Mặc dù, nhiều người đã từng xem bộ phim Apollo 13 do Tom Hanks thủ vai chính dựa trên nền sự kiện có thực về phi thuyền Apollo 13 đã bị thất bại khi phóng lên mặt trăng vào năm 1970, nhưng thực tế sự kiện này đã diễn ra như thế nào?
Nước Mỹ trong thời kỳ chiến tranh lạnh để khẳng định sức mạnh của mình với phe xã hội chủ nghĩa, sau hai chuyến đưa người thăm dò và khảo sát trên mặt trăng thành công (tàu vũ trụ Apollo 11 và Apollo 12) đã tiếp tục tổ chức chuyến thăm dò thứ ba khi phóng con tàu Apollo 13 lên mặt trăng. Song chuyến bay này đã xảy ra sự cố nguy hiểm cho các nhà du hành vũ trụ Mỹ.
Tàu Apollo 13 do tên lửa Saturn khởi động phóng vào không gian lúc 13 giờ ngày 11/04/1970. Chỉ huy con tàu là Jim Lovell, người đã từng thực hiện ba chuyến bay vào vũ trụ. Nhưng sau ba ngày vận hành êm đẹp, đến ngày 13/04, lúc 21 giờ, con tàu đã gặp sự cố. Hệ thống máy tính của tàu không làm việc, các buồng điện hỏng hoàn toàn, lượng khí ô xy trong tàu bị thất thoát và chỉ còn lại rất ít trong khi tàu vẫn tiếp tục bay vào khoảng không vũ trụ.
Cứ mỗi giây trôi qua là cái chết lại đến gần hơn với các phi hành gia. Nếu tàu không thể quay lại trái đất, thì sẽ lạc mãi mãi trong không gian. Để đưa con tàu về, giải pháp nhanh chóng và thông thường nhất là đốt động cơ và cho quay tàu lại. Nhưng giám sát chuyến bay đã suy nghĩ lại, ông cho rằng chưa chắc đây sẽ là giải pháp an toàn và tối ưu. Bình chứa ôxy vẫn chưa cạn kiệt và thời gian vẫn còn. Vì vậy, ông yêu cầu nhân viên của mình phân tích bằng cách đặt câu hỏi trong ba ngày, tức là dựa vào khả năng và phán đoán của họ để tìm cách đưa các phi hành gia trở về trái đất an toàn.
Họ đã nghiên cứu rất kỹ thiết kế của con tàu. Phi thuyền Apollo được thiết kế với nhiều bộ phận khác nhau để thực hiện nhiệm vụ được đặt ra. Phi thuyền có các bộ phận: hệ thống thoát hiểm khi phóng; hệ thống điều khiển; hệ thống hỗ trợ; hệ thống đáp xuống Mặt Trăng và bộ phận thích ứng với Mặt Trăng. Cuối cùng họ đã quyết định dùng hai phần của con tàu là hệ thống điều khiển và hệ thống đáp xuống Mặt Trăng cũng như động cơ của nó làm phi thuyền cứu hộ khẩn cấp. Nhờ vậy mà Apollo 13 trở về Trái đất an toàn vào lúc 10h43 ngày 17/04/1970.
Hóa ra giải pháp nhanh chóng ban đầu là giải pháp chết người vì động cơ đã bị hỏng. Trong những tình huống khó khăn, bạn phải nhận thức rằng mọi thứ đều có quan hệ với nhau. Vì thế chúng ta phải biết phân tích bằng cách “đặt câu hỏi” để tìm ra những mối quan hệ quan trọng nhất và nhờ đó có thể đưa ra giải pháp mang tính hệ thống. Sự linh hoạt này đã gợi mở những tiềm năng mà chúng ta còn chưa biết đến.
Sự thất bại của phi thuyền Apollo 13 đã làm nổ ra nhiều cuộc tranh cãi không phân thắng bại, và diễn ra trong một thời gian khá dài, Vấn đề đã xảy ra khi con tàu và phi hành đoàn cách xa trái đất 200.000 dặm trong tình thế đối mặt với cái chết, giới hạn cho sự sai sót là không thể để xảy ra. Cuộc sống của bạn đã bao giờ bị rơi vào tình trạng căng thẳng tột độ như vậy chưa? Bạn đã bao giờ hiểu hết ý nghĩa của từ “hành tinh trái trất” mà chúng ta đang sống, giống như các phi hành gia trên con tàu Apollo 13 đã cảm nhận khi nghe thông báo “ngay sau đây sẽ là hành tinh trái đất” không?.
Câu chuyện của họ là những bài học sâu sắc về ý nghĩa của sự thất bại và cách thức vượt qua nó. Đây cũng là những kinh nghiệm bổ ích dành cho các CEO khi phải đối mặt với những tình huống tưởng chừng như không có lối thoát.
1. Không phải mọi thứ đều diễn ra một cách thuận lợi
Ngày nay, dường như nhiều người có những suy nghĩ tương đối ngớ ngẩn rằng mọi thứ có thể đạt được một cách dễ dàng hơn. Hoặc nếu chúng ta phải hy sinh một điều gì đó hay không đạt được sự tiện nghi nào đó, thì đồng nghĩa với thất bại.
Trong bộ phim Tombstone, dựa trên một câu chuyện có thật về cuộc bắn giết mặt đối mặt giữa anh em họ Earp và băng đảng nhà Clanton-McLaury năm 1881 tại thị trấn Tombstone, có một đoạn hội thoại giữa Doc Holliday (nhân vật chính của bộ phim) do Val Kilmer thủ vai chính với Wyatt Earp, Holliday đã nói: “Không có một thứ gì giống như một cuộc sống bình thường. Đó mới đúng là cuộc sống”.
Cũng giống như vậy, nếu tình huống bất thường, thì đó mới là tình huống. Vị Hoàng đế La Mã Marcus Aurelius đã từng nói “Hãy nghĩ tới những gì bạn đang có chứ không phải những gì bạn thiếu. Đối với những gì bạn có, hãy chọn ra những điều tốt nhất và hãy suy nghĩ xem nếu như không có nó, thì bạn sẽ phải làm việc với bầu nhiệt huyết như thế nào để đạt được điều này”.
Và đó cũng chính là điều mà các phi hành gia trên chuyến tàu Apollo 13 đã làm để trở về trái đất an toàn.
2. Nhận biết được khoảnh khắc hiện tại là quan trọng nhất
Không chỉ trong những tình huống khó khăn, giống như trường hợp con tàu vũ trụ Apollo 13 gặp phải, mà ngay cả trong các chuyến bay vào mặt trăng thành công trước đó, hay khi thực hiện bất cứ một dự án nào, đều đòi hỏi phải có các kỹ năng cần thiết và sự hiểu biết cặn kẽ đối với công việc mình đang làm cũng như các vấn đề liên quan.
Việc dự đoán được tương lai phía trước hay phân tích những sai lầm trong quá khứ để rút kinh nghiệm cũng rất cần thiết, song điều quan trọng nhất là bạn phải nhận biết chính xác tình thế trong khoảnh khắc hiện tại. Từ đó bạn mới có thể suy nghĩ, lựa chọn giải pháp và đưa ra cách hành động thích hợp nhất.
3. Bạn phải tin vào bản năng, kinh nghiệm và đội ngũ cộng sự
Những phi hành gia trên con tàu Apollo 13 khi bị rơi vào không trung đã không mất bình tĩnh và vẫn giữ được sự sáng suốt. “Thật kỳ quái, linh tính đã mách bảo tôi rằng động cơ và hệ thống máy tính đã không hoạt động, còn những người có thể sửa chữa để chúng tôi quay về trái đất an toàn thì vẫn đang ngồi ở Houston (trụ sở của NASA tại Texas ). Vì vậy, tôi đã quyết định không hành động ngay khi nhận được tín hiệu từ đội giám sát dưới mặt đất”. Chỉ huy chuyến bay đã kể lại như vậy. Phi hành đoàn và mặt đất cũng không chỉ trích, cãi vã hay đổ lỗi cho nhau, không ai đề cao cái tôi của mình. Họ đã truyền tin về trụ sở Houston như sau: “Mọi việc hiện vẫn đang diễn ra tốt đẹp, chúng tôi làm chủ được tình thế”.
Có vẻ là nghịch lý nhưng họ đã vượt qua được cái chết cận kề vì biết cách “nắm” nó trong tay. Họ đã làm được điều này nhờ vào:
– Lòng tin vào sự đào tạo của mình;
– Sử dụng các kỹ năng phân tích loại trừ để giải quyết các vấn đề cốt yếu.
– Sự khiêm nhường giả tạo và mất niềm tin chỉ là sự lãng phí năng lượng và thời gian;
– Tin tưởng vào những đồng nghiệp trên con tàu cũng như ở mặt đất;
– Hồi âm lại các thông tin và sử dụng thông tin do đồng nghiệp cung cấp để gỡ từng phần của vấn đề.
Kết quả là họ đã trở lại bầu khí quyển của Trái đất, cập bến an toàn vào ngày 17/04/1070, và sống sót để kể lại câu chuyện này với chúng ta như những chứng nhân lịch sử.
4. Không có cái gì giống như sự thất bại
Đó không phải là một câu nói rập khuôn, sáo rỗng và không có ý nghĩa gì cả.
Từ “thất bại” được dùng để mô tả một công việc đã không có được kết thúc như bạn mong đợi, hoặc kết thúc bằng một cách khác với cách mà “ảo giác” của đa số những người trong chúng ta cho là “bình thường”.
Apollo 13 – sự thất bại thành công – đã chứng minh rằng “thành công” thực sự có được khi bạn vươn tới những đỉnh cao của các khả năng tiềm ẩn trong chính con bạn, và bằng mọi giá phải thực hiện tốt nhất những gì có thể để vượt qua mọi tình thế khó khăn.
Và cuối cùng, sự may rủi của số phận cũng là một yếu tố góp phần vào sự thất bại thành công của Apollo 13. Đó là nguồn ôxy đã không bị cạn kiệt trước khi các phi hành gia trên con tàu định mệnh tìm được đường trở về trái đất.
Bốn bài học trên thực sự bổ ích và bạn không cần chờ đến khi cuộc sống bị đe dọa nghiêm trọng hay công ty của bạn trên bờ vực phá sản mới có thể đem ra sử dụng. Hãy áp dụng nó ngay bây giờ và vào trong mọi hoàn cảnh. Song cũng nên nhớ một điều rằng đó chỉ là những bài học mang tính chất tham khảo. Mọi tình huống không giống nhau và không có bộ quần áo may sẵn nào lại vừa vặn với tất cả mọi người.
Theo Bwportal