch điện (0,003%), vật tư y tế, màn hình, máy chiếu (0,001%)…
Một trong những hạn chế của các doanh nghiệp Việt Nam là khả năng cung ứng kém. Ông Khiên kể có lần gặp giám đốc một tập đoàn chế biến thực phẩm của Mỹ, người này khen hạt tiêu Chư Sê rất ngon nhưng lại chưa dám nhập trực tiếp vì sợ các doanh nghiệp Việt Nam “chập chờn”. “Họ sợ không đảm bảo cả về số lượng lẫn chất lượng cũng như thời gian giao hàng”. Ông Khiên cũng cho biết đã từng tiếp nhiều đoàn doanh nghiệp trong nước sang khảo sát thị trường ở Mỹ. Tuy nhiên, “doanh nghiệp ta chỉ đi cho vui thôi vì các doanh nghiệp Mỹ biết hết về ta cả rồi. Cái họ cần là một doanh nghiệp có năng lực cung ứng thật sự”.
Câu chuyện trên càng cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam cần hợp tác, liên kết chặt chẽ và có chiến lược bài bản để tạo khả năng cung ứng tốt hơn nếu muốn xâm nhập vào thị trường Mỹ. Ông Khiên cũng đề nghị nên nghiên cứu và chọn những cách đi riêng cho phù hợp điều kiện của mình thay vì bắt chước. Chẳng hạn như chuyện xây dựng thương hiệu, sẽ là không tưởng nếu ta bỏ tiền ra quảng cáo đến tận người tiêu dùng ở Mỹ theo kiểu “dội bom” vì quá sức tốn kém. “Ở Mỹ, một trang quảng cáo trên báo thôi đã tốn mất 10.000 đô la thì lấy tiền đâu ra?”.
Một ví dụ được ông Khiên dẫn ra là câu chuyện hợp tác giữa An Phước và Pierre Cardin. An Phước có thiết kế riêng, có sản phẩm may mặc tốt nhưng để thị trường biết đến mình nhanh chóng thì phải dựa vào thương hiệu Pierre Cardin đã nổi tiếng trên thế giới. Theo ông Khiên, đây là một cách xây dựng thương hiệu khôn ngoan.
Người phụ trách thị trường châu Mỹ còn lưu ý rằng chớ nên coi thường các hội chợ ở Mỹ, nơi có thể tìm được các đối tác tiêu thụ cho mình. Tuy nhiên, chỉ nên tham gia các hội chợ chuyên ngành, truyền thống và cũng tùy mặt hàng, tùy đối tác. Ví dụ như mặt hàng giày dép, không cần phải tìm đối tác tại hội chợ mà có thể tiếp cận trực tiếp vì những doanh nghiệp lớn của Mỹ đã quá quen thuộc. Hay có những tập đoàn dù trụ sở chính ở Mỹ nhưng có sự phân cấp khu vực thì dù đến Mỹ cũng khó lòng làm việc được với họ. Trong trường hợp này, doanh nghiệp cần đến các hội chợ khu vực như ở Quảng Tây, Singapore… mới có thể tìm được đối tác đích thực.
Lập trang web, việc tưởng nhỏ nhưng theo ông Khiên cũng là chuyện không thể thiếu nếu muốn làm ăn với Mỹ. Vì tìm kiếm thông tin trên Internet luôn là một thói quen của doanh nghiệp Mỹ. Hơn nữa, doanh nghiệp có trang web còn giúp cho Thương vụ Việt Nam tại Mỹ dễ giới thiệu với khách hàng hơn. Ngoài ra, cần hiểu một số yếu tố văn hóa trong kinh doanh của người Mỹ. “Ví dụ, người Mỹ thích nói thẳng, rõ ràng và dễ hiểu. Họ không thích nói vòng vo, xa xôi hoặc ví von. Nói “được” là được, “không được” là không được”- ông Khiên phân tích.
Theo Marketingchienluoc