Nhiều doanh nghiệp sẽ tuyển dụng người lao động khuyết tật

Ngày 11/5, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo chương trình “Cơ hội cho mọi người” nhằm tổng kết việc thực hiện chương trình đào tạo kết hợp với tư vấn tại nhà máy cho các doanh nghiệp với quy mô vừa đến lớn tại miền Bắc Việt Nam, của hai tổ chức trên.

Theo đó, “Cơ hội cho mọi người” là chương trình nhằm giúp các doanh nghiệp xây dựng chính sách và chiến lược về phòng ngừa HIV và hòa nhập người khuyết tật. Bảy doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất đang sử dụng 14.000 lao động tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên và Hải Dương đã hoàn thành chương trình thí điểm Cơ hội cho mọi người.

Kết quả của chương trình rất đáng khích lệ. Chỉ trong vòng hai tháng, sáu trong số bảy doanh nghiệp đã xây dựng được các chính sách về phòng ngừa HIV và hòa nhập người khuyết tật tại nơi làm việc. Những chính sách này thúc đẩy đối xử bình đẳng, đảm bảo không bắt buộc người lao động xét nghiệm HIV hoặc công khai tình trạng nhiễm HIV trong quá trình tuyển dụng.

Một số doanh nghiệp hiện nay đã thành lập được những nhóm tuyên truyền nâng cao nhận thức về HIV. Những nhóm này sẽ đào tạo và cung cấp thông tin cho người lao động, từ đó giúp họ tự bảo vệ chính mình khỏi HIV.

Các doanh nghiệp cũng đồng thời cam kết mang đến cơ hội việc làm cho lao động là người khuyết tật. Công ty Cổ phần Hoa Lan mới đây đã tuyển dụng ba lao động là người khuyết tật trong xưởng đóng gói tại Hưng Yên.

Hai trong số những doanh nghiệp khác hiện đang phối hợp với các hội người khuyết tật địa phương để tuyển dụng những người khuyết tật có đủ trình độ và kỹ năng cho doanh nghiệp mình. Ngoài ra, các doanh nghiệp đã có thể hòa nhập người khuyết tật tại những nơi làm việc chính thức, đảm bảo các điều kiện để họ làm việc hiệu quả và không phải đối mặt với bất cứ sự kỳ thị nào đối với những khuyết tật của họ.

Bà Rie Vejs-Kjeldgaard – Giám đốc văn phòng ILO tại Việt Nam phát biểu: “Chúng tôi rất vui mừng với những kết quả đã đạt được từ chương trình thí điểm này. Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, các doanh nghiệp tham gia đã thực hiện được những bước tiến thực sự trong việc tuyển dụng người khuyết tật cũng như phòng chống HIV tại nơi làm việc.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là những bước khởi đầu, chúng tôi tin rằng khi các nhà máy đã có những chính sách cụ thể, họ sẽ tiếp tục tuyển dụng nhiều người khuyết tật hơn nữa và thực hiện hiệu quả chương trình phòng chống HIV”.

Chương trình hội thảo ngày 11/5 tổng kết những kết quả của chương trình, trong đó bao gồm cả bài trình bày của một số doanh nghiệp về quá trình họ xây dựng nên các chính sách hiệu quả, cũng như các hoạt động tuyển dụng người khuyết tật, thúc đẩy hòa nhập và nâng cao nhận thức về HIV.

Tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương hiện có 370 triệu người khuyết tật và 238 triệu người trong số này ở độ tuổi lao động. Tỉ lệ thất nghiệp của họ thường gấp đôi tỉ lệ thất nghiệp của toàn bộ dân số nói chung và chiếm khoảng 80% hoặc cao hơn (theo Debra Perry, “Vấn đề người khuyết tật nhìn từ góc độ việc làm và bảo trợ xã hội”, ILO Bangkok, 2002).

Cuộc điều dân số năm 2009 tại Việt Nam cho thấy 7,8% dân số hoặc tương đương 6,1 triệu người Việt Nam là người khuyết tật. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ước tính rằng 69% người khuyết tật đang ở độ tuổi lao động (độ tuổi từ 16 đến 55 hoặc 60) và chỉ có 30% trong số này có việc làm và thu nhập ổn định để chăm lo cho bản thân và gia đình. Tỉ lệ việc làm thấp gây chi phí đáng kể cho gia đình của họ và buộc chính phủ phải có các chính sách hỗ trợ.

Tổ chức UNAIDS dự báo tới năm 2012 Việt Nam sẽ có khoảng 280.000 người sống chung với HIV/AIDS và hơn 40.000 người nhiễm mới mỗi năm.

Theo HNMO