Năm 2011 là năm của những thảm họa trong ngành quan hệ công chúng (PR). Và cộng đồng mạng xã hội Twitter đã khiến cho bức tranh của ngành này càng trở nên đặc biệt ảm đạm.
11 thảm họa PR lớn nhất năm 2011
“Dường như hiện nay công chúng rất thích thú với những thảm họa này!”. Đó là nhận xét của Paul Argenti, một giáo sư về truyền thông doanh nghiệp tại Trường Đại học Kinh DoanhDartmouth’s Tuck – người đã cố vấn cho rất nhiều các khách hàng lớn bao gồm cả Goldman Sachs và General Electric về quản lý thương hiệu.
“Trước đây, mọi người thường không thích thú với sự thất bại của các doanh nghiệp. Nhưng hiện nay có nhiều suy nghĩ tiêu cực về các doanh nghiệp và mọi người trở nên thích thú với sự thất bại của các doanh nghiệp hơn bao giờ hết.”, Paul Argenti nói.
Dưới đây là danh sách 11 thảm họa PR lớn nhất năm 2011 theo đánh giá của giáo sư Paul Argenti được đăng tải trên Business Insider.
1. Netflix
Netflix đã làm hàng triệu khách hàng của mình tức giận vào mùa thu vừa qua khi Giám đốc điều hành (CEO) Reed Hastings tuyên bố rằng ông sẽ tách công ty này thành hai. Đã xảy ra một sự phản ứng chống lại Qwikster mạnh mẽ đến nỗi giá cổ phiếu của công ty này sụt giảm thê thảm, và chỉ 23 ngày sau, ông ta đã phải rút lại lời tuyên bố của mình.
(Hiện nay Hastings đang phải trả giá cho hành động này, bằng việc bị cắt 50% thưởng cổ phiếu trong năm tới). Argenti cho biết Netflix sẽ không bao giờ có thể lấy lại được vị thế là một hãng thống trị thị trường như trước đây.
2. Olympus
Cựu giám độc điều hành người Anh Michael Woodford đã bộc lộ “một trong những vụ dàn xếp che dấu lỗ lớn nhất và kéo dài nhất trong lịch sử doanh nghiệp Nhật Bản này” bằng cách tiết lộ rằng Olympus đã che dấu khoản lỗ 1,5 tỷ USD tiền đầu tư trước đó 3 thập kỷ. Những chi tiết vẫn đang được làm sang tỏ, và theo Reuters, trong tuần này, các công tố viên Nhật Bản cho biết, họ sẽ lục soát các văn phòng của Olympus và nhà riêng các lãnh đạo hãng này.
3. Rupert Murdoch
Vụ scandal nghe trộm của tờ The News of The World đã phá tan tành thương hiệu News Corp của Murdoch và cuối cùng là phá tan cả di sản/thành quả của ông ta. Vụ việc đã dẫn tới các vụ điều tra của cảnh sát và chính phủ về hối lộ và tham nhũng ở nước Anh, và các cuộc điều tra của FBI trên lãnh thổ Mỹ. Ông trùm truyền thông 80 tuổi này đã phải trả không ít tiền dàn xếp cho các nhân vật nổi tiếng và vụ việc vẫn chưa có hồi kết.
4. Công ty Năng lượng Điện Tokyo (TEPCO)
Vụ động đất và sóng thần Tohoko đã phá hủy nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi của TEPCO và dẫn đến tai nạn hạt nhân lớn nhất kể từ Chernobyl. Các lò phản ứng bị hư hãi đã dẫn tới rò rỉ phóng xạ và sơ tán 50 nghìn hộ gia đình. Chủ tịch TEPCO, Masataka Shimizu, đã phải vào viện kiểm tra ngay sau khi thảm họa xảy ra và từ chức vào tháng 5. Trong khi đó, công ty này báo cáo thiệt hại khoảng 15 tỷ USD –mức thiệt hại lớn nhất của một công ty phi tài chính trong lịch sử Nhật Bản.
5. Anthony Weiner
Cựu dân biểu New York đã hủy hoại sự nghiệp của mình khi bị bắt quả tang đang tải lên Twitter những bức ảnh thân mật của ông ta với một phụ nữ trẻ. Hậu quả của việc này, theo Argenti, là “khủng khiếp kéo dài”. Sự nghiệp chính trị của Anthony coi như đã chấm dứt.
6. Penn State
Vụ scandal lạm dụng tình dục trẻ em liên quan đến trợ lý huấn luyện viên Jerry Sandusky đã hủy hoại danh tiếng chương trình thể thao của Penn Sate trong tương lai trước mắt. Danh tiếng của trường đại học này được xây dựng từ tiền mà họ kiếm được từ thể thao. Chính vì thế, mọi người sẽ ngần ngại khi đăng ký cho con học trường này. Thay vì cố tìm cách che dấu vụ việc, trường nên làm cho mọi việc trở nên rõ ràng càng sớm càng tốt.
7. Warren Buffett
Buffett đã dính vào một vụ việc không có lợi cho danh tiếng hiếm hoi vào đầu năm nay, khi một trong những người kế nghiệp tiềm năng của ông, David Sokol, mua khoản cổ phiếu của Lubrizol trị giá khoảng 240 nghìn USD sau khi được tư vấn bởi Citigroup, sau đó đã hối thúc Bufett mua lại công ty này. Buffett đã mua lại công ty với giá 9 tỷ USD. Buffett là người cực kỳ thận trọng với danh tiếng của mình và là người rất thiện chí, chính vì thế ông gần như được các nhà đầu tư của mình tha thứ.
8. Silvio Berlusconi
Cựu Thủ tướng Italia là người giàu thứ 3 ở quốc gia này (tài sản khoảng 6,2 tỷ USD) và có cổ phiếu lớn tại các công ty truyền thông trong nước. Ông ta đã thành công trong việc bảo vệ vị trí của mình giữa cơn bão chỉ trích về các mối quan hệ với phụ nữ. Nhưng cuộc khủng hoảng nợ châu Âu khiến quốc hội phải gây sức ép buộc Berlusconi phải từ chức. Hiện nay ông ta đang phải ra tòa với các cáo buộc lừa đảo, hối hộ và quan hệ tình dục với trẻ vị thành niên.
9. Siêu ủy ban điều tra thâm hụt ngân sách của Quốc hội Mỹ
Ủy ban này được thành lập sau đàm phán kéo dài 11 giờ về nợ trần của Mỹ vào tháng 8 vừa qua. Nhưng thay vì giải quyết những vấn đề bế tắc liên quan đến đảng phái và đưa ra những giải pháp để cân bằng ngân sách, siêu ủy ban này tuyên bố họ không thể đưa ra được một thỏa thuận nào tại thời hạn cuối cùng vào tháng 11.
10. Charlie Sheen
Sheen đã có một năm cực kỳ tồi tệ. Ma túy, rượu và các vấn đề về hôn nhân trở thành các đề tài công khai bàn tán. Nhưng thay vì nỗ lực để giải quyết các vấn đề, Sheen đã làm tình trạng trở nên tồi tệ hơn với một vài lần xuất hiện trước công chúng hết sức phản cảm, khiến cho anh ta bị đá khỏi show truyền hình “Two and a half men”.
11. Kim Kardashian
Kardashian là một người nổi tiếng nữa hủy hoại danh tiếng của mình trong năm 2011. Sau khi kết hôn được đúng 72 ngày và kiếm được 1,5 triệu USD từ tiền bán bộ ảnh cưới, cô đã li dị chồng, ngôi sao bóng rổ Kris Humphries. Hành động này đã khiến người hâm mộ của cô cảm thấy bị phản bội. Hiện nay Kardashian còn đang bị điều tra vì tội bóc lột công nhân.
Làm thế nào để các công ty tránh được các thảm họa PR? Theo Argenti thì vấn đề nằm ở chỗ một công ty phản ứng như thế nào khi điều gì đó tồi tệ xảy ra. Các công ty lớn sẽ làm mọi việc có thể để bảo vệ danh tiếng của mình. Họ nhận ra họ cần phải minh bạch hơn cho dù trước đó họ thường rất bí mật. Và việc họ gặp gỡ báo chí đã mang lại hiệu quả. Các thảm họa PR cũng là lời nhắc nhở để các công ty cần phải có kế hoạch từ trước và phát triển các chính sách truyền thông để có thể đối phó hiệu quả với các tình huống.
Theo Khánh Tường – Doanh Nhan Vang