Ngày nay, những doanh nghiệp nhỏ sản xuất theo một dòng sản phẩm, như: nước mắm, cà phê,… đang đối đầu với những lựa chọn hết sức khó khăn.
Nếu tiếp tục sản xuất một mặt hàng đơn điệu thì không đủ doanh thu để hoạt động, nếu mở rộng sản xuất thì không đủ nguồn lực, vậy là họ phải nhận phân phối thêm mặt hàng của các công ty khác để tận dụng nguồn lực: nhân viên thị trường, xe giao hàng,…
Hướng này xem ra có vẻ ổn nhưng sẽ biến chúng ta thành nhà phân phối chứ không phải nhà sản xuất và vô hình bạn bị phân tán tài chính và nguồn lực.
Bạn phải thanh toán trước khi khi nhận hàng, thông thường là 70% giá trị lô hàng. Và bạn phải mất một thời gian để thích ứng với thị trường, thời gian đó kéo dài ít nhất 3 tháng và bạn bị giam vốn, chưa kể sản phẩm của bạn mới và bạn bị các nhà bán lẻ chiếm dụng vốn. Nhân viên thị trường của bạn bị phân tán tư tưởng, dần dần họ mất tập trung vào sản phẩm chính.
Như vậy, bạn là một ông chủ của công ty sản xuất nhưng lại phải tìm đầu ra cho công ty người khác. Nếu không phải đầu óc bạn không ngăn nắp thì việc này sẽ rất khó khăn. Có hai cách để bạn trở thành nhà phân phối,
Cách thứ 1: Bạn phân phối cho những công ty nổi tiếng, bằng cách đứng trên vai người khổng lồ, đối tác của bạn đã có thương hiệu và việc bán hàng không có gì khó khăn. Nhưng thông thường những công ty này đã có nhà phân phối và bạn chịu làm đại lý cấp 2.
Cách thứ 2: Bạn phân phối cho một công ty chưa có thương hiệu. Phần chiết khấu tương đối cao, có khi lên đến 25% tổng giá trị lô hàng, nhưng cách này không dễ.
Với cách này, bạn phải bắt đầu xây dựng thị trường, trích phần trăm lợi nhuận để chạy chương trình. Trong khi đó thị trường chưa chấp nhận về chất lượng cũng như thương hiệu sản phẩm.
Cả hai cách, bạn phải chịu áp lực về doanh số. Chưa kể nếu nhà đối tác của bạn có thể đẩy bạn ra khỏi thị trường nếu họ có khả năng tự phân phối. Nếu là người nhìn xa, bạn phải mất công xây dựng hệ thống phòng thủ và tạo cho mình sức mạnh mềm của các nhà phân phối.
Trong tình hình như vậy, việc tiếp tục sản xuất hoặc đầu tư thêm dây chuyền sản xuất mặt hàng khác là một hướng đi tối ưu. Điều đó mới thật sự tận dụng được lợi thế của nhà sản xuất. Bạn nên mua dây chuyền quy mô nhỏ cho một sản phẩm gần giống với dòng sản phẩm cũ. Ví dụ: nếu đã sản xuất nước mắm thì có thể sản xuất thêm nước tương, xì dầu,…
Với một số người họ mạnh dạn đầu tư sản xuất lĩnh vực khác biệt, như mua thêm dây chuyền rang xay cà phê, hoặc thuê gia công các sản phẩm khác và làm thương hiệu của mình.
Theo Saga