Truyền thông xã hội – Chiến lược nào cho doanh nghiệp

Tờ Business Week vừa có bài viết của Stephen Baker có tên “Thận trọng với “nọc độc” của truyền thông xã hội”, đưa ra một lập luận đầy kiêu khích. Tác giả cho rằng tất cả sự thổi phồng, cường điệu xung quanh mạng xã hội, wiki và blog đối với việc kinh doanh đã phớt lờ những rủi ro tiềm ẩn và chỉ làm tốn thời gian.
Dù tôi nghĩ rằng ông hơi quá lời, nhưng ông lại đưa ra một câu hỏi quan trọng mà tất cả các nhà quản lý và nhân viên cần phải hỏi: Đâu là giá trị kinh doanh của việc sử dụng truyền thông xã hội? Theo quan điểm của tôi, việc sử dụng những công cụ này chắc chắn phải có sự ảnh hưởng rõ ràng về mặt kinh doanh. 
Hãy xem sự hợp tác trong các công ty (các công ty này khác nhau trong việc sử dụng những công cụ truyền thông xã hội đối với hoạt động marketing và PR). Triển vọng của truyền thông xã hội, hay “doanh nghiệp 2.0” như mọi người thường vẫn gọi, là nhân viên có thể tìm kiếm thông tin và làm việc cùng nhau tốt hơn nếu họ sử dụng blogs, wikis, mạng xã hội, chia sẻ tài liệu, trang thông tin cá nhân Facebook và những gì tương tự. 
Nhưng liệu những hành động này có hữu ích với một công ty hay không? Thực ra gì điều đó thì còn tùy. Vấn đề hiển nhiên trước tiên là bạn có thể tốn rất nhiều thời gian vào mạng truyền thông xã hội, và thời gian đó không được sử dụng để làm những điều khác, ví dụ như để hoàn thành xong công việc của bạn trong ngày. 
Vì vậy nó chỉ hữu ích nếu kết quả (ví dụ như tìm ra những thông tin bổ ích) có thể biện minh được cho hành động (toàn bộ thời gian sử dụng cho mạng xã hội). Đó là sự tập trung vào đầu ra chứ không phải đầu vào. 
Một số người bỏ qua điểm này: Họ nghĩ đến thành công được chấp nhận trong một công ty là số lượng wiki, blog, tweet và trang Facebook mà mọi người tạo ra và sử dụng. Nói cách khác, họ đánh giá sự thành công như là mức độ hoạt động. 
Nhưng điều đó cũng giống như nói “trong công ty tôi, chúng tôi có rất nhiều cuộc họp vì vậy chắc rằng chúng tôi đang làm điều gì đó đúng đắn”. Như một chuyên gia về doanh nghiệp 2.0 Oliver Marks nói với tôi: “Các cuộc nói chuyện ngẫu nhiên trên Twitter hoặc trực tuyến có thể ngốn thời gian khủng khiếp hơn cả các cuộc họp không chủ đề”. Nhiều hơn không nhất thiết là tốt hơn.Tuy vậy, có một vấn đề còn lớn hơn. 
Các công cụ truyền thông xã hội chỉ thực sự hữu ích với một số vấn đề. Các nhà quản lý cần phải tự hỏi: liệu các công cụ truyền thông xã hội có giải quyết được những thách thức quan trọng của tôi hay không? Hãy nghĩ đến sự hợp tác trong nội bộ công ty. Tại sao mọi người trong công ty bạn lại không hợp tác với nhau tốt hơn? Có thể có rất nhiều lý do.
Một số rào cản đối với sự hợp tác mang tính động lực mọi người không sẵn sàng chia sẻ thông tin và tìm kiếm sự giúp đỡ, có thể bởi vì họ coi đồng nghiệp như đối thủ hoặc chỉ quan tâm đến hiệu quả của cá nhân họ. Các công cụ truyền thông xã hội sẽ không ích gì trong việc khắc phục những vấn đề về động lực như vậy. Bạn có thể cần những giải pháp khác cho vấn đề này ví dụ như thay đổi hệ thống khuyến khích theo đó mọi người được thưởng do giúp đỡ người khác. 
Nếu bạn cứ mù quáng tập trung vào việc đầu tư vào các công cụ mạng xã hội, wiki, và blog trong công ty mà không giải quyết những vấn đề về động lực trước thì bạn sẽ phạm phải một sai lầm lớn về quản lý. Bạn áp dụng sai giải pháp cho vấn đề của bạn. Bạn đã mua thuốc ho cho bệnh đau chân.Chúng ta cần phải trung thực và chính xác về nơi nào các công cụ truyền thông xã hội có ảnh hưởng và nơi nào không. Nhờ vậy mà chúng có thể trở thành những công cụ hữu ích và chúng sẽ không còn bị gán cho là “nọc độc” thêm nữa. 

(Bài viết của Morten Hansen trên Harvard Business Publishing. Ông là tác giả của cuốn Sự hợp tác: Làm thế nào người lãnh đạo tránh khỏi những cái bẫy, tạo ra sự thống nhất và thu lại kết quả tốt (Harvard Business Press, 2009). Ông là giáo sư tại trường đại học California, Berkeley và tại INSEAD).

Theo Diễn đàn quản trị