Để xây dựng được những chiến lược thành công, doanh nghiệp cần cân nhắc vị trí tương đối trên một bản đồ ba chiều gồm có một trục để xác định vị trí về sản phẩm dịch vụ, một trục về kiến thức đang có và cần có, và một trục về những điều có thể cải tiến ở cả bên trong và bên ngoài.
Phương pháp định vị ba chiều
Để thành công trong môi trường kinh doanh như hiện nay, doanh nghiệp phải liên tục cải tiến qua phương pháp định vị ba chiều.
Cách đây chưa lâu, có một hiện tượng khá phổ biến ở Việt Nam là nhiều doanh nghiệp tỏ ra rất “nhanh nhạy”, bung ra làm ăn trên nhiều mảng, nhiều lĩnh vực khác nhau, ngành nào nổi cộm cũng góp mặt, lên như diều gặp gió. Nhưng khi “gió thành bão”, tình hình biến động khó khăn thì nhiều “con diều tưởng chừng đang lên đó có một số bị đứt dây, gãy cánh quay về với lĩnh vực hoạt động truyền thống. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp trong số đó về sau đã thừa nhận họ thua vì chưa “biết người biết ta” khi muốn mở rộng phát triền.
Phân tích trên góc độ khoa học thì khi xây dựng chiến lược kinh doanh, ngoài việc định vị sản phẩm, dịch vụ, doanh nghiệp còn phải biết định vị những điều mình biết và những điều mình có thể cải tiến trong lĩnh vực muốn hoạt động. Việc định vị này có ý nghĩa quan trọng tương đương với định vị sản phẩm truyền thống và phải luôn được thực hiện kết hợp trong việc xây dựng chiến lược vì nó sẽ giúp doanh nghiệp xác định được khả năng của mình và chỉ ra nhiều hướng phát triển.
Định vị kiến thức
Trước khi thực hiện một bước đi nào đó, doanh nghiệp cần xác định rõ mình hiểu như thế nào và cần có thêm những kiến thức gì để cạnh tranh trên thị trường muốn hướng đến. Từ những cuộc tự kiểm tra “trình độ” và tìm ra những “lỗ hổng kiến thức” như vậy, doanh nghiệp có thể nhận biết nên hoạt động kinh doanh những sản phẩm, dịch vụ nào đê phù hợp với khả năng hiện có và nên trau dồi thêm những kiến thức gì đề có thể phát triển như ý muốn.
Thiếu sót trong việc định vị kiến thức sẽ dẫn đến nhiều cái “chết do thiếu hiểu biết” trong kinh doanh. Ví dụ Công ty Polaroid (Mỹ) từng muốn nhảy qua thị trường máy ảnh kỹ thuật số trong khi chỉ mạnh về lĩnh vực máy chụp hình lấy liền (nơi Polaroid gần như không có đối thủ). Sai sót trong định vị kiến thức khiến Polaroid suýt phá sản vào năm 2001. Nhìn lại trong nước, cũng có không ít công ty đang đứng vững ở một ngành nhưng khi nhảy qua ngành khác lại bị chết do chưa thực hiện việc định vị kiến thức một cách thấu đáo.
Nhận rõ điều mình tiết và cần biết sẽ giúp doanh nghiệp lập được bản đồ xác định vị thế cạnh tranh của mình và của đối thủ trên phương diện kiến thức. Bản đồ đó có thể giúp tìm ra những hướng đi mới và nhận diện những đối thủ mới mà cách định vị sản phẩm truyền thống không làm được. Ví dụ cho đến khi xuất hiện những loại sữa giàu can-xi, thức ăn giúp giảm béo thì nhiều công ty dược mới giật mình nhận ra rằng những nhà sản xuất thực phẩm, trước đây không hề được nêu trong danh sách cạnh tranh, nay lại là đối thủ đáng gờm cho nhiều sản phẩm của họ. Nhưng nếu lập bản đồ định vị kiến thức thì các công ty dược có thể dễ dàng nhận thấy những khu vực có thể xảy ra “chiến sự” do có nhiều vùng giao thoa về mặt kiến thức công nghệ giữa những sản phẩm dược và thực phẩm. Nếu không xác định rõ thì sẽ rất dễ đế mất những vùng giao thoa công nghệ đó vào tay đối thú trước đây không biết mặt. Hẳn ai cũng thấy Sony và Casio đang “càn quét” ra sao trên thị trường máy ảnh kỹ thuật số khi mà trước đó họ không được biết đến như những nhà sản xuất máy chụp hình.
Định vị vùng có thể cải tiến
Định vị kiến thức rõ ràng phải được xem là một phần không thể thiếu trong việc xây dựng chiến lược kinh doanh. Nhưng xác định được cái mình biết và cần biết vẫn chưa đủ. Để thành công trong tình hình luôn biến đổi nhanh chóng như hiện nay, doanh nghiệp phải liên tục cải tiến. Do đó quan trọng là phải luôn xác định là với vị trí hiện tại của mình trên thị trường (định vị sản phẩm dịch vụ) và với những cái mình biết và có thể biết (định vị kiến thức), ta cần và có thể làm những gì để cải tiến. Đó là việc định vị vùng có thể cải tiến. Ba công tác định vị này phải luôn được thực hiện kết hợp với nhau khi xây dựng chiến lược kinh doanh.
Việc cải tiến trong kinh doanh thường được nghĩ một cách đơn giản là đưa ra sản phẩm, dịch vụ mới. Nhưng đó chỉ là một trong rất nhiều những vùng có thể cải tiến. Về bên ngoài, doanh nghiệp có thể cải tiến khâu phân phối, cách tiếp thị, giá bán hấp dẫn hơn… Bên trong, doanh nghiệp có thể cải tiến quy trình sản xuất, cách quản lý, cách tuyến dụng và giữ nguồn nhân lực… Quan trọng là phải định vị được những chỗ cần cải tiến phù hợp với vị trí và khả năng của mình.
Tóm lại, để xây dựng được những chiến lược thành công, doanh nghiệp cần cân nhắc vị trí tương đối trên một bản đồ ba chiều gồm có một trục để xác định vị trí về sản phẩm dịch vụ, một trục về kiến thức đang có và cần có, và một trục về những điều có thể cải tiến ờ cả bên trong và bên ngoài.
Theo Economics.com.vn