Xây dựng thương hiệu cá nhân thời đại tin học

Thương hiệu cá nhân, một cụm từ không còn là xa lạ. Trong thời đại Internet bùng nổ như hiện nay, thương hiệu cá nhân là yếu tố sống còn để cạnh tranh, phát triển trong kinh doanh cũng như tại nơi làm việc.
Tuy nhiên, xây dựng thương hiệu cá nhân không phải là việc làm một sớm một chiều, nó là hoạt động nỗ lực gần như suốt cuộc đời. Vậy làm sao để tên của bạn trở thành thương hiệu?
1. Hoạch định thương hiệu
Trước khi “tung” ra thương hiệu của bạn, hãy hoạch định thật kỹ càng. Bạn muốn người khác nhìn nhận bạn ở điểm nào? bạn muốn người khác nói gì về bạn? Để trả lời câu hỏi này, ngoài việc trả lời câu hỏi “mong muốn” còn phải trả lời câu hỏi “bạn phù hợp với điều gì nhất? điều gì mang lại cho bạn niềm đam mê, bạn có sở trường gì? bạn bè của bạn thán phục bạn ở điểm nào…?

2. Xác định “phân khúc” của bạn
Điều này đặc biệt quan trọng trong xây dựng thương hiệu cá nhân. Không ai có thể hoàn thiện tất cả, mà cái gì là “tất cả” thì cũng đồng nghĩa với “không là gì cả”. Hãy xác định bạn muốn được nhìn nhận trong lĩnh vực nào. Hãy xây dựng cho mình 1 câu “định vị” ví dụ như “chuyên gia về Marketing, chuyên gia về Quản trị nhân sự hay chuyên gia về… ăn nhậu..” Sao cũng được miễn là nó phản ánh được đúng chính bạn.
3. Hãy xem việc xây dựng thương hiệu là thương vụ đầu tư nghiêm túc
Thật vậy, nhiều người ý thức tầm quan trọng của xây dựng thương hiệu nhưng lại thực hiện một cách nửa vời. Hãy xác định cho mình đích đến cụ thể và nỗ lực liên tục để đạt được nó
4. Xây dựng “tên” bạn
Thông thường cách hay nhất là dùng chính tên của bạn để làm thương hiệu. Nếu cái tên “cha sinh mẹ đẻ” không được hay lắm, hãy dùng 1 nickname ấn tượng. Đặt tên gì thì tùy bạn, nhưng luôn nhớ nguyên tắc: dễ đọc, ấn tượng và không được thường xuyên thay đổi.
5. Hãy bắt đầu bằng các bài viết
“Content is King, link is Queen” luôn đúng trong môi trường Internet. Bạn nên bắt đầu “mối liên kết” với mạng lưới của mình thông qua các bài viết do chính bạn thực hiện. Trong giai đoạn này, đừng quá lo lắng về năng lực viết của mình. Hãy viết những gì mình cho là đúng là ổn. Lưu ý các bài viết phải có trọng tâm vào phân khúc ở bước 2 nhé.
6. Biết cách truyền bá thông điệp của mình.
Sau khi đã bắt đầu viết bài, hãy nhân rộng nó bằng các mạng xã hội. Bạn có thể tự tạo cho mình một trang blog cá nhân. Theo kinh nghiệm của tôi, bạn có thể mua 1 tên miền có tên của bạn. Sau đó thiết kế 1 blog trên tên miền đó (Blogger và WordPress là những dịch vụ miễn phí tốt nhất hiện nay).
7. Luôn tương tác 
Nếu bạn dùng mạng xã hội hoặc blog hãy luôn chú ý đến tương tác giữa bạn và đọc giả. Hãy luôn đặt những câu hỏi mở để khơi gợi người khác trả lời. Một Trang blog được xem là thành công nếu có sự tương tác giữa người viết và người đọc.


8. Luôn theo dõi lượng truy cập và điều chỉnh nguồn quảng bá phù hợp
Nhiều người ảo tưởng rằng viết thật tốt thế là ổn. Với hàng triệu trang web và hàng tỉ thông điệp phát ra mỗi ngày, bạn phải kiếm cho mình kênh truyền thông phù hợp. Kênh truyền thông phù hợp là kênh truyền thông đạt yêu cầu: người đọc là đối tượng bạn muốn truyền tải.
9. Trung thành với những gì bạn muốn gây dựng và liên tục lặp lại
Bạn xác định là người chuyên nghiệp về quản lý thì đừng tạo cho mình là người chuyên nghiệp về kỹ thuật. Hãy luôn trung thành với những gì bạn muốn người khác cảm nhận về bạn.
Thương hiệu cá nhân không phải là cái bạn có mà là cái người khác cảm nhận thế nào về bạn, bạn có cái gì để người khác “mua” không? Hãy luôn suy nghĩ về câu hỏi đó.
Chúc các bạn thành công

Theo Diễn đàn quản trị