Công sở nhà nước khác gì với công sở của các doanh nghiệp? Thử khám phá những điều khác biệt giữa hai môi trường này.
“Nghe chuyện gì chưa? Tối hôm qua anh T và nhỏ D văn thư đi chơi riêng” – “Ờ, thì sao?” – “Trời, con nhỏ đó lăng nhăng lắm, mọi người thấy nó đi với nhiều thằng rồi, mà nhỏ đó chắc cũng khéo đào mỏ hay sao á, đi làm lương nhà nước có bao nhiêu đâu, vậy mà nó chưng diện thấy sợ luôn”
Những câu chuyện tương tự như thế này là chuyện hàng ngày tôi được nghe. Và bây giờ nó đã trở nên quá quen thuộc, đến độ không cần nghe rõ thì cũng biết chủ đề mà mọi người đang bàn tán chắc lại liên quan đến ai đó, và ngoài công việc, tất nhiên!
Nếu như ở các thành phố lớn, với nhịp sống công nghiệp, trong các công ty, mọi người có khi làm việc chung với nhau cả năm chưa biết đầy đủ họ tên của nhau, thì trái lại, trong công sở nhà nước, các mối quan hệ rất gần gũi. Đây là một điều tích cực, vì mọi người sống khá tình cảm và hiểu rõ về nhau, về gia đình, các mối quan hệ của nhau, nhưng cũng là điều tiêu cực khi mà thời gian thì dư dả, mà chuyện thì nói mãi cũng hết, thế là mọi thứ, mọi người đều có thể bị lôi ra làm chủ đề để bàn tán.
Để “được” mọi người lấy làm chủ đề bàn tán rất đơn giản thôi. Bạn chỉ cần làm một vài trong vô số điều “không giống lắm với mọi người”. Chẳng hạn:
1. Ăn mặc đẹp hơn mọi người khi đi làm: chẳng may bạn có điều kiện hơn để ăn mặc đẹp, thì tốt nhất nên dành vào những dịp khác. Còn đi làm, nên chọn những bộ “quần chúng” nhất, nếu không muốn đi đến đâu các ánh mắt dõi theo đến đó. Còn nếu vẫn tự tin mặc chúng, thì có lẽ bạn nên tập đối đầu với các thông tin bí mật được hé lộ một cách tế nhị cho bạn biết là gia đình bạn có điều kiện, bạn trai của bạn là con ông cháu cha, kiếm tiền như nước,.. chẳng hạn.
2. Làm việc hiệu quả hơn mọi người: Với tính cách nhanh nhẹn hoặc đã quen làm việc trong môi trường nhiều áp lực, hẳn bạn sẽ cảm thấy buồn chán khi đi làm mà không có việc gì để làm, và bạn cứ cắm đầu cắm cổ làm. Nếu như bạn làm cho một công ty tư nhân, hẳn bạn sẽ được sếp khen ngợi, đồng nghiệp đánh giá cao thì ngược lại, trong công sở nhà nước, bạn bị cho rằng đang muốn vượt mặt mọi người để chứng tỏ bản thân.
3. Tiêu xài thoải mái hơn những đồng nghiệp: Dù bạn có giỏi kiếm tiền thêm ở bên ngoài, thì hãy tiêu xài một cách chừng mực, không nên tỏ ra mình có thu nhập cao hơn những người còn lại, ví dụ như mua sắm những vật dụng đắt tiền như laptop, điện thoại thì cũng nên đánh tiếng là của anh/em hay ba mẹ để tránh sự dòm ngó.
4. Nói chuyện thân mật với một anh đồng nghiệp đã có vợ: thì lập tức, ngay ngày mai, nếu bạn có nghe tin đồn anh ấy để ý bạn hay tối hôm qua hai người đi chơi riêng với nhau, thậm chí có người còn độc miệng bảo anh ta sắp bỏ vợ để theo đuổi bạn thì cũng không nên quá ngạc nhiên, và chắc cũng không cần giải thích nhiều thêm nữa, vì bạn không thể gặp tất cả mọi người để giải thích.
5. Làm một hành động gì đó nổi bật hơn, chẳng hạn như bạn mặc một bộ đồ hơi sexy khi đi dự đám cưới đồng nghiệp, hoặc đơn giản là bạn dám tự tin lên hát một bài trong buổi đám cưới đó, thì có thể sau đó bạn sẽ được các chị em đề cử hát trong chương trình văn nghệ của cơ quan vì “em còn tự tin hát trong đám cưới cơ mà”.
Trong môi trường công sở nhà nước, có đôi khi bạn không được là chính bản thân mình. Vậy thì mọi người sẽ bảo rằng, tại sao phải làm trong nhà nước, trong khi làm cho tư nhân cũng có nhiều cơ hội phát triển và còn được thể hiện bản thân, chứng tỏ năng lực của mình. Làm ở đâu là do lựa chọn của từng người và nhiều yếu tố khác, nhưng nếu lựa chọn làm việc trong môi trường nhà nước, bạn nên lưu ý một số điều:
– Hòa đồng với tất cả mọi người: không như làm trong các công ty hiện đại, đến là làm, hết giờ là về, bạn không cần phải thân thiết với ai và nghe ai nói gì về mình, thì ở đây, nếu bạn sống như vậy sẽ bị mọi người cô lập.
– Không tham gia vào các câu chuyện bàn tán của đồng nghiệp: Khi tham gia vào các câu chuyện này, dù cho bạn không có ác ý gì, nhưng chỉ cần bạn nói hớ ra một câu có liên quan thì có thể nhân vật được bạn nhắc đến sẽ nghe được thông tin đó theo một cách với nội dung mà bạn không mong muốn. Vì vậy, mặc cho họ tụ tập, nếu không có việc liên quan thì tốt nhất bạn không tham gia.
– Hãy chỉ nói những chuyện vô thưởng vô phạt ngoài công việc: ngoài trao đổi công việc, bạn hãy lấy chủ đề thời trang, giải trí, nữ công gia chánh (với nữ) hoặc thể thao (với nam), đừng bàn luận về cơ chế, chính sách của cơ quan hay cách làm việc của sếp, vì bạn không biết được những lời bạn nói sẽ được tam sao thất bản ra như thế nào.
Một vài nét khác biệt sâu sắc giữa môi trường làm việc nhà nước và doanh nghiệp để các bạn tham khảo và có thêm nhiều cơ sở cho những sự lựa chọn của mình.
Theo Autumn Birthday/Motibee