Tại các nước phát triển, đặc biệt là Phương Tây, các trò chơi-kinh doanh là một trong những cách thức hiệu quả thường được sử dụng để đào tạo các CEO (nhân viên điều hành cao cấp).
Nhân viên nhà băng trong trò chơi xử lý tình huống
Tại các nước phát triển, đặc biệt là Phương Tây, các trò chơi-kinh doanh là một trong những cách thức hiệu quả thường được sử dụng để đào tạo các CEO (nhân viên điều hành cao cấp). Ưu điểm của trò chơi-kinh doanh nằm ở chỗ nó cho phép nghiên cứu và đánh giá toàn diện các phương án giải quyết những vấn đề trong kinh doanh. Hơn nữa, nếu như trong đời thực, bất cứ một bước đi sai lầm nào đều phải trả giá bằng tiền bạc, thì trong trò chơi, bạn không bị đe dọa mất khách hàng, bị tổn hại về tài chính hoặc bị các đối thủ cạnh tranh phản công lại. Ngoài ra, trò chơi-kinh doanh còn đem lại trạng thái tinh thần hưng phấn cho người tham gia. Ở Việt phương pháp đào tạo này còn mới mẻ.
Trò chơi-kinh doanh là mô hình mà một tình thế nào đó trong kinh doanh chứa các điều kiện thay đổi liên tục. Có vài nhóm, mỗi nhóm đại diện cho những quyền lợi khác nhau, cùng tham gia trò chơi và đều có mục đích là phải giải quyết vấn đề của mình. Về bản chất, trò chơi-kinh doanh khác bất cứ một phương pháp đào tạo kinh doanh nào khác. Thông thường, việc đào tạo bao giờ cũng bắt đầu từ lý thuyết sau đó là cách ứng dụng trong thực tế. Còn ở đây, kiến thức, kỹ năng được các thành viên tham gia trò chơi nắm bắt gần như đồng thời. Ngoài ra, người hướng dẫn bằng những cách đặc biệt đã tạo ra một trạng thái tinh thần thích hợp ở những người tham gia, nhờ đó quá trình học trở nên dễ dàng và nhanh chóng.
Đối đầu quản trị tay đôi
– Bệnh nhân đòi phải trả lại tiền thuốc mà anh ta đã mua của chúng ta, – bác sĩ tiết niệu trưởng tại một bệnh viện tư nhỏ nhẹ giải thích với vị giám đốc của mình. – Khó có thể thay đổi được tình thế. Tôi nghĩ, cần phải trả lại tiền.
-Chị không dẫn anh ta đến gặp bác sĩ tâm thần à? – vị giám đốc bất ngờ hỏi. – Chắc đối với anh ta cũng không còn điều gì tồi tệ hơn nữa đâu. Tôi học về kỹ thuật vì vậy tiếp cận con người một cách hệ thống. Nếu không thể tồi hơn, mà cũng không thể tốt hơn, có nghĩa ở đây chẳng có gì sai lầm cả.
Trong phòng mọi người cười ồ lên. Hai người vừa đối thoại trên chẳng có gì chung với bệnh tiết niệu mà thậm chí là y học cả. Đơn giản là họ vừa vào vai bác sĩ trưởng và người điều hành trong một hiệp đối đầu quản trị tay đôi.
Đối đầu quản trị tay đôi – là một trò chơi-kinh doanh, trong đó các nhân viên điều hành tranh tài về nghệ thuật quản trị. Mục đích chính của mỗi người tham gia vào trò chơi là chứng tỏ sự khéo léo của mình. Trong vòng bốn phút, họ phải đưa cuộc đàm phán với chủ đề cho trước đạt được một kết quả nào đó. Hiệp hai, bốn phút tiếp theo, hai đối thủ đổi vai trò cho nhau, sau đó các trọng tài sẽ đánh giá kết quả.
Giá trị và ý nghĩa của cuộc đối đầu này nằm ở chỗ nó có thể chỉ ra nhanh chóng những sai lầm trong quản trị. Trong cuộc sống thường khó xác định, quá trình đang nằm ở giai đoạn nào, và tại sao lãnh đạo lại đưa ra quyết định sai lầm. Trong khi đó, ở cuộc chơi tất cả được sáng rõ tuyệt đối. Người chơi có cơ hội độc nhất vô nhị đặt mình vào trong một tình thế cụ thể. Cùng lúc đó, các trọng tài quan sát và đánh giá những hành động của họ, ví dụ trong vai trò một nhân viên hoặc chủ nhân công, người được trao nhiệm vụ tiến hành một cuộc thương lượng nào đó hoặc được giao phó tài sản vật chất.
Mô phỏng kinh doanh
Sân chơi là bàn roulette với các thẻ bài. Xung quanh bàn là những người nghiêm túc tập trung hoàn toàn vào các diễn biến đang diễn ra. Có thể nói đó là một “trò chơi lớn”. Quân roulette không dừng lại ở chỗ mong muốn của những người tham gia trò chơi, và một người trong số họ bị phá sản. Trước sức nóng của sự say mê và căng thẳng có cảm giác như không gian cũng rung lên.
Tuy nhiên, đây không phải ở một casino thực sự. Xung quanh bàn chơi là năm nhân viên điều hành cao cấp. Họ đang tìm cách đưa vào thị trường một thương hiệu mới trong điều kiện cạnh tranh khốc liệt. Mỗi người trong số họ đại diện cho một công ty với một số vốn, lượng nhân viên, quan hệ và khả năng nhất định. Tất cả đều phải tìm ra phương án của mình để đưa sản phẩm vào thị trường. Tiền mặt thể hiện bằng những quân roulette còn các thẻ bài tương ứng với khả năng vay một số vốn hoặc nhận được sự bổ sung nhân sự cần thiết nào đó. Những dòng chữ gắn lên quân roulette cho biết về điều kiện thị trường bên ngoài. Điều kiện đó có thể là thuận lợi hoặc khó khăn.
“Kinh doanh-roulette” – là một ví dụ điển hình về trò chơi mô phỏng kinh doanh. Thông thường, trò chơi tái tạo lại một sự việc, hoàn cảnh có thật trong kinh doanh mà những người tham gia cuộc chơi đã từng gặp trong đời thật. Trong trò chơi, nhất thiết phải có đủ các điều kiện như trong kinh doanh thật. Quân roulette còn có thể tượng trưng cho sự biến đổi, sự không thể đoán trước của thị trường đến những khủng khoảng kinh tế và sự phá sản bất ngờ của các nhà băng, hay việc đòi hỏi phải chi một khoản tiền hối lộ lớn, sự thua kiện trong các vụ kiện tụng. Sự cạnh tranh cao được đảm bảo bằng những quy tắc chơi đặc biệt. Mỗi thành viên tham gia trò chơi đại diện cho một công ty riêng. Họ đều có chung mục đích giành cho mình một phân khúc thị trường nhất định. Nói cách khác, người chơi cần phải tiến hành tất cả các bước đi như trong kinh doanh thật: tính toán trước những mạo hiểm, sử dụng tất cả các khả năng và nguồn lực để đạt được kết quả mong muốn.
Các trò chơi trên mạng
Những trò chơi này không có sức nóng của sự say mê, không cần đến những trang phục hoặc các vật tượng trưng đặc biệt nào đó. Diễn biến chính hiện ra trên màn hình máy tính. Nhìn vào đó có thể liên tưởng tới một chuỗi công việc văn phòng. Tuy nhiên, ở đây thỉnh thoảng xảy ra những cuộc chiến thực sự.
Trước đây, trò chơi trên mạng được xếp vào dạng mô phỏng kinh doanh. Hiện nay, nó được coi như một thể loại độc lập. Thậm chí, xuất hiện cả những công ty phần mềm chuyên sản xuất các chương trình này. Nội dung của các chương trình tương đối giống nhau. Những người tham gia trò chơi đại diện cho những công ty khác nhau với mục đích chiếm lĩnh một thị trường nào đó. Người chơi phải lên một kế hoạch hoạt động tổng thể để đạt được kế hoạch đề ra. Vì vậy, đối với phần đông những người chơi-các CEO, khi tham gia vào trò chơi này, họ còn có mục đích khác là dùng sân chơi để làm nơi giao tiếp với các đồng nghiệp.
Tuy vậy, những người sản xuất chương trình cũng đang cố gắng làm phong phú trò chơi. Đã xuất hiện trò chơi “Chiến lược và chiến thuật trong kinh doanh”. Ngoài những người chơi còn xuất hiện “chính phủ” và “tình thế”. Chức năng “chính phủ” – quyết định đầu tư hay không đầu tư. Còn chức năng của “tình thế” chia làm hai. Thứ nhất, sự kiện nào xảy ra ở đâu. Ví dụ, thông tin về một trận động đất xảy ra ở Thái Lan. Thứ hai, sự kiện này có khả năng ảnh hưởng đến thị trường như thế nào.
Ở Phương Tây là nơi sử dụng những trò chơi trên mạng phức tạp nhất. Đó là những trò chơi chiến lược, người chơi tiến hành cuộc chiến trên mạng trong một khoảng thời gian dài. Trò chơi mô phỏng hoạt động của một doanh nghiệp nào đó. Hiện nay, có những trò chơi trên mạng cuốn hút nhiều nghìn người tham gia một lúc. Trong đó có những người ngoài đời là những chủ doanh nghiệp thực sự nắm giữ trong tay vài công ty kinh doanh.
Xử lý tình huống
Nhân viên nhà băng tham gia trò chơi bất ngờ khi được những người điều hành đưa ra một nội dung chơi lạ lẫm. Trong thời gian chiến tranh, một nhóm các nhà khoa học Nga phát minh ra một sáng chế có thể đem lại ưu thế về quân sự. Một trong số những nhà khoa học trên muốn bán phát minh này để thu lợi cho bản thân. Từ một cuộc trò chuyện của các đồng nghiệp, anh ta biết được có người muốn mua phát minh này, nhưng không biết chính xác là ai. Nhiệm vụ của người này là phải xác định được ai là người muốn mua. Sự việc này đến tai những người “Đức”, và họ cũng tiến hành điều tra để tìm được nhà khoa học phản bội kia. Theo nguyên tắc chơi, “người bảo vệ” có nhiệm vụ giúp đỡ “người bán”, còn “những nhà khoa học Soviet” cần phải qua mặt những “người Đức”.
Khi nhận vai, những người tham gia trò chơi hiểu rằng họ không biết ai-là-ai trong trò chơi này. Và mỗi một người phải tự lên chiến lược và chiến thuật cho các hành động của mình.
Nội dung trò chơi, thoạt nhìn có vẻ không có gì chung với kinh doanh, nhưng trên thực tế nó có chứa đựng trong các tình thế của trò chơi. Khác với trò chơi mô phỏng, ở đây không cần phải lập ra các chiến lược marketing hoặc lên các kế hoạch kinh doanh: hoạt động của người chơi không có gì liên quan tới những khó khăn xuất hiện trong đời sống kinh doanh thật. Mục đích của trò chơi này, nhằm giúp những nhà điều hành phát triển các kỹ năng có ích để thương thuyết hoặc tổ chức các buổi giới thiệu…
Thông thường, nội dung của trò chơi lấy từ sách hoặc phim ảnh: với những tình thế càng thú vị và đặc biệt, thì người chơi càng có nhiều cơ hội để thể hiện bản thân. Vì vậy, những người tổ chức có thể để mặc cho trí tưởng tượng phát huy tác dụng. “Mỗi người trong chúng tôi đều phải tiến hành những cuộc đàm phán phức tạp. Đây quả là một buổi tập luyện có giá trị, – một người tham gia trò chơi kể lại. – Ngoài ra, khi chơi chúng tôi còn có điều kiện để làm quen và gần gũi hơn với các đồng nghiệp của mình. Ví dụ, trong đội của tôi có một nhân viên mà trước đó tôi rất ít giao tiếp. Và trong diễn biến của trò chơi, anh ta đã “cứu” tôi và “hy sinh”. Bây giờ chúng tôi trở thành những người bạn thân”.
Đạt được kết quả bằng mọi giá
Phần lớn các trò chơi đều có mục đích luyện tập những kỹ năng cần thiết hay tìm ra các giải pháp cho những vấn đề có thể xảy ra trong tương lai. Nhưng cũng có dạng trò chơi, mục đích cuối cùng là để giải quyết một vấn đề đang tồn tại. Về bản chất đây là hội nghị bàn tròn dưới dạng một trò chơi-kinh doanh. Ví dụ, bốn nhà điều hành cao cấp của hãng Sitroniks, Nga đã chơi trò này trong nhiều ngày.
“Bài toán đặt ra trước mắt chúng tôi hoàn toàn hiện thực – lên chiến lược tổ chức sản xuất một loại sản phẩm, – Mina Khachatrya, giám đốc marketing &-truyền thông của Sitroniks kể lại. – Chúng tôi chia ra làm ba nhóm: chuyên gia về sản phẩm và hàng hóa, chuyên gia về công nghệ sản xuất và chuyên gia về marketing. Mỗi ngày chúng tôi giải quyết một nhiệm vụ nhất định. Ví dụ, phân tích thị trường và tìm hiểu xem trên thị trường đã có loại sản phẩm tương tự như với sản phẩm chúng tôi định sản xuất chưa. Buổi tối chúng tôi thông báo kết quả cho nhau biết. Chúng tôi không chỉ đưa ra quyết định của mình mà còn phải giải thích cho các đồng nghiệp cơ sở suy luận đã dẫn đến quyết định của mình. Ngày cuối cùng được dành toàn bộ để phân tích hoạt động của cả nhóm”. Còn bản chất của quá trình trò chơi-đào tạo này, Mina so sánh với môn võ wushu: tất cả các yếu tố đều được chia nhỏ ra và giải quyết dần từng phần.
Hoàn toàn dễ hiểu, khi loại trò chơi này thường được các tập đoàn sử dụng khi cần tìm ra những quyết định trái với thông lệ, hoặc đang bị rơi vào ngõ cụt. Người điều tiết, thông thường, phải theo rõi để các CEO không gây áp lực lên các nhân viên dưới quyền. Vì vậy, trò chơi còn rèn luyện kỹ năng làm việc nói chung.
Kết quả cuộc chơi, hãng Sitroniks không những tìm ra một mà là hai chiến lược, và cả hai đều hoàn toàn có thể áp dụng trong thực tế.
Theo Bwportral