Lãnh đạo và ngôi sao nhạc Rock – Phép so sánh không hề khập khiễng

Có sự tương quan nào giữa nhà lãnh đạo và những ngôi sao nhạc rock? Đối với cả hai, sự linh hoạt, khả năng thích ứng và kỹ năng hành động luôn được đặt ở vị trí quan trọng nhất. Hơn thế nữa, có rất nhiều điều thú vị mà một nhà lãnh đạo kinh doanh có thể học hỏi được từ các ngôi sao nhạc rock.
Các nhà lãnh đạo kinh doanh thường được so sánh như những nghệ sỹ sân khấu. Tất cả đều đứng trên một sàn diễn với một vai diễn lớn và được mong đợi khuấy động tình cảm của các khán giả. Những nhà lãnh đạo tốt nhất và những nghệ sỹ tài ba nhất thường dựa vào sự tinh tế của mình để đảm bảo rằng những gì họ nói là đáng nhớ và khích lệ mọi người tới hành động (cho dù đó là mua một đĩa CD mới hay đầu tư hàng triệu USD vào công ty).
Và với tầm quan trọng của yếu tố giao tiếp, tương tác giữa nghệ sỹ và khán giả, các nhà lãnh đạo kinh doanh, như các ngôi sao nhạc rock, phải có khả năng trình diễn tốt và điều chỉnh thông điệp của mình nhằm lôi kéo người nghe, cho dù là một người hay 10.000 người. 
Đó là lý do tại sao hầu hết các nhà lãnh đạo kinh doanh có thể học hỏi được nhiều bài học giá trị từ các ngôi sao nhạc rock như Eric Clapton, Paul Simon và Alicia Keys. Họ là những minh chứng cho thấy một màn trình diễn xuất sắc sẽ đỏi hỏi hai phẩm chất: một sự cống hiến to lớn cho luyện tập lẫn hành động và lòng khát khao học hỏi tột cùng. 
Ví dụ, Clapton không ngừng luyện tập xuyên suốt cuộc đời của ông, thậm chí cả trong giai đoạn mà Clapton gọi là “thời điểm đen tối nhất” trong ma tuý và rượu. Với sự hiến dâng của một tín đồ nhiệt thành, Clapton luyện tập giọng hát và giai điệu, di chuyển 5 ngón tay trên không trung khi không có nhạc cụ trong tay, và nhẩm lại giai điệu trước, trong và sau mỗi lần trình diễn trên sân khấu. 
Cũng như vậy, Simon và Keys thấy rõ không có sự khác biệt giữa trình diễn và luyện tập, cả hai về bản chất đều là một quy trình như nhau. 

Luyện tập, luyện tập và luyện tập 
Đối với Clapton, luyện tập không chỉ giới hạn ở những bài hát ông có dự định biểu diễn. Thay vào đó, sự luyện tập bao gồm việc chú ý tới các giai điệu, luyện tập ngón tay và cử động của cổ tay cũng như cánh tay để giúp ông có thể chơi bất cứ bản nhạc nào. Một nghệ sỹ âm nhạc phải thành thục các cử động của bàn tay để hài hoà các nốt nhạc tạo ra âm thanh, hiệu ứng lẫn hình ảnh cho người nghe. 
Bài học cho các nhà lãnh đạo kinh doanh? Trước tiên là nhận ra rằng có những “động tác” lãnh đạo cần phải thành thục. Một vài động tác có thể đơn nhất cho một văn hoá công ty hay một tổ chức cụ thể nào đó, song hầu hết đều mang tính phổ thông và như các cuốn sách hướng dẫn âm nhạc hay ảo thuật, có rất nhiều cuốn sách về lãnh đạo kinh doanh liệt kê những gì mà các nhà lãnh đạo cần làm, bao gồm việc đặt ra các mục tiêu và truyền tải chúng, lắng nghe chăm chú, thấu hiếu và truyền tình cảm tới mọi người. 
Đương nhiên, việc đơn giản hiểu các nội dung cơ bản sẽ không biến một ai đó trở thành một nhà lãnh đạo, tương tự như việc một tay guitar không dễ dàng trở thành một ngôi sao nhạc rock. Đó là lý do tại sao bài học thứ hai trở nên khó khăn hơn: hiến dâng cho luyện tập. 
Các nhà lãnh đạo kinh doanh thường giải thích rằng họ bù đầu vào công việc cả ngày và không có thời gian nào để luyện tập cả. Đối với nhiều người, quan niệm về luyện tập “nghề” lãnh đạo khiến họ khó chịu. Đó dường như là một sự trừng phạt, hay là một hành động của những người mới vào nghề. 
Chính vì có quan niệm tiêu cực về luyện tập, nhiều nhà lãnh đạo thấy mình “mắc kẹt” trong phong cách lãnh đạo riêng biệt và rõ nét. Họ không có được một cấu trúc hành vi thích hợp vốn cần được dựa theo với tư cách là một nhà lãnh đạo kinh doanh, cho dù đó là một khía cạnh công chúng của hoạt động lãnh đạo (như phát biểu trước đám đông) hay khía cạnh cá nhân (như đưa ra phản hồi hay nhấn mạnh một quyết định khó khăn).
Nếu một nhà lãnh đạo không thể tìm thấy thời gian cho luyện tập, sẽ rất khó khăn để có được linh hoạt cần thiết trước những vận động không ngừng của môi trường xung quanh. Trừ khi nhà lãnh đạo thoả mãn với sự tù hãm hay ngồi gọn lỏn trong một vũng nước tù đọng được bảo vệ, cách duy nhất để thoát ra ngoài cho các giám đốc khát thời gian đó là học cách luyện tập trong khi làm việc. 

Không ngừng lùng sục sự hoàn thiện
Để minh hoạ cho khái niệm này, chúng ta hãy nhìn vào sự nghiệp của ngôi sao nhạc rock nổi tiếng Paul Simon. Trong khi luyện tập và diễn tập, ông cũng biểu diễn luôn, ông không ngừng suy nghĩ về việc làm thế nào để biểu lộ thích hợp âm thanh và hình ảnh tới khán giả. 
Paul Simon nổi tiếng với việc kiểm tra sự chịu đựng của các thành viên ban nhạc, các kỹ thuật viên và các kỹ sư cho đến khi họ đảm bảo một âm thanh thích hợp. Trong khi biểu diễn, ông cũng luyện tập, điều chỉnh những gì mà ông và ban nhạc của ông đang thể hiện tương ứng với tâm trạng của khán giả. 
Khả năng thấy được một ai đó trong hành động và để điều chỉnh thích hợp theo là yếu tố hết sức quan trọng trong trình diễn nghệ thuật của các nghệ sĩ lớn như Simon, Clapton, Bette Midler và Bruce Springsteen. 
Clapton, Simon, rất nhiều nghệ sỹ cũng như các nhà lãnh đạo nổi danh đã khám phá ra cách thức họ học hỏi tốt nhất và làm thế nào để việc hỏi hỏi đó truyền sức mạnh cho sự phát triển của họ. Trong cuốn sách Crucibles of Leadership, tác giả Robert J. Thomas đã đề cập tới điều này như một Chiến lược Học hỏi Cá nhân (Personal Learning Strategy) – một sự phối kết hợp hiệu quả giữa khát vọng, hiểu rõ các động cơ cá nhân và nhìn thấu vào phong cách học hỏi bên trong mỗi chúng ta. 
Chiến lược Học hỏi Cá nhân không chỉ là một nắm các câu châm ngôn hay thuyết lý về những gì tạo nên một nghệ sỹ vĩ đại hay một nhà lãnh đạo tuyệt vời. Nó còn là một sản phẩm của sự phản chiếu sâu xa về những gì một người nào đó thực sự muốn hoàn thành được dịch thành những hướng dẫn luyện tập cá nhân. Nhưng khát vọng là chưa đủ. Cũng sẽ rất thiết yếu với việc nhìn rõ vào các động cơ của chúng ta: Những gì cần thiết cho tôi để theo đuổi một cái gì đó, thậm chí khi những luyện tập vất vả chưa hẳn đã đem lại các cải thiện ngay tức khắc? 
Và cuối cùng, có một câu hỏi về việc làm thế nào chúng ta thực sự có thể đưa những ý tưởng mới và các cách thức thực hiện vào trong tính cách của chúng ta. Điều đặc biệt quan trọng là cách thức chúng ta chuyển những trải nghiệm vào sự lĩnh hội thấu đáo về những gì có thể học hỏi và phát triển. 

Học hỏi từ khủng hoảng 
Trong những bình luận về tiểu sử của mình, Eric Clapton thừa nhận rằng ông đã phải vật lộn với việc viết thành văn về các khía cạnh cuộc sống của ông – đặc biệt là quãng thời gian nghiện ngập và mất đứa con trai – nhưng cũng thấy rằng người đọc sẽ muốn biết về cách thức ông vượt qua và những trải nghiệm đó định hình nên âm nhạc của Clapton như thế nào. Các câu chuyện buồn của Clapton chứng đựng nhiều phát hiện được chia sẻ cho các nhà lãnh đạo kinh doanh – những người thấy bản thân mình cũng phải đương đầu với không ít khó khăn và trải nghiệm không ít thảm kịch. 
Những nhà lãnh đạo kinh doanh danh tiếng – chẳng hạn như Muriel Siebert, người phụ nữ đầu tiên ngồi vào chiếc ghế chủ tịch Thị trường Chứng khoán New York, hay Jeff Wilke, phó chủ tịch cấp cao của Amazon.com – đều sử dụng những trải nghiệm khó khăn trong quá khứ để định hình nên một phương thức lãnh đạo trong đó sự sẵn sàng học hỏi được đặt ở trọng tâm. Họ tìm thấy một cách thức mà tại đấy những bất hạnh có thể khiến họ trở thành những người học hỏi hiệu quả hơn trong suốt phần còn lại của cuộc sống. 
Khả năng thích nghi và phản ứng linh hoạt luôn là nhân tố quan trọng đối với các ngôi sao nhạc rock cũng như đối với các nhà lãnh đạo: Không có sự sẵn lòng học hỏi và phát triển, cả hai sẽ thấy mình bị tụt lại phía sau. Nó là yếu tố cho việc đảm bảo cho một album hay một công ty thành công, đồng thời cũng thoả mãn sự thay đổi nhanh chóng trong thị hiếu âm nhạc của mọi người mà không phải hi sinh hình ảnh cá nhân xuyên suốt. Những nghệ sỹ và các nhà lãnh đạoĩe giữ lại được các điệp khúc quen thuộc nhưng vẫn thể hiện sự “cách tân” bằng những giai điệu và thông điệp mới. 
Sau cùng, có một bài học lãnh đạo khá nghịch lý rút ra từ các ngôi sao nhạc rock trẻ như Alicia Keys hay Neil Young: sức mạnh của sự im lặng. Sự im lặng có thể tạo ra nhưng phỏng đoán và thấy trước, nó có thể khấy động trí tưởng tượng, nó có thể đưa ra một cơ hội để thở và phản chiếu, và với các nghệ sỹ như Keys và Young, nó có thể nêu bật những gì tuyệt vời nhất trong một người nghệ sỹ.
Lần tiếp theo thấy họ trình diễn, hãy chú tới cách thức họ giữ cho khán giả chờ đợi và tạo dựng những mong đợi của mọi người. Đồng thời, hãy chú ý tới cách thức sự phỏng đoán của khán giả khích lệ nghệ sỹ biểu diễn nhiệt thành hơn như thế nào. Trong đó, sự im lặng chính là sức mạnh hiểu rõ người khác cũng như hiểu rõ bản thân – một sức mạnh giúp chúng ta phát triển nhanh hơn nhiều trong khi không tốn nhiều thời gian.

Theo Bwportal/Nguyễn Tuyết Mai dịch từ Business Week