Tôi đã gặp may khi bắt đầu cái nghề buôn tên miền này. Lúc đó ở Nga, trong trào lưu dotcom, người ta thoải mái đăng ký tên miền mà không cần phải trả phí. Người đăng kí chỉ cần điền một bản hồ sơ gồm 39 mục và gửi cho cơ quan quản lý là xong. Không phải ai cũng có đủ kiên nhẫn để theo đuổi việc này, nhưng tôi thì khác. Tên miền đầu tiên mà tôi bán được là borodin.com với giá vài nghìn euro. “Thương vụ” đầu tiên này đã đem lại cho tôi niềm phấn khích: tại sao mình không khai thác “mỏ vàng” này để kinh doanh nhỉ? Thế là tôi bắt đầu cuộc kiếm tìm tên miền và trở thành một “nhà buôn” tên miền thực thụ. Một năm trở về trước, tôi có gần 4.000 tên miền, và hiện nay là 16.000. Những người sở hữu số lượng lớn tên miền như tôi ở Nga chỉ đếm trên đầu ngón tay. Để có thể trở thành một chuyên gia thực thụ trong lĩnh vực này, cần phải có một khối lượng nhất định tên miền, hơn nữa, số tên miền này phải thu hút được sự quan tâm của mọi người.
Những gì mà tôi làm chẳng khác nào trò đánh bạc: bạn đánh cược vào một số tên miền nào đó và ngồi chờ số phận mỉm cười. Thời còn là sinh viên sống trong ký túc xá, tôi đã bắt đầu trò đầu tư vào tên miền và “nướng” vào đó hầu như hết số tiền mà gia đình hỗ trợ. Giờ đây, tôi sử dụng những khoản tiền kiếm được từ việc bán tên miền để tiếp tục đầu tư vào tên miền mới. Việc này mang lại cho tôi nhiều cơ hội. Nhưng thật khó để tính toán một cách chính xác tên miền nào sẽ mang lại cho bạn bao nhiêu tiền. Ví dụ như nhãn hiệu thương mại chẳng hạn. Thời tôi mới bắt đầu tập tọe buôn tên miền, chẳng mấy ai nghĩ được rằng, việc đăng ký một tên miền trùng với tên nhãn hiệu thương mại nào đó sẽ mang lại lợi nhuận. Sau đó, việc này mới bắt đầu được dân buôn để ý. Tôi mua một vài tờ tạp chí phụ nữ và xem trong đó có những nhãn hàng nào dễ nhớ rồi lập tức kiểm tra xem chúng đã được đăng lý trên Internet hay chưa. Đối với các thương hiệu nổi tiếng thì không có vấn đề gì khó khăn lắm. Mọi việc rắc rồi chỉ xảy ra với các công ty mới một vài lần xuất hiện trong bản tin thời sự nào đó. Ngay lập tức, đại diện của các công ty này xuất hiện. Họ bắt đầu chứng minh rằng mình có thể bỏ ra vài nghìn euro cho tên miền này. Công ty không mấy tên tuổi, và cứ thử ngồi đó mà nghĩ xem, có nên tin họ hay không, có nên đồng ý bán tên miền với giá họ đề nghị hay không.
Tên miền odnoklassniki.ru (một website tìm bạn cũ khá phổ biến tại Nga – BWP) là một ví dụ. Phần lớn dân buôn tên miền đều cho rằng, chẳng ai đi mua cái tên miền dài thòng như vậy và cũng sẽ chẳng có ma nào trên đời này quan tâm đến nó. Thế mà, tên miền này hiện nay là một trong những tên miền hot nhất ở Nga!
Hay như tên miền putin.ru chẳng hạn. Trước đây, khi mà tên miền này còn chưa ai đăng ký, tôi cũng chẳng thèm quan tâm đến nó. Vì sao ư? Vì lúc đó chẳng ai tin vào Putin, và trên thị trường còn khối thứ hay hơn, thú vị hơn để làm. Bây giờ, nếu tên miền này còn chưa ai đăng ký thì tôi sẽ chẳng ngần ngại để đầu tư. Nhưng đã muộn mất rồi. Khi mới bắt đầu trò buôn tên miền này, tôi đã không để ý đến một số tên miền đặc thù kiểu như putin.ru hay kasyanov.ru vì không đánh giá được hết tiềm năng của nó. Hơn nữa, thời đó, tôi cũng chẳng đủ tiền để “nuôi” hàng loạt tên miền cùng lúc. Vì thế, tôi buộc phải lựa chọn những tên miền nào “ngon ăn” trước. Giờ đây, khi nhìn nhận lại vấn đề, tôi thấy tiếc hùi hụi vì đã để “sổng” khá nhiều cơ hội “ghi bàn”.
Cũng có trường hợp tôi phải trả lại tên miền – google.ru và mercedes.ru. Trong trường hợp tên miền google.ru thì tôi sai lầm thực sự khi đổi chủ thể đăng ký từ cá nhân sang tên công ty. Vậy là mất tên miền này. Trường hợp thứ hai, chủ sở hữu thương hiệu Mercedes chứng minh được rằng, tôi đã sử dụng tên miền vào các mục đích trùng khớp với mục đích của hãng này. Trên trang chủ của tên miền này có treo dòng chữ thông báo rằng, chủ sở hữu tên miền là một hãng cung cấp dịch vụ tuyển dụng. Các luật sư của Mercedes (thật) chứng minh được rằng, hãng Mercedes cũng có dịch vụ này. Đây là những tên miền có thể bán được nhiều tiền và vì thế cần phải “giành giật” đến cùng. Khi tên miền là tên một sản phẩm/dịch vụ của một doanh nghiệp cò con thì bạn có nhiều cơ hội để lựa chọn và đầu tư. Tôi chẳng “ngán” nếu phải hầu tòa trong những trường hợp này bởi gần như tôi chẳng mất gì, thứ có thể mất là tên miền đang tranh chấp đó, trong khi bên thưa kiện thì tốn lệ phí tòa án, tiền thuê luật sư – số tiền đó còn nhiều hơn cái giá mà tôi đề nghị họ mua tên miền. Tuy nhiên, các thương hiệu hàng hóa/dịch vụ không phải là thứ mang lại nguồn thu nhập chính của tôi, bởi vậy mà công việc của tôi không có nguy cơ rủi ro.
Tôi chẳng bao giờ chạy theo khách hàng mà họ mới là người chạy theo tôi. Hàng ngày, họ gọi điện, viết thư, gặp mặt tôi để hỏi giá tên miền này, tên miền kia. Những tên miền có giá nhất trong kho tài sản của tôi là những tên miền ngắn gọn có vài ba chữ cái. Chỉ cần bán vài ba tên miền này là tôi đã có dư tiền để đầu tư vào hàng loạt tên miền mới. Nhưng việc săn lùng tên miền cũng cần phải tuân theo lộ trình của nó. Hễ có tên miền nào “ngon ăn” một chút là người ta “cẩu” đi ngay. Mới đây, một tên miền đã được “đẩy” đi với giá 16 nghìn USD, mặc dù một phần tên miền này bao gồm các con số (Thông thường, các tên miền bao gồm các con số không được ưa chuộng). Tôi không hề có ý định đầu tư vào tên miền này vì cho rằng, chẳng bao giờ mình có thể “sang tên đổi chủ” cho nó. Thế mà đã có kẻ nào đó mua lại nó, thật lạ!
Tôi chẳng hiểu được vì sao lại có kẻ tỏ ra ganh tỵ với tôi. Ừ, tôi là kẻ đã nhanh chân hơn tất cả bọn họ trong việc đi đăng ký hầu hết tên miền có hai – ba chữ cái. Thế sao trước đây thiên hạ không làm việc này đi? Có ai cản trở họ làm việc này đâu? Mới đây, tên miền himki.ru của tôi đã được Ban quản trị thành phố Khimki mua lại với giá 12 nghìn USD. Tôi nhìn thấy tên miền này quá hạn mà chủ sở hữu không đăng ký lại, thế là tôi lập kế hoạch săn lùng người này. Tôi thỏa thuận mức giá mình cần mua là 200USD, sau một tháng, Ban quản trị thành phố Khimki đề nghị mua lại tên miền này với giá 12 nghìn USD.
Nhiều người thấy tôi kiếm được tiền từ việc đầu tư tên miền nên cũng lân la hỏi chuyện. Câu hỏi của họ thường tập trung về một mối quan tâm: vì sao tôi lại bán tên miền với cái giá cao như thế? Có bảng giá chuẩn cho tên miền không? Khi không muốn trả lời cụ thể, tôi cứ phang bừa thế này “Tên miền này có phải là của tôi không? Rõ là của tôi, đúng thế không? Mà đã là của tôi thì giá là do tôi quyết định, ai thích mua thì tôi bán, ai không thích thì thôi, tôi có nài nỉ đâu? Cứ việc đi mà mua tên miền nào đó với giá vài chục đô la trong cả biển tên miền trên mạng ấy.”
Tôi cũng chẳng bao giờ có cả đống tiền nhàn rỗi và cũng chẳng muốn tìm mọi cách bán các tên miền của mình một cách nhanh chóng để thu tiền. Đôi khi túng bấn lắm, tôi mới chịu bán rẻ đi một chút so với kế hoạch.Ví dụ, vừa rồi tôi bị tai nạn xe hơi. Con xe mới khự của tôi bị hư hỏng nặng. Tôi đang nghĩ đến chuyện phải mua chiếc xe mới để đi lại. Và thế là, một tên miền “đèm đẹp” đã được rút ra khỏi kho và được bán với một chút ưu tiên giảm giá. Chỉ khi cần tiền, tôi mới chịu giảm giá.
Nếu tôi chịu bằng lòng dừng cuộc chơi thì cuộc đời có thể yên ổn hơn chứ không bận bịu, lo lắng như bây giờ. Nhưng tôi yêu cái nghề này, khi còn có cơ hội. Sẽ chẳng đời nào tôi bán đi tên miền pentium.ru hay bee-line.ru (tên một hãng cung cấp dịch vụ viễn thông lớn nhất nhì ở Nga – BWP). Chỉ nguyên tiền quảng cáo mà tôi thu được từ hai tên miền này còn nhiều hơn cả tiền mà người ta định trả cho tôi để có thể sở hữu chúng.
Quy luật của cuộc chơi trong lĩnh vực này thay đổi thường xuyên. Cách đây không lâu, các tên miền hết hạn mà chủ nhân không quay lại sẽ được cấp cho những ai đăng ký trước. Các “nhà đầu tư” tên miền buộc phải lập kế hoạch theo dõi những tên miền này, phân tích tình huống, nộp đơn đăng kí đúng lúc và …chờ cơ hội mỉm cười. Và như vậy, trong cuộc giành giật tên miền tốt, cơ hội đối với nhiều nhà đầu tư có khi phải tính từng giây. Điều này thú vị hơn rất nhiều so với việc tham gia đấu giá tên miền như trước đây. Đối với tất cả nhà đầu tư, tên miền chỉ có một bảng giá duy nhất, bởi vậy, rất khó mà tính trước được giá trị tên miền. Người chiến thắng là người biết nhìn nhận vấn đề một cách nhanh nhạy, là người có nhiều nguồn lực cũng như các chương trình chứ không phải chỉ đơn thuần là những kẻ có tiền.
Bây giờ, các nhà đầu tư tên miền mới chập chững vào nghề hầu như không còn nhiều cơ hội. Cứ thử click vào Internet mà xem. Người đi câu thì nhiều mà nguồn “cá” đã không còn đa dạng. Đã có không ít công ty được mở ra chỉ để đi săn lùng tên miền. Sắp tới sẽ chẳng còn gì để mà nhặt nhạnh được. Để trở thành một nhà đầu tư máu mặt trong lĩnh vực này, bạn phải có nguồn tài chính dồi dào. Những tên miền tốt chưa được ai đăng ký sẽ kết thúc “sự tự do” của mình vào năm 2010, khi mà có khoảng 3 triệu tên miền được đăng ký, và sự lựa chọn sẽ không còn nữa. Và như vậy, đến năm 2010, nghề đầu tư tên miền có lẽ sẽ chỉ còn là hoài niệm.
Không ít người cho rằng, nghề đầu tư tên miền là một nghề không mấy đạo đức. Nhưng có lẽ, rất ít người hiểu được rằng, chúng tôi cũng phải lao động mệt nhọc vô cùng. Hàng ngày, tôi làm việc từ 15-20 giờ đồng hồ, thậm chí có những ngày không được ngủ. Thời gian nặng nề nhất trong tuần là hai ngày đầu tuần, khi bạn phải kiểm tra hết danh sách các tên miền được giải phóng trong ngày Thứ Sáu, Thứ Bảy và Chủ Nhật để kịp đăng ký vào Thứ Hai. Tôi chẳng còn nhớ lần cuối cùng đi xem phim ở rạp là ngày nào, có lẽ là lâu lắm rồi. Tôi cũng chẳng nhớ mình đã nghỉ ngơi thế nào, vì bất cứ kỳ nghỉ nào của tôi cũng gắn liền với Internet: tôi luôn vác theo laptop của mình, chỉ chọn những nơi có truy cập Internet để nghỉ, và tuy là đi nghỉ nhưng hầu như lúc nào tôi cũng khư khư ôm cái máy tính. Mà giao cho ai đó làm việc này tôi lại cảm thấy bất ổn. Đương nhiên là có thể thuê nhân viên làm việc này, nhưng chẳng hiểu sao tôi không tin rằng họ có thể thực hiện việc này một cách cẩn thận và chu đáo như tôi được. Hơn nữa, tôi không tin vào linh cảm của người khác. Đây là cái nghề mà không thể tin tưởng vào người khác được.
Theo Bwportal/Denis Gledenov (Esquire) – Nhật An dịch