Khối lượng công việc và trách nhiệm của một người tỷ lệ thuận với vai trò và vị trí của người ấy trong tổ chức.
Không cần phải nói thêm thì ai cũng biết rằng, chẳng khi nào nhà lãnh đạo thiếu việc để làm, thiếu vấn đề để giải quyết, thiếu thông tin để xử lý. Nhưng chỉ cần nhìn vào cách làm việc của nhà lãnh đạo, chúng ta biết đâu là nhà lãnh đạo tài ba và đâu là nhà lãnh đạo tầm thường.
Những nhà lãnh đạo kém hiệu quả luôn làm những việc khẩn cấp trước, vì thế, họ cứ phải chạy theo công việc và luôn rơi vào thế bị động. Những nhà lãnh đạo xuất sắc thì luôn biết đâu là điều quan trọng cần làm; dù cho công việc có nhiều chồng chất đến đâu đi nữa, và việc nào cũng cần họ xử lý hoặc cho ý kiến, thì nhà lãnh đạo hiệu quả luôn nắm giữ quyền quyết định xem việc nào thật sự quan trọng, cần thiết và giúp đạt mục tiêu.
Thế nào là một công việc quan trọng? Chỉ liên quan đến việc đạt mục tiêu thôi thì chưa đủ, công việc quan trọng còn gắn bó mật thiết với sứ mạng của tổ chức, phù hợp với các giá trị cốt lõi, và hướng đến mục đích dài lâu của tổ chức. Vì vậy, xác định đâu là những việc quan trọng cần làm đòi hỏi sự tập trung và sáng suốt của nhà lãnh đạo.
Nhà lạnh đạo giỏi hiểu rằng không thể hoàn thành nhiều công việc quan trọng cùng một lúc nên họ luôn đặt thứ tự ưu tiên cho từng việc. Có những việc sẽ quan trọng hơn khi ngày mai đến, có những việc lại hết sức quan trọng trong ngày hôm nay. Lựa chọn cẩn thận việc ưu tiên để dồn thời gian, năng lượng, trí tuệ của mình đòi hỏi sự khôn ngoan của nhà lãnh đạo. Nhà lãnh đạo giỏi luôn biết tự hỏi mình: “Nếu tôi chỉ có thể hoàn thành một công việc hôm nay thì việc đó là gì?”. Xác định việc gì cần làm hoặc khi nào cần làm chính là nghệ thuật của mọi nhà lãnh đạo.
Theo Hoclamgiau