Sức hút của nghề diễn giả

Dường như một tia hi vọng lóe lên, một cánh cửa mở ra khi nghề diễn giả bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam. Ngay lập tức, nó có sức hút lớn đến mức rất nhiều bạn trẻ cảm thấy đây chính là mơ ước, là cùng đích của đời mình, cứ như thể không có gì khác đủ sức làm họ khát khao cuồng cháy đến như vậy. Không ít bạn trẻ lầm tưởng, để trở thành diễn giả thì chỉ cần chút khả năng ăn nói là được nên ảo tưởng rằng đây chính là điều mà bấy lâu họ khát khao kiếm tìm. Thật sự họ tìm gì?



Khi không sẵn có một chất giọng tốt, bạn không thể trở thành ca sĩ được. Khi diễn xuất tồi, bạn cũng chẳng có cơ hội để tham gia vào những vai diễn chuyên nghiệp. Không có một vóc dáng theo chuẩn, cách nào để bạn trở thành người mẫu… Đó là chưa nói đến việc ngoài những tố chất trời cho đó, chúng ta còn phải biết ra sức rèn luyện đến “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” mới mong trở thành một người chuyên nghiệp trong lĩnh vực mình có năng khiếu và theo đuổi. Như thế, con đường đến với công chúng và tỏa sáng dường như đóng chặt trước mặt rất nhiều người dù không ít người trong chúng ta khao khát.

Nếu những nghề tôi vừa nêu trên không phải là nghề xuất hiện trước công chúng thì chẳng có gì đáng bàn. Bởi không làm ca sĩ thì bạn có thể làm bác sĩ hay kỹ sư, không làm người mẫu, diễn viên thì bạn có thể làm chuyên gia trong ngành này, nghề kia – tùy vào tài năng của mình. Nhưng có sự khác biệt đáng kể với những nghề xuất hiện trước công chúng và những nghề còn lại: đó là ánh hào quang. 
Chưa có nhiều người hiểu cho thấu đáo, biết cho tường tận đâu là những đòi hỏi của nghề, thậm chí chưa hiểu được nghề diễn giả là làm gì, cách nào để trở thành một diễn giả chuyên nghiệp… Những năng lực, tố chất và đòi hỏi hết sức quan trọng để trở thành một diễn giả thì ít người chú ý, nhưng bị hào quang của nghề này làm cho “hoa mắt” thì nhiều, để rồi có nhiều bạn trẻ bước theo nghề này với những hiểu biết còn rất non nớt và lối nghĩ còn nhiều hạn chế. Bởi một sự thật: họ đi theo nghề vì bị mê hoặc bởi sức hấp dẫn của hào quang sân khấu, chứ không phải vì một “ơn gọi” tận sâu bên trong mình!
Hào quang của diễn giả
Là người nói trước công chúng, thuyết phục công chúng, sử dụng ngôn từ sắc bén tác động lên công chúng, thể hiện uy lực trước số đông… thì hào quang còn kinh khủng hơn gấp nhiều lần tất cả những nghề đứng trên sân khấu khác. Từ xa xưa, những người có khả năng hùng biện đều được hầu hết mọi người nể trọng và họ được xem là những người có tài năng lãnh đạo. Đã vậy, nghề diễn thuyết được tôn vinh hơn nữa bởi diễn giả còn được xem như một người thầy – vốn là một nghề rất được trọng vọng và đề cao trong xã hội Việt Nam. Khi đứng trên sân khấu diễn thuyết, được hàng trăm hàng nghìn người dõi theo, nếu không khéo léo, người ta rất dễ thể hiện cái tôi của mình một cách mạnh mẽ. 
Tuy nhiên, một diễn giả xuất sắc phải bước qua được hào quang của sự ngưỡng mộ từ công chúng. Diễn giả xuất chúng phải tìm thấy được niềm vui đích thực trong công việc của mình, tìm thấy ý nghĩa trong những bài diễn thuyết và hào hứng khi đóng vai người chia sẻ, hướng dẫn hoặc tác động tích cực đến người nghe. Và diễn giả phải biết rằng, hào quang mà anh ta có được chẳng qua là do đặc thù nghề nghiệp, thế thôi. Cái mà anh ta thật sự sống và vươn đến phải là những giá trị đích thực của một người mang lấy sứ mạng nâng đỡ tinh thần, truyền cảm hứng và giúp người khác thay đổi để sống một cuộc đời thành tựu và hạnh phúc hơn.
Diễn giả làm gì?
Từ lâu nay, dù bạn là ai, làm bất cứ nghề nghiệp gì, hễ cứ đứng lên nói chuyện trước đám đông thì được gọi là người trình bày, báo cáo viên hoặc thuyết trình viên. Nhưng nếu một người chuyên kiếm sống bằng việc đi nói, đi diễn thuyết hay trình bày trước đám đông thì được gọi là diễn giả – tức nghề của anh ta là nói và nói nhiều đề tài khác nhau cho những người sẵn sàng trả tiền để nghe. 
Đặc biệt, trong các mảng diễn thuyết có mảng Diễn thuyết Tinh thần hoặc còn gọi là Diễn thuyết Tạo Động lực (motivational speaking), đòi hỏi diễn giả phải có kỹ năng tác động mạnh mẽ lên người nghe nhằm giúp người nghe có nhận thức mới và động lực để thay đổi. Cũng có thể xem diễn giả là một thầy giáo đặc biệt với phương pháp giảng dạy sôi nổi, hào hứng, nhiều cảm xúc và vận dụng các kỹ năng diễn xuất xuất sắc. 
Diễn giả làm được gì?
Chúng ta thường phó mặc kết quả cuộc đời mình vào tay người khác nên có xu hướng đánh giá sự thành công của diễn giả phụ thuộc vào việc người nghe có thay đổi hay không. Một số người sau khi tham dự các chương trình diễn thuyết về, một thời gian sau vẫn không thấy đời mình có chút gì biến chuyển, và họ cảm thấy dường như mình đã ném tiền qua cửa sổ, đôi khi tệ hơn – đó là có cảm giác như mình bị lừa một cách ngọt ngào. Hãy thật sự tỉnh táo để nhìn ra rằng, không có bất cứ chuyện gì xảy ra nếu bản thân mỗi người không hành động. Diễn giả không có trách nhiệm phải sống thay cho cuộc đời của ai được. 
Thử kiểm chứng những người đã từng tham dự chương trình diễn thuyết của Anthony Robbins với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng xem có phải ai nấy cũng đều thay đổi hay không dù ông được xem là diễn giả lên tinh thần số một thế giới. Người diễn giả giỏi là người có trí tuệ sâu sắc đủ để truyền thông những vấn đề phức tạp thành dễ hiểu, có phương pháp hoặc công thức riêng để hướng dẫn người nghe đạt mục đích cuộc đời, có năng lượng và sức tác động mạnh mẽ đưa người nghe đến mức cam kết, khao khát hành động và theo đuổi kế hoạch thay đổi. Nhưng rốt cuộc kết quả thế nào, có chịu nỗ lực và ra tay hành động hay không thì thuộc về trách nhiệm của từng người.
Đòi hỏi gì ở diễn giả?
Là người huấn luyện tinh thần, chia sẻ những nguyên lý và qui luật, hướng dẫn những phương pháp và cách thức, hỗ trợ vận dụng, đặt niềm tin, khơi dậy tiềm năng, truyền cảm hứng và năng lượng… cho người nghe, diễn giả phải là người sâu sắc, từng trải nghiệm, học hỏi không ngừng, thấu đáo về lĩnh vực của mình và hiểu sâu về nghề diễn thuyết. Họ phải là người có kỹ năng trình bày mạch lạc, rõ ràng, dễ hiểu, lôi cuốn; khả năng thuyết phục cao và tạo năng lượng mạnh mẽ. 
Để có những lập luận chặt chẽ, họ phải có tầm hiểu biết tổng quát và nắm vững kiến thức cơ bản ở nhiều lĩnh vực, có thể đó là những kiến thức lịch sử, những nguyên lý triết học, những nguyên tắc lý luận, những dẫn dụ thực tế, những tương đồng trong các lĩnh vực như khoa học, nghệ thuật… Để tạo cảm xúc và lan truyền cảm xúc cho người khác, bản thân họ phải biết nuôi dưỡng cảm xúc của chính mình, đồng thời phải đọc hiểu và thấu cảm được tâm lý và cảm xúc người nghe. 
Diễn giả phải biết tạo uy tín và thương hiệu vì đó là một trong những yếu tố góp phần tăng tính thuyết phục. Họ phải có cho mình những thành quả trong đời, không nhất thiết phải là những thành tựu về vật chất hay tiền bạc, nhưng có thể là một bước ngoặt đổi đời, chinh phục một thử thách, hay chiến thắng một nghịch cảnh nào đó. Họ là người biết mở lòng để học hỏi từ nhiều người thành công khác, và không thể thiếu khả năng tự học, tự đúc kết, và không ngừng phát triển bản thân. 
Tôn trọng chất xám
Là một người biết tự trọng và tôn trọng người khác, diễn giả không bao giờ lấy cái của người khác rồi dán tên mình vào. Có thể nhiều diễn giả cùng nói về một nguyên lý hay quy luật thành công, cùng chọn một đề tài để diễn thuyết, nhưng mỗi diễn giả phải đi tìm phong cách riêng cho mình. Khi sử dụng bất cứ một điều gì của người khác, dù là tư tưởng hay chỉ là một câu nói của họ thì chúng ta cũng phải nêu nguồn trích dẫn rõ ràng. 
Ý thức trong việc xây dựng thương hiệu của mình và tôn trọng công sức xây dựng thương hiệu của người khác là điều mà bất cứ ai theo đuổi nghề này cũng phải xem trọng và thực hiện nghiêm túc. Diễn giả không phải là ốc mượn hồn, ba hoa những điều đao to búa lớn mà thực chất chỉ là những thứ vay mượn của người khác. Hãy tìm cho mình một phong cách cùng những đề tài phù hợp với bản thân, đừng bao giờ làm bản sao của ai cả, vì bản sao bao giờ cũng mờ nhạt.

Theo Hoclamgiau