Khách hàng tiềm năng có thể nhận biết sự khác biệt giữa công ty bạn với những đối thủ cạnh tranh trực tiếp của bạn hay không? Nếu không, đã đến lúc bạn cần phải xem lại chiến lược marketing của mình. Khác biệt hoá là trọng tâm của một chiến lược marketing thành công dài hạn, và chìa khoá cho sự thành công này là tính chất mới mẻ, độc đáo trong cách thể hiện hình ảnh của doanh nghiệp.
Hãy thử suy ngẫm về một khẩu hiệu (slogan) nào đó mà bạn cho rằng nó để lại cho bạn nhiều ấn tượng. Có thể nhiều người trong chúng ta sẽ nghĩ ngay đến câu khẩu hiệu “Thơm ngon đến giọt cuối cùng” của thương hiệu nước mắm Chinsu. Câu khẩu hiệu này được coi là khá thành công vì tính khác biệt với sản phẩm của các đối thủ khác. Câu khẩu hiệu này liên tục xuất hiện trên các phương tiện truyền thông và tỏ ra khá hiệu quả bởi đã chuyển tải được được lời cam kết về chất lượng sản phẩm của nhà sản xuất tới người tiêu dùng đồng thời tạo ra được niềm tin của họ vào sản phẩm.
Khác biệt hoá đóng vai trò chủ chốt trong việc ấn định thương hiệu và là nền tảng của lợi thế cạnh tranh. Và nó có ảnh hưởng rất sâu sắc tới vị trí của sản phẩm trong tâm trí của những khách hàng tiềm năng cũng như hiện tại. Chính điều này có thể đặt bạn vào vị trí quan trọng trong số các đối thủ cạnh tranh khác . Lúc này, có thể bạn sẽ lôi kéo được một lượng lớn khách hàng đến với sản phẩm có đẳng cấp của bạn. Tuy nhiên, cũng giống như mặt trái của một tấm huân chương, chiến lược này cũng có thể khiến bạn lâm vào cảnh “tiền mất, tật mang”, sản phẩm của bạn có nguy cơ bị chôn vùi trong cả rừng thương hiệu khác.
Bạn có sẵn sàng xây dựng một chiến lược khác biệt hoá cho riêng mình? Dưới đây là những bước giúp bạn khởi đầu:
1. Đánh giá những thông điệp cạnh tranh
Bước đầu tiên bạn cần làm là thu thập, nghiên cứu và đánh giá chiến lược marketing của các đối thủ cạnh tranh chính, các chương trình quảng cáo, tờ rơi, catalogue sản phẩm và nội dung website của họ. Đừng ngạc nhiên nếu bạn nhận thấy có quá nhiều chương trình marketing “khuôn đúc” giống nhau. Đơn giản chỉ vì trên thương trường có quá nhiều chiến lược marketing không hiệu quả, và thực tế, điều này chính là một thuận lợi lớn đối với bạn.
Bạn phải luôn nhớ rằng, trên thương trường luôn xuất hiện một vài đối thủ đáng gờm – thường là những thương hiệu nổi tiếng, và những thương hiệu này luôn có những điểm khác biệt rất ấn tượng với khách hàng mục tiêu của họ. Và bởi vậy, bạn nên xem xét lại một cách cẩn thận những thành công mà đối thủ cạnh tranh đã đạt được đồng thời xác định điều gì bạn cần khác biệt với sản phẩm của họ.
2. Điều gì khiến bạn trở nên khác biệt?
Đối với chiến lược khác biệt hoá của một công ty, hãy xem xét điều gì khiến bạn trở nên khác biệt với các đối thủ cạnh tranh mà bạn cho rằng họ họ thành công hơn bạn. Dù bạn có kinh doanh trong ngành sản xuất hay dịch vụ, ví dụ như sản xuất hàng tiêu dùng hay kiểm toán, điều chủ yếu là khác biệt hoá một cách rõ ràng qua chiến lược marketing sao cho những gì bạn đưa ra có một giá trị duy nhất.
Quan điểm khác biệt hoá của bạn có thể liên quan tới cách mà sản phẩm hay dịch vụ của bạn được cung cấp, định giá hay thậm chí phân phối. Điều quan trọng nhất là lợi ích chủ yếu bạn đưa ra có giá trị duy nhất đối với khách hàng và đem lại cho bạn lợi thế cạnh tranh.
3. Tạo thông điệp như thế nào?
Bước tiếp theo là tạo ra một thông điệp marketing mới biểu hiện được giá trị duy nhất của sản phẩm, dịch vụ của bạn. Thông điệp này phải trở thành nòng cốt của chiến dịch marketing tổng thể. Để chiếm được lợi thế cạnh tranh, điều cốt yếu là bạn phải nhấn vào điểm khác biệt này cho tới khi nó trở nên hoà nhập với hình ảnh thương hiệu.
Ví dụ, qua khẩu hiệu của mình, Chinsu cho biết rằng nước mắm của họ luôn có mùi vị thơm ngon ngay cả khi dùng tới “giọt cuối cùng”. Khi liên tục nhắc lại trong chiến dịch marketing hiện tại, đó là sự xác nhận chất lượng tuyệt hảo của sản phẩm khiến nó trở nên khác biệt với các sản phẩm khác.
4. Chữ tín luôn phải được bảo trọng
Việc tạo ra sự khác biệt đồng nghĩa với việc làm thoả mãn nhu cầu của khách hàng, trong đó có việc xây dựng lòng trung thành của họ đối với thương hiệu sản phẩm. Nếu biết duy trì khả năng khác biệt lâu dài theo hướng liên tục nhằm nắm bắt được những thay đổi về nhu cầu của người tiêu dùng, khách hàng càng hướng về bạn thay vì các đối thủ cạnh tranh khác.
Điều cuối cùng mà khách hàng nhận thấy là giá trị đích thực của những sản phẩm, dịch vụ mà bạn mang tới. Thay vì đi tới một nơi nào khác để tìm kiếm một sản phẩm hay dịch vụ cùng loại với giá thấp hơn, họ vẫn trung thành với bạn bởi “những điều không thể sờ thấy được”. Không có gì khiến bạn mất khách hàng nhanh hơn việc bỏ quên lời hứa đã đưa ra trong chiến lược marketing với thực tế mà khách hàng đang gặp phải đối với sản phẩm, dịch vụ của bạn. Vì vậy, để thành công lâu dài, công ty hay sản phẩm của bạn phải luôn giữ được chữ tín.
Theo bwportal