Nhà thiết kế thời trang Thúy Nga.Trong xã hội hiện đại, khi nhu cầu và trình độ văn hóa, thẩm mỹ ngày càng cao thì Chuyện mặc không những được người ta chăm chút nhiều hơn mà nhiều người còn muốn có phong cách (style) riêng, nhất là với những người thường xuyên có các cuộc giao tiếp quốc tế.
Để đáp ứng nhu cầu đó của xã hội, giới thiết kế thời trang cũng phải liên tục “vận động”. Doanh Nhân Sài Gòn Cuối tháng đã có cuộc trò chuyện với nhà thiết kế Thúy Nga – chủ thương hiệu thời trang cao cấp Thúy Nga Design – về đề tài này.
* Nhiều người nói thiết kế thời trang là nghề “ngồi mát ăn bát vàng”. Bà có nghĩ thế không?
– Con đường đến thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng. Thiết kế thời trang cũng vậy, đó là một công việc hấp dẫn nhưng không hề dễ dàng.
Công việc thiết kế luôn đòi hỏi sự cần cù, sáng tạo, và đặc biệt là cần một niềm đam mê vô vờ bến.
Chưa kể, như tất cả các ngành nghề khác, sự cạnh tranh trong nghề này cũng khá gay gắt. Có thể nói, đây là nghề dễ thành công nhưng cũng không ít chông gai.
* Nói đến thời trang cao cấp, người ta nghĩ ngay đến các thương hiệu nổi tiếng của thế giới. Lựa chọn phân khúc này, bà có gặp khó khăn không?
– Hướng đi của tôi thực sự rất khó! Nhưng có những lúc phải chấp nhận đi theo hướng khó. Khó khăn đầu tiên là điểm xuất phát của các thương hiệu thời trang thế giới khác xa so với Việt Nam.
Ngành thời trang Việt Nam chưa có quy trình đào tạo chuyên nghiệp. Thời trang Việt như hiện nay mọi người thấy mới là sự thể hiện của từng cá nhân, doanh nghiệp, chứ chưa phải “tiếng nói” của một lĩnh vực ngành nghề.
Theo tôi, nghề thiết kế không chỉ đòi hỏi những kiến thức qua đào tạo trong trường lớp, mà còn đòi hỏi bạn phải học thêm nhiều trong thực tế, mới mong trở thành một nhà thiết kế với những mẫu sáng tạo có giá trị thực tiễn.
Thiết kế thời trang là một quá trình lao động, sáng tạo không ngừng nghỉ. Tôi bước vào nghề này khi mới 13 tuổi, tôi phải mất nhiều năm mới có thể đưa Thúy Nga thành một thương hiệu cao cấp. Nhưng đến nay, Thúy Nga cũng chỉ chiếm một phần rất nhỏ của thị trường trong nước.
* Nói vậy, để thời trang cao cấp Việt Nam sánh ngang với các thương hiệu thế giới là không thể?
Không hẳn thế! Theo tôi, người Việt Nam có thể làm được. Nhãn hiệu Polo của Ralph Lauren lần đầu tiên xuất hiện trong một bộ sưu tập cà vạt nhỏ bán cho Bloomingdales.Còn Helmut Lang thì quyết định mở một cửa hàng thời trang khi không tìm được một chiếc áo sơ mi ưng ý. Michael Kors thiết lập một mạng lưới khách hàng qua việc bán quần áo trong một cửa hàng thời trang ở New York City.
Nhắc những điều ấy để thấy rằng, để có được thành công, các thương hiệu quốc tế cũng phải có điểm bắt đầu, và có trải qua thất bại. Như
vậy, các thương hiệu cao cấp của Việt Nam một ngày nào đó cũng sẽ làm nên tên tuổi của mình, cũng như lấy được niềm tin của người tiêu dùng trong nước.
Muốn vậy, trước hết doanh nghiệp cần có máy móc, công nghệ tiên tiến, quan trọng nhất vẫn là đội ngũ thiết kế thời trang có thể theo kịp xu hướng thời trang thế giới.
* Sự giàu có và nổi tiếng có thể coi là sức hấp dẫn số một của nghề này. Có phải vì thế mà bà đã đeo đuổi nó hơn nửa đời?
– Tôi thừa nhận điều này. Nếu bạn là nhà thiết kế, trên sân khấu lớn, dưới ánh đèn rực rỡ, bên cạnh những người mẫu xinh đẹp khoác trên mình những bộ trang phục lộng lẫy, bạn xuất hiện, cúi chào khán giả trong những tràng pháo tay tán thưởng dành cho bộ sưu tập
mà bạn mang tới, thật vui sướng!
Bạn cũng có thể nhìn thấy những mẫu thiết kế của mình được mọi người sử dụng ở khắp nơi, được lên những trang tạp chí sang trọng. Các diễn viên, ca sĩ nổi tiếng đặt bạn may trang phục để đi dự các liên hoan lớn.
Tên tuổi cùng với thương hiệu của bạn sẽ được nhiều người biết đến, chưa kể đến những lợi nhuận về tài chính mà công việc có thể mang lại. Hơn thế, bạn còn được tự do sáng tạo bằng cảm hứng cá nhân. Đó là một niềm vui lớn, vì không phải nghề nào cũng cho bạn sự tự do này.
Chính vì vậy, những sản phẩm mà tôi tạo ra thực sự là một tác phẩm nghệ thuật mang đậm tính cá nhân. Tôi say mê nghề vì điều đó hơn là vì sự mến mộ của ai đó.
* 20 năm trong nghề thiết kế thời trang, bà đã thỏa mãn với những gì mình đang có chưa?
– Thiết kế thời trang được xem như một môn nghệ thuật ứng dụng đòi hỏi nhà thiết kế phải có tài năng và óc sáng tạo. Nghề này không đơn thuần là sáng tạo về kiểu dáng trang phục, mà còn bao gồm các phụ kiện sao cho phù hợp với văn hóa, xã hội và thời đại. Do vậy, dù
đã có những thành công nhất định, nhưng tôi còn muốn phát triển nhiều hơn nữa trong nghề.Bởi khái niệm về nghề thiết kế thời trang được hiểu khá rộng. Người thiết kế có thể là người trực tiếp thiết kế, cũng có thể là người quản lý một đội ngũ thiết kế ở một công ty thời trang, hay là người tự gây dựng một nhãn hiệu riêng.
Tôi đã có thương hiệu riêng, song hoài bão của tôi còn lớn lắm. Mục tiêu của tôi là chất lượng sản phẩm của Thúy Nga tương đương với các thương hiệu quốc tế. Ngoài ra, tôi cũng mong muốn người Việt có thể tạo style cho người Việt. Vì, chỉ những nhà tạo mẫu Việt Nam mới thực sự hiểu con người Việt, làn da của người Việt, văn hóa Việt…
* Bà có nhận xét gì về cách ăn mặc của các doanh nhân?
– Tiếp xúc với nhiều người, đi nhiều quốc gia, vùnglãnh thổ trên thế giới để tìm hiểu, giao lưu, tôi nhận thấy một điều là doanh nhân các nước rất tự tin với vẻ bề ngoài của mình.
Doanh nhân Việt Nam hiện nay cũng bắt nhịp xu hướng thời trang thế giới rất nhanh, đa phần sản phẩm họ sử dụng là của các thương hiệu thời trang quốc tế. Tuy nhiên, không nhiều người biết rằng, các thương hiệu lớn đều có nhiều dòng sản phẩm dành cho nhiều đối tượng.
Vì vậy, có những “bộ cánh” của thương hiệu nổi tiếng thế giới, trị giá đến vài trăm triệu đồng, nhưng lại là style cũ. Có một điều tôi cho rằng các nữ doanh nhân cần đặc biệt quan tâm, đó là trang phục để lộ body là điều tối kỵ trong những buổi gặp mặt, đàm phán ở nước ngoài.
* Ý bà là…?
– Điều tôi muốn nói là người mua sản phẩm nên biết họ mua sản phẩm dùng trong dịp gì, đồng thời phải biết phối các phụ kiện với nhau. Quan niệm sản phẩm đắt tiền sẽ tăng giá trị cá nhân có thể khiến người mặc trở nên lố bịch trước mọi người.Như vậy, điều đầu tiên khi mua sản phẩm là người mua phải hiểu được công năng mà nhà sản xuất muốn nói. Người mua cũng cần biết nguyên liệu làm nên sản phẩm đó là gì, xuất xứ như thế nào… Nói chung, người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ trước khi mua một sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm đắt tiền.
* Nói như bà thì vẻ ngoài rất quan trọng?
– Trong giao dịch nội địa, có thể bạn chưa thấy tầm quan trọng của điều này. Nhưng khi làm ăn với người nước ngoài, chuyện ăn mặc sẽ ảnh hưởng lớn đến kết quả công việc.
Tự tin là một phẩm chất quan trọng trong kinh doanh. Khi một doanh nhân tự tin, đối tác nước ngoài ngay lập tức tin tưởng vào doanh nghiệp của người ấy. Mà, trang phục góp phần quan trọng làm nên sự tự tin của mỗi cá nhân.
* Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!
Theo Marketingchienluoc