Để phái nữ không kiệt sức trong công việc

Giá trị và thương hiệu của bạn có dựa hoàn toàn vào công việc? Nếu có, bạn rất dễ rơi tình trạng kiệt sức. Vì thế, hãy dành thời gian cho những mối quan tâm và sở thích bên ngoài văn phòng.
Tình trạng kiệt sức là một hội chứng tâm lý xảy ra do kết quả phản ứng của những căng thẳng kéo dài về cảm xúc và giao tiếp cá nhân trong công việc. Bên cạnh cảm giác căng thẳng, kiệt sức cũng có thể làm hỏng mối quan hệ cá nhân, gây ra mệt mỏi, mất ngủ, trầm cảm và lo âu.
Larissa FAW, một cây bút lâu năm của Forbes, phàn nàn rằng, tình trạng kiệt sức xuất hiện đối với phụ nữ dưới 30 tuổi ngày càng phổ biến. Theo một cuộc nghiên cứu gần đây, trong khi 53% công việc đơn giản trong doanh nghiệp dành cho phụ nữ, nữ giới cũng chỉ chiếm 37% trong số các chức vị quản lý hạng trung, chỉ 26% tiếp tục trở thành phó chủ tịch và quản lý cấp cao
Nguyên nhân, theo Larissa FAW, nhiều phụ nữ có thể có những kỳ vọng không thực tế về thế giới công việc và trên hết, có vẻ như phụ nữ đang chăm sóc hình ảnh bản thân không tốt bằng nam giới.
Dưới đây là những cách giúp phụ nữ tránh bị kiệt sức trong công việc:
1, Điều chỉnh kỳ vọng của bản thân
Nếu FAW đúng, và bạn đang mong đợi rằng tấm bằng cử nhân của bạn sẽ đưa bạn trở thành một phóng viên tờ New York Times sau khi tốt nghiệp, đó là lúc bạn nên điều chỉnh mức kỳ vọng của mình.
Mọi người đều phải bắt đầu từ một nơi nào đó, thường là một vị trí thấp nhất trong sơ đồ công việc. Hãy bắt đầu từ đó, chứng minh năng lực của bạn ngay cả với những nhiệm vụ tầm thường nhất trong khi vẫn duy trì một thái độ tích cực, chuyên nghiệp giúp giữ cho sự nghiệp đi theo hướng bạn muốn.
2, Học hỏi cách quản lý
Văn phòng hỗn loạn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nên tình trạng mệt mỏi, kiệt sức và nhất là những xung đột với cấp trên. Học cách quản lý sẽ giúp bạn đối phó với vị sếp, hay phê bình quá nghiêm khắc cũng như giúp bạn tìm ra cách hiệu quả nhất để đạt được kỳ vọng của mình.
3, Đôi khi sẽ tốt hơn để nói không.
Những nhân viên luôn cố gắng để làm mọi thứ thật hoàn hảo và luôn làm việc với tất cả sức lực để tối đa hóa hiệu quả của họ là rất dễ dẫn đến kiệt sức. Ngoài ra, điều tồi tệ nhất khiến bạn phá hỏng con đường sự nghiệp của mình là nhận làm những việc vượt quá khả năng. Đôi khi bạn cần biết giới hạn để nói không với những việc không nằm trong khả năng, để tránh trở thành người thất hứa hoặc không hoàn thành nhiệm vụ.
4, Không so sánh với người khác
Mỗi người có hoàn cảnh và môi trường sống khác nhau, do vậy hạnh phúc của mỗi người cũng không hoàn toàn giống nhau. Trong khi so sánh tích cực có thể giúp bạn xác định chính xác mục tiêu của bản thân, so sánh tiêu cực sẽ phá hỏng kế hoạch tài chính và hạnh phúc của bạn khi bạn không ngừng cố gắng để theo kịp với một danh sách dài các nhu cầu của bạn bè, đồng nghiệp hay các thành viên trong gia đình.
Hãy suy nghĩ tích cực và làm những gì phù hợp với bạn nhất, thay vì ngồi so bì rồi bắt ép mình phải theo kịp sự “hoàn hảo”. Điều đó dễ khiến bạn kiệt sức chỉ sau một thời gian ngắn.
5, Phát huy sự quan tâm và sở thích bên ngoài văn phòng
Giá trị và thương hiệu của bạn có dựa hoàn toàn vào công việc? Nếu có, bạn rất dễ rơi tình trạng kiệt sức. Vì thế, việc dành thời gian cho những mối quan tâm và sở thích bên ngoài văn phòng sẽ giúp bạn cảm thấy hạnh phúc và hoàn thiện bản thân nhiều hơn nữa.
Nếu bạn không thể nhớ lần cuối cùng bạn đam mê một sở thích nào, hãy suy nghĩ về những gì bạn thích thú khi còn là một đứa trẻ. Xem xét việc gia nhập một đội thể thao, tham gia lớp học ngoại ngữ hoặc trở thành tình nguyện viên trong một chương trình nào đó.
6, Dành thời gian nghỉ ngơi.
Hãy dành thời gian để nạp lại năng lượng trong ngày làm việc. Tạm dừng công việc để duy trì thị lực tốt hoặc đi bộ để giúp bạn có vóc dáng thon gọn cho dù bạn không có thời gian để tới các phòng tập thể dục.
Bạn cũng có thể mời đồng nghiệp đi uống cà phê, thiết lập mối quan hệ tích cực tại văn phòng sẽ khiến bạn hạnh phúc hơn và giúp bạn sống lâu hơn.

Theo Zing