Những chiến lược kiếm bộn tiền năm 2012

Số chi nhánh của HSG tăng dần qua các năm khiến các doanh nghiệp cùng ngành đều phải giật mình.

Kiếm tiền từ hình ảnh đẹp
Nhìn vào kết quả kinh doanh đầy ấn tượng của Vinamilk, ít ai biết rằng tầm nhìn của công ty này không phải doanh thu cao nhất, thị phần lớn nhất, lợi nhuận khổng lồ nhất mà là “Trở thành biểu tượng niềm tin số một Việt Nam về sản phẩm dinh dưỡng và sức khỏe phục vụ cuộc sống con người”. Năm 2012, khi chất lượng lương thực, thực phẩm được đặt lên hàng đầu và là tiêu chí số 1 để xâm nhập vào các thị trường lớn thì Tầm nhìn trên của Vinamilk (được nêu trong Báo cáo thường niên năm qua) sẽ trở thành tầm nhìn “hái ra tiền” mà nhiều doanh nghiệp Việt chưa làm được.

Xây dựng hệ thống phân phối lan toả tới thị trường ngách
Tầm nhìn dài hạn của Tập đoàn Hoa Sen (HSG) là xây dựng và phát triển chuỗi lợi thế cạnh tranh với quy trình sản xuất khép kín, hệ thống chi nhánh phân phối-bán lẻ đến tận tay người tiêu dùng, thương hiệu hướng đến cộng đồng.
Số chi nhánh của HSG tăng dần qua các năm và đến 31/12/2011, lượng chi nhánh của công ty lên đến 108 chi nhánh, 1 văn phòng đại diện và đầu tư vào 3 công ty con- một con số khiến hàng loạt doanh nghiệp cùng ngành “giật mình”. Nhờ mạng lưới rộng, HSG đã kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm đến tay người tiêu dùng và giúp công ty linh hoạt trong chính sách bán hàng, tạo dòng tiền ổn định, thanh khoản. Ngoài ra, đây cũng là chiến lược khiến công ty đi hết được thị trường ngách.

Tìm vị thế của người Số 1
VinGroup lại có chiến lược khác. Khi sáp nhập Vincom, Vinpearl, tập đoàn này hướng đến mục tiêu trở thành Tập đoàn Bất động sản hàng đầu Việt Nam. Với vị trí hàng đầu, Vingroup không những bao sân cho mình các mảng kinh doanh chính của ngành như Bất động sản thương mại, Bất động sản du lịch, Chuỗi trung tâm làm đẹp, gym&spa; Chuỗi bệnh viện và dịch vụ y tế cao cấp mà còn gia tăng quỹ đất của Tập đoàn, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Dùng chung hệ thống phân phối
Nếu chỉ với 450 tỷ đồng vốn điều lệ, khả năng cạnh tranh của Bảo hiểm bưu điện – PTI chắc chắn sẽ không bằng những doanh nghiệp cùng ngành khác. Tuy nhiên, một thế mạnh ít doanh nghiệp khác có của PTI là cổ đông lớn nắm giữ trên 35% vốn, cổ đông chiến lược, đối tác chiến lược VNPT là lợi thế cạnh tranh của công ty. Nhờ VNPT, PTI tận dụng được hệ thống phân phối bảo hiểm rộng khắp cả nước.
Ngoài trợ lực về hệ thống phân phối, bản thân VNPT cũng là khách hàng của PTI. Bảo hiểm cho Vinasat, cho hệ thống mạng…của VNPT đã giúp PTI có nguồn doanh thu phí bảo hiểm khá ổn định hàng năm.
Cùng với việc bán phát hành 45 triệu cổ phần phổ thông cho VNPost với tổng mệnh giá 450 tỷ đồng, tương đương khoản tiền mặt VNPost góp vốn vào Ngân hàng hồi đầu năm 2012, Ngân hàng Liên Việt đã đổi tên thành Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostbank). Vụ “se duyên” này chưa đầy nửa nghìn tỷ nhưng được các chuyên gia đánh giá đáng nhiều nghìn tỷ nhờ tận dụng được hệ thống phân phối, dịch vụ của đối tác.

Chọn mạnh thường quân
SHC có “mạnh thường quân” mới là Chủ tịch tập đoàn Sunhouse. Vietcombank bán cổ phần cho Mizuho. Sacombank có cổ đông lớn Eximbank mới. Cadovimex đang hoàn tất hồ sơ phát hành 12 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược. Vinacafe Biên Hòa có Masan Consumer làm điểm tựa. Thương vụ hợp tác Haverstock Master fund chưa có hồi kết nhưng nếu đạt được thỏa thuận, THV có một mạnh thường quân ngoại lớn…
Chưa bao giờ xu hướng bán cho đối tác chiến lược diễn ra mạnh mẽ như năm 2011 và chắc chắn sẽ còn bùng nổ trong năm 2012. Chọn đối tác chiến lược để gia tăng nguồn lực cạnh tranh, tăng cường hệ thống quản trị là chiến lược đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh kinh tế vĩ mô còn ảm đạm.

Theo T.Hương