Bạn có một công việc ổn định và không có trở ngại gì. Tuy nhiên, bạn vẫn không cảm thấy thoả mãn với điều đó. Bạn cần làm gì để tránh đi vào con đường mòn của sự nghiệp? Có 2 sự lựa chọn dành cho bạn: một là nghỉ việc và tìm kiếm một môi trường mới; hai là cải thiện tình trạng hiện tại để mang đến “một luồng gió mới” cho sự nghiệp của mình.
Nếu vẫn còn tha thiết với công việc hoặc công ty, hãy chọn cách thứ 2 và thử áp dụng một số lời khuyên sau:
1. Điều chỉnh tốc độ
Nếu một người tham gia cuộc thi chạy 500m và chỉ còn cách đích 250m nhưng lại bất ngờ được thông báo phải chạy 1 dặm nữa (khoảng 1600m), việc đầu tiên anh ta sẽ làm là gì? Trước hết, anh ta sẽ điều chỉnh tốc độ của mình để thích ứng với một cuộc đua dài. Trong công việc cũng vậy. Đặc biệt, nếu công ty đang gặp khó khăn, bạn cần thay đổi nhịp độ làm việc của mình. Hãy tăng tốc để có một vị trí an toàn so với những người khác thay vì thụ động chờ đợi.
2. Phân tích sự cạnh tranh
Xem xét những người cạnh tranh còn sót lại trong công ty là một nhiệm vụ quan trọng. Họ đang làm gì? Họ có trong tình trạng giống bạn? Ngoài ra, hãy tìm hiểu xem công ty muốn đề cử một người ngoài để mang tới bầu không khí mới hay tuyển chọn từ nguồn nhân lực sẵn có cho vị trí quản lí. Và phân tích cả bản thân bạn. Bạn có đủ giá trị để nổi bật trên thị trường tuyển dụng hay không? Biết được những điều đó, bạn sẽ xác định được sự lựa chọn thích hợp cho bản thân.
3. Tìm kiếm sự phát triển mới
Dù sự nghiệp của bạn không phát triển đi lên nhưng bạn vẫn có thể xây dựng và củng cố thêm phẩm chất, kinh nghiệm cũng như kĩ năng mới. Chúng không chỉ giúp bạn trụ vững với hiện tại mà còn mở rộng các cơ hội trong tương lai. Ví dụ, nếu bạn đã thành thạo trong việc lập chương trình hay dự án, hãy học thêm về marketing hoặc bán hàng. Bất cứ công ty nào cũng cần nhân viên có những kĩ năng này để tăng doanh thu. Tóm lại, hãy tạo cho bản thân một con đường thay thế để có lợi thế hơn trong dài hạn.
4. Xem xét tới sự hợp tác trong công việc
Dù trước đây, bạn chỉ muốn hoạt động cá nhân nhưng hiện tại hãy xem xét tới việc hợp tác với đồng nghiệp để “đổi gió” phong cách làm việc. Khi làm chung với đồng nghiệp, bạn có thể phát hiện ra những điểm yếu của mình và học hỏi nhiều điều từ họ. Đồng thời, hãy nghiên cứu phương pháp làm việc của những người thành công và so sánh với cách làm của bạn. Dù không thích bắt chước người khác nhưng đây là một cách hay để bạn bổ sung kiến thức.
5. Đánh giá các thách thức của bản thân
Trước khi tạo một bước nhảy, hãy đánh giá những nguy cơ và thách thức bạn phải đối mặt. Bạn có ít cơ hội thăng chức? Sự cạnh tranh là một trở ngại lớn với bạn?… Từ thách thức đó, bạn sẽ vạch ra con đường đi thích hợp. Bạn có thể đề đạt ý tưởng sáng tạo để ghi điểm với ban giám đốc, tình nguyện tham gia dự án thêm để mở rộng khả năng của mình… Đi cùng với nhiều thách thức là nguy cơ thất bại càng cao và thậm chí bạn có thể thất bại vài lần. Nhưng điều quan trọng là bạn đã cố gắng và dám đương đầu với thách thức. Đôi khi, đó cũng là mạo hiểm khi bạn không chấp nhận thách thức.
6. Lên kế hoạch
Hãy liệt kê tất cả các yếu tố: tốc độ, sự cạnh tranh, các hướng đi, nguy cơ và thách thức. Tập hợp lại và viết một kế hoạch cho bản thân. Nó sẽ là cơ sở để bạn đi đúng hướng trên một con đường dài.
7. Đánh giá kết quả đạt được
Nếu có thể, hãy chia sẻ kế hoạch với sếp và nhờ sếp đánh giá tiến trình của bạn theo các tiêu chí nhất định. Nếu bạn vẫn không thể thoát khỏi lối mòn sự nghiệp, đã đến lúc lên dây cót cho sơ yếu lí lịch của bạn và tìm kiếm những con đường xung quanh.
Theo www.lamsao.com