Lãnh đạo ứng xử thế nào với nhân viên là…” con nhà quan “

Thường chỉ có nhân viên sợ sếp, nhưng oái oăm là có nhiều trường hợp sếp lại sợ nhân viên quyền một phép. Lý do là “thân thế” đặc biệt của các nhân viên này.

Từ chuyện bị nhân viên chỉ đạo…

Mai Thanh (Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, HN) học hết lớp 12 ở quê, kỹ năng “khiêm tốn” nên không thi đại học mà làm đủ mọi việc, từ buôn bán hoa quả đến bưng bê ở các quán cà phê. Thời gian đó, Thanh ở nhờ nhà ông chú tại Hà Nội, vừa đi làm vừa giúp đỡ việc nhà cho cô chú. 
Rồi mấy năm gần đây, ông chú của cô bỗng thăng chức vù vù nên dễ dàng xin cho người nhà vào các cơ quan trong tầm ảnh hưởng của mình. Thanh tuy không có chuyên môn nghiệp vụ gì cũng được “nhét” vào một đơn vị dưới quyền ông với chức danh kế toán.
Vào làm việc, Thanh “mượn vía” ông chú quan to nên chẳng sợ ai. Do không có nghiệp vụ nên công việc kế toán bị Thanh làm sai lệch, rối tung lên. Nhưng cô lại có cái miệng hoạt ngôn nhờ kinh nghiệm buôn bán bên ngoài nên tìm cách đổ hết lỗi cho người khác. Nhiều khi sếp biết nhưng “nể” ông chú của Thanh nên chẳng bao giờ truy cứu.

Nói chuyện với mọi người ở cơ quan, bao giờ Thanh cũng bắt đầu bằng câu: “Chú em bảo… ” khiến đồng nghiệp phát chán nhưng sếp thì lại… sợ. 

Thanh làm kế toán quỹ nhưng cô tự ý tham gia cả vào việc chi tiêu mua bán trang thiết bị của cơ quan. Ai cũng biết cô được gì sau các hợp đồng đó nhưng ngay cả sếp cũng không nói thì chẳng ai dám có ý kiến, vì nói cũng chẳng ăn thua.
Dần dần, Thanh còn “chỉ đạo” được cả sếp. Trước dịp 30/4 – 1/5 vừa rồi, sếp đã thông báo miệng tại nhà ăn là thưởng cho mỗi người một tháng thu nhập khiến ai cũng hỉ hả. Nhưng đến khi ra quyết định đóng dấu để nhận tiền thì mọi người chưng hửng vì chỉ được 500 nghìn đồng. 
Chính Mai Thanh đã đề nghị sếp mức thưởng này vì “chú em bảo trên đó chỉ thưởng thế mà dưới mình lại hơn thì không hay lắm”. Và sếp phải ngoan ngoãn nghe lời.

… đến chuyện phải xin từ chức

Giám đốc Thanh Hải, 36 tuổi, nhà ở khu Linh Đàm, Hà Nội, không chỉ phải chịu đựng một vài vị “”con ông cháu cha” mà gần như quá nửa số nhân viên anh quản lý đều là người nhà của các sếp nên không dễ lãnh đạo họ.
Hải được điều về tiếp quản vị trí của vị giám đốc đến tuổi nghỉ hưu của một công ty có trụ sở tại Đống Đa (Hà Nội). Đây là một doanh nghiệp khá mạnh trực thuộc bộ nên nhân viên hầu hết là người nhà của các cán bộ trong ngành (mà đa phần là các VIP). 
Hải còn trẻ, lại là “ma mới” nên ngay từ đầu, những thành phần này đã hùa nhau tìm cách “phủ đầu cho sếp phải ngán”. Khi giám đốc giao việc, họ thường cố tình dây dưa, không hoàn thành hoặc hoàn thành muộn khiến Hải phải “giơ đầu chịu báng” với cấp trên.
Các phong trào công ty tổ chức bao giờ cũng có hai phe: những người ủng hộ và những người đứng ngoài cuộc, chính là đám con ông cháu cha. Có lần vào dịp nghỉ hè, Hải muốn tổ chức cho nhân viên đi nghỉ mát nhưng khi xem danh sách thì chỉ thấy vài người đăng ký.
 Những người còn lại đã bàn nhau tự tổ chức đi riêng vì chê công ty cho ở chỗ kém tiện nghi. Mới về làm được gần hai năm nhưng Hải đang tính chuyện từ chức và xin chuyển đơn vị vì thấy bất lực, khó lòng lãnh đạo được đội “nhân viên của Bộ” kiểu này.

Và mếu dở vì nhân viên

Chuyện của Thịnh, sếp của một trường dạy nghề ở Hà Nội, còn bi hài hơn nữa. Thịnh được cấp trên giao xuống một “biên chế” rất đặc biệt, nghe nói là con của một sếp bự, nhà ở TP HCM. Tài, tên cậu ấm này, muốn gì được nấy từ hồi bé, học thì ít mà lêu lổng với đám bạn xấu thì nhiều. 
Nhưng nhờ bố mẹ “học hộ, thi hộ”, cậu ấm vẫn lấy được bằng đại học. Tốt nghiệp xong, ông bố xin cho vào làm chỗ nào cậu cũng phá đám, bỏ ngang. Có khi cả tháng Tài bỏ đi chơi cùng đám bạn mà không thèm xin phép, báo cáo cơ quan.
Hết cách, ông bố đành gửi Tài ra Hà Nội xem có thay đổi được gì không. Thế là tài thành nhân viên của Thịnh. Bàn giao con trai cho Thịnh, vị sếp bự không quên dặn một câu khiến anh khóc dở mếu dở: “Cậu quản lý nó thế nào thì quản lý nhưng xảy ra việc không hay với nó thì tôi chỉ hỏi cậu thôi đấy”. Và quả đúng như lời cảnh báo, Tài đã khiến cả cơ quan Thịnh nhiều phen náo loạn.
Tài được giao việc ở phòng quản lý học viên, nhưng trường phải cử thêm ba người khác quản lý Tài. Được gần hai tháng, cậu bỗng nhiên nghỉ dài mà cả ba người đó không hề biết cậu đi đâu. Mãi đến khi cơ quan nhận được giấy của công an thì mới biết Tài bị bắt vì tội đánh bạc. 
Thịnh phải thay mặt gia đình bảo lãnh, xin cho Tài về. Theo quy định của Trường, để vẫn được làm việc, Tài phải viết cam kết nhưng cậu thẳng thừng bảo: “Anh thích thì đi mà viết”. Thế là Thịnh phải tự viết bảo lãnh cho cậu ta ở lại trường. Sau đó, Tài vẫn liên tiếp bỏ làm, thậm chí còn rủ cả học viên lập sới bạc trong trường với số tiền rất lớn. 

Cuối cùng, Thịnh đành xin giao Tài cho bố cậu ta. Anh mua vé máy bay đi cùng Tài vào tận TP HCM “trả tận tay” cho phụ huynh vì sợ cậu ta lại bỏ đi mất thì không biết ăn nói ra sao với sếp.

Việc nhận các “con ông cháu cha” vào cơ quan đa phần là theo “đường tắt” chứ ít khi có sự tuyển dụng, thi cử như bình thường. Do đó, năng lực làm việc của họ có thế nào thì sếp phải chịu vậy. 
Theo đánh giá của ông Nguyễn Thanh Phúc (nhà ở phố Lê Trọng Tấn, Thanh Xuân, Hà Nội, đang là lãnh đạo một cơ quan nhà nước), tình trạng này hiện vẫn khá phổ biến, đặc biệt là ở cơ quan nhà nước. 
Một số cơ quan có luật bất thành văn là khi bố nghỉ hưu sẽ có một suất cho con cháu vào biên chế cơ quan, bất kể có phù hợp với điều kiện, tiêu chuẩn công việc hay không.
Ông Phúc còn dẫn chứng một trường hợp khá buồn cười mà ông biết: Ở một viện nghiên cứu, ông bố về hưu nên cậu con trai được nhận vào làm trong phòng biên soạn dù cậu này trước đó đi học nghề… trang điểm cô dâu. 
“Khi nào vẫn còn chuyện bố trí công việc dựa theo mối quan hệ thì sẽ còn nhiều chuyện bi hài lắm. Và đặc biệt là sẽ rất khó để cơ quan, đơn vị thực hiện tốt công việc”, ông Phúc bình luận.

Theo tuyendung.timviecnhanh.com