Đào tạo nguồn nhân lực CNTT: Chất lượng chưa cao so với tầm nhìn chung

Trong vòng 10 năm qua, năng lực đào tạo nhân lực công nghệ thông tin và truyền thông của Việt Nam tăng hơn 5 lần, nhưng chất lượng nhân lực lại chưa tăng tương xứng.Từ năm 2000 đến 2010, số lượng các cơ sở đào tạo đại học về công nghệ thông tin và truyền thông tăng với tốc độ trung bình 17%/năm, còn số các cơ sở đạo tạo cao đẳng tăng 19%/năm (chi tiết xin xem bảng).

Tuy nhiên, theo nhận định của ông Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo), đào tạo nhân lực trong ngành đã cơ bản đáp ứng về số lượng, nhưng chất lượng còn nhiều hạn chế, đặc biệt là ở khả năng ngoại ngữ và trình độ chuyên môn sâu.

“Thông thường, sau khi tốt nghiệp, các sinh viên phải tham gia các khoá bồi dưỡng nghiệp vụ theo yêu cầu của doanh nghiệp, đồng thời phải học và thi lấy chứng chỉ chuyên môn sâu về công nghệ thông tin và truyền thông của một số hãng lớn như Micrsoft, Oracle, Cisco…, thì mới có thể đảm nhiệm tốt công việc tại doanh nghiệp”, ông Ngọc cho biết thêm.

Phần lớn doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông cũng khẳng định, sau khi tuyển dụng, họ đều phải mất 3-6 tháng để đào tạo các kỹ năng cho nhân viên mới tuyển trước khi giao việc chính thức.

Chẳng hạn, trong giai đoạn 2009-2010, Tập đoàn Bưu chính – Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã đào tạo về công nghệ thông tin và truyền thông cho khoảng 5.000 cán bộ, công nhân viên. Dự kiến, trong 5-10 năm tới, VNPT sẽ chi khoảng 500 tỷ đồng để phát triển nguồn nhân lực.

Theo lãnh đạo của một hãng công nghệ thông tin nước ngoài, hãng này còn đang chần chừ quyết định đầu tư vào Việt Nam chỉ vì vấn đề nhân lực. Nếu có được sự hỗ trợ từ phía Chính phủ về vấn đề nhân lực, hãng sẽ nhanh chóng đầu tư một trung tâm giải pháp phần mềm tại Việt Nam trong đầu năm tới.

Ông Đỗ Trung Tá, Phái viên của Thủ tướng Chính phủ về công nghệ thông tin và truyền thông cũng cho biết, Việt Nam chỉ trở thành điểm đến hấp dẫn đối với nhiều tập đoàn công nghệ thông tin và truyền thông lớn trên thế giới khi có nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc được ở cả trong nước và quốc tế.

Để cải thiện chất lượng nguồn nhân lực cho công nghệ thông tin và truyền thông, theo Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, thay vì chờ đợi nguồn nhân lực do các trường đạo tạo, các doanh nghiệp hãy trực tiếp tham gia quá trình đào tạo, để thực hiện kết nối cung cầu nhân lực bằng phương tiện kinh tế.

 “Doanh nghiệp cần nhân lực thì yêu cầu các cơ sở đào tạo và phải hợp tác, trả tiền thì sẽ nhận được cái mình muốn”, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nói.

Tuy nhiên, để làm được điều đó, theo Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, cần phải thành lập một trung tâm dự báo về nhân lực công nghệ thông tin và truyền thông.

Trung tâm này có thể được thành lập theo hình thức là đơn vị sự nghiệp, hoặc giao các hội, hiệp hội thực hiện, hay thuê một công ty làm theo hình thức đấu thầu.

Tại thời điểm này, đã có 3 doanh nghiệp là TMA, VNPT và FPT tự thành lập cơ sở đào tạo để phục vụ nhu cầu nhân lực của mình và của các doanh nghiệp khác. Theo ông Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Trường đại học FPT, Trường mới chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu nhân lực của tất cả các công ty thành viên của FPT.

Theo Báo đầu tư