Khi một người rời bỏ vị trí công việc hiện tại để đầu quân cho một nơi mới, điều đó đồng nghĩa với việc năng lực có vấn đề hoặc người đó muốn tìm một cơ hội tốt hơn.
Ngồi ở công ty A nhưng làm cho công ty B cũng là chảy máu chất xám.
Người tài được hiểu là người có kiến thức sâu, chuyên môn vững vàng và có khả năng tạo ra giá trị cũng như hòa đồng với tập thể.
Các nhà phân tích cho rằng, có nhiều lý do không giữ chân được người tài như: không có cơ hội thăng tiến, mức lương thấp, công việc nhàm chán, nội bộ lục đục, phân phối thu nhập “cào bằng”…
Xu hướng chảy máu chất xám rõ rệt nhất là dòng người từ cơ quan nhà nước xin rời biên chế để tự kinh doanh hoặc đầu quân cho những nơi có thu nhập tốt hơn.
Chẳng hạn, một số liệu công bố từ năm 2007, 3 phó giám đốc Sở ở Tp HCM lần lượt làm đơn xin từ nhiệm. Cũng trong năm này, Viện Kinh tế TP.HCM có tới 20 cán bộ xin nghỉ việc.
Tương tự, Kiểm toán nhà nước đã có hơn 20 cán bộ, lãnh đạo cấp phòng hoặc trong tầm quy hoạch lên cấp vụ đã xin thôi biên chế.
Rồi nhiều cơ quan khác như Tòa án tối cao, Bộ Tư pháp, Ngân hàng nhà nước… cũng có người xin rời nhiệm sở.
Thử làm một phép toán giản lược: Lương một công chức mới ra trường nếu nhân theo hệ số sẽ ở mức khoảng trên dưới 2 triệu đồng/tháng.
Các khoản chi phí cơ bản hàng tháng (nếu ở Hà Nội) sẽ là: 1 triệu đồng tiền thuê nhà, 200 nghìn tiền điện thoại, 600 nghìn tiền xăng và gửi xe máy, tiền ăn 1,2 triệu/tháng (20 nghìn/bữa trưa + tối), chưa kể ăn sáng và các khoản sinh hoạt phí khác như sinh nhật, hiếu, hỉ…
Tính ra, mỗi tháng công chức này “âm” ít nhất 1 triệu đồng, nếu theo cách tính giản lược trên. Như vậy, làm sao người này có thể toàn tâm toàn ý cho công việc được?
Càng không thể khuyến khích họ sáng tạo và hi sinh cho tập thể khi mà họ luôn phải tìm cách để bù khoản chi phí bị thiếu hụt hàng tháng.
Ba xu hướng sẽ nảy sinh: hoặc xin thêm tiền bố mẹ, hoặc nhũng nhiễu để có phong bì, hoặc phải làm thêm để tăng thu nhập.
Xin bàn về việc “làm thêm”, bởi đây chính là dòng chất xám chảy ra ngoài một cách rõ rệt nhưng các nhà quản lý ít quan tâm.
Nếu như trước đây, muốn làm thêm thì phải “chạy đi chạy lại” từ chỗ nọ qua chỗ kia. Nay, với sự hỗ trợ của internet, người ta có thể ngồi một chỗ và làm việc “onsite” cho nhiều nơi.
Với cách làm này, việc quản lý theo kiểu “điểm danh” sáng – khi đến, chiều – khi về trở nên vô nghĩa.
Xin dẫn ra đây một số ví dụ: Một ông chuyên viên tài chính có thể ngồi ở nhiệm sở viết báo cáo thuế cho doanh nghiệp, một bà kế toán có thể hoàn thiện sổ sách cho công ty bạn, một ông nhà báo ngồi ở tòa soạn này nhưng viết bài gửi cho báo khác…
Đối với doanh nghiệp, việc thu hút chất xám đã khó, để giữ chân và sử dụng được chất xám ấy phục vụ cho mục tiêu phát triển của mình càng khó hơn.
Chất xám cũng là một loại hàng hóa và dĩ nhiên không ai muốn bán rẻ mà chỉ muốn bán đúng giá, tốt nhất là bán được với giá đắt.
Tuy nhiên, đây cũng là một loại hàng hóa đặc biệt, bởi, bỏ ra nhiều tiền chưa chắc đã mua được, bởi, người sở hữu chất xám thường trọng danh dự.
Khéo xin có khi sẽ được cho, nhưng mua đắt mà khệnh khạng chưa chắc đã bán là vậy!
Như vậy, rõ ràng muốn giữ được cả “phần xác lẫn phần hồn” của nhân tài thì cần có chính sách lương bổng hợp lý, quản trị nhân sự chuyên nghiệp, đồng thởi phải tạo môi trường làm việc thân thiện, gần gũi, sáng tạo…
Theo Tamnhin.net