Trung Quốc, Ấn Độ tăng trưởng ấn tượng: Đã đến lúc định nghĩa lại về thị trường mới nổi?

Bất chấp những ví dụ trong quá khứ, việc thị trường mới nổi có sức đề kháng vượt bậc qua những biến động thời gian gần đây đang khiến các chuyên gia phải nhìn nhận lại thế nào là nền kinh tế mới nổi.


Ảnh minh họa

Thông thường, những thị trường mới nổi như Trung Quốc đại biểu cho nhiều rủi ro cũng như lợi nhuận với các nhà đầu tư. Tuy nhiên, thời gian dài phát triển dường như đã khiến các nền kinh tế này trở nên mạnh mẽ hơn trước những tác động từ bên ngoài.

Trong vài năm trở lại đây, các thị trường mới nổi chứng kiến hàng loạt biến động trên thế giới, từ việc giá dầu giảm mạnh, giá hàng hóa giảm sâu, xung đột của Nga tại Ukraine, Thái Lan có vua mới, Philippines với cuộc chiến ma túy, Malaysia bất ổn chính trị đến Trung Quốc đổi tiền chống tham nhũng.

Gần đây nhất khi Tổng thống Mỹ Donald Trump mới lên nhận chức, quan điểm chống toàn cầu hóa và bảo hộ doanh nghiệp Mỹ đã khiến giá trái phiếu Mỹ đi lên, đẩy giá nhiều loại tải sản của các nước mới phát triển đi xuống. Nhiều nhà đầu tư lo ngại lời cảnh báo của Tổng thống Trump sẽ khiến hàng loạt tập đoàn quốc tế rút nhà máy trở về Mỹ để sản xuất.

Tất cả những yếu tố trên đều được các chuyên gia dự đoán là có tác động xấu đến những nền kinh tế mới nổi do cấu trúc kinh tế còn yếu. Tuy nhiên, điều trớ trêu là các thị trường này vẫn tiếp tục phát triển bất chấp những tác động tiêu cực từ bên ngoài.

Tính đến tháng 6 năm nay, số liệu của Cục nghiên cứu chính sách kinh tế Hà Lan (NBEPA) cho thấy tổng xuất khẩu của những thị trường mới nổi đã tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2011.

Lợi nhuận khi đầu tư vào trái phiếu, cổ phiếu của các thị trường mới nổi (tháng 1/2013=100 điểm)

Nhu cầu cho mặt hàng chip bán dẫn cũng như cảm ứng điện tử đã khiến các nền kinh tế như Hàn Quốc và Malaysia được lợi lớn từ xuất khẩu. Trong khi đó, kinh tế Nga cũng đã ổn định trở lại nhờ đà cân bằng của giá dầu. Tại Châu Mỹ Latinh, thời tiết thuận lợi đã khiến các vụ thu hoạch đậu nành và ngô được suôn sẻ, qua đó đóng góp lớn cho nền kinh tế.

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2017, GDP của các thành viên trong nhóm BRIC đã tăng mạnh nhất so với 3 năm trước đó. Mặc dù không thể so sánh được với thời kỳ tăng trưởng nóng 2003-2006 nhưng tốc độ tăng trưởng của các nước Brazil, Ấn Độ, Nga, Trung Quốc cũng cho thấy các nền kinh tế này đã mạnh khỏe hơn so với trước đây, chống chịu được với các cuộc biến động mạnh.

Báo cáo của 21/24 nền kinh tế mới nổi trong bảng chỉ số chứng khoán toàn cầu (MSCI) cũng cho thấy GDP quý II tăng trưởng hơn so với quý I/2017. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2009 nhiều nền kinh tế mới nổi cho kết quả tốt đến như vậy.

Thậm chí thị trường tiền tệ, trái phiếu và cổ phiếu của những nước mới nổi này cũng cho tín hiệu tích cực. Báo cáo của Viện tài chính quốc tế (IIF) tính đến tháng 8 năm nay cho thấy những thị trường mới nổi đã có 9 tháng liên tiếp nhận vốn đầu tư ròng từ nước ngoài, mức lâu nhất kể từ năm 2014.

Chỉ số thị trường tiền tệ của các nước mới nổi đo lường bằng MSCI cũng đã tăng 14% kể từ tháng 1/2016, mức dài nhất kể từ năm 2011.

Mặc dù đồng Rouble của Nga vẫn chưa thực sự hồi phục nhưng đà tăng giá của đồng Peso Mexico và Nhân dân tệ Trung Quốc đã cho thấy hệ thống kinh tế của các nước mới nổi đã không còn yếu đuối như các cuộc khủng hoảng trước đây.

Trong khi đó, số liệu của JP Morgan Chase cho thấy trái phiếu bằng đồng USD của các nước mới nổi đã tăng giá hơn 6% trong nửa đầu năm nay. Xét đến trái phiếu bằng đồng nội tệ của những nước này, tỷ lệ tăng trưởng thậm chí đạt 2 con số.

Đồng tiền của nhiều nền kinh tế mới nổi tăng giá so với USD

Đặc biệt, chỉ số chứng khoán của các nền kinh tế mới nổi đo lường bằng MSCI cũng đã tăng từ 700 điểm vào tháng 1/2016 lên hơn 1.000 điểm vào tháng 5 này, mức tăng trưởng 33%.

Xét về lạm phát, số liệu của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cũng cho thấy tỷ lệ bình quân của các nước mới nổi và đang phát triển cũng đã giảm từ 13% năm 1999 xuống 4,4% năm 2016.

Bên cạnh đó, các nền kinh tế mới nổi có xu hướng tăng đầu tư công trong thời kỳ bùng nổ và cắt giảm ngân sách khi bong bóng xì hơi. Đây là một vòng luẩn quẩn tồn tại hơn 50 năm qua, ảnh hưởng đến chính sách thuế cũng như chi tiêu của chính phủ.

Tuy nhiên kể từ sau cuộc khủng hoảng 2008, nhiều nước mới nổi như Chile, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, Mexico và Malaysia đã khống chế tốt được tình hình nhằm tránh lặp lại vòng tròn luẩn quẩn trên.

Vậy phải chăng đã đến lúc các chuyên gia định nghĩa lại thế nào là thị trường mới nổi?

Định nghĩa lại thị trường mới nổi

Bất chấp những ví dụ trong quá khứ, việc thị trường mới nổi có sức đề kháng vượt bậc qua những biến động thời gian gần đây đang khiến các chuyên gia phải nhìn nhận lại thế nào là nền kinh tế mới nổi.

Những quốc gia nghèo trở thành nền kinh tế mới nổi vì họ tăng trưởng nhanh, nhưng khi đã trở nên giàu có thì họ không giữ được đà tăng trưởng ổn định và vẫn giữ danh hiệu này. Tuy vậy, sự vững chắc của các thị trường này đã được xây dựng, khiến nhiều tác động kinh tế không thể ảnh hưởng và đem lại 1 kết quả khả quan cho nhóm các nước được mệnh danh là mới nổi.

Thuật ngữ “thị trường mới nổi” được Antoine van Agtmael nêu ra vào năm 1981 khi ông đang làm việc cho IFC, một tổ chức thuộc Ngân hàng thế giới (World Bank). Vào năm 1986, những quỹ chuyên đầu tư vào các thị trường mới nổi như Capital Group chỉ nhận định 4 quốc gia thuộc nhóm trên. Đến năm 1988, chỉ số chứng khoán các thị trường mới nổi của MSCI đã ghi nhận 10 nước và con số hiện nay đã là 24.

Hiện nay, rất nhiều chuyên gia đã nghi vấn về thuật ngữ này do khoảng cách kinh tế của các thị trường đã khác nhau. Ví dụ như Philippines và Bồ Đào Nha là 2 “thị trường mới nổi” nằm trong danh sách ban đầu của MSCI. Dẫu vậy, thu nhập bình quân đầu người của Bồ Đào Nha lại lớn gấp 7 lần Philippines.

Thậm chí chính World Bank cũng đã phải công nhận 9/24 thị trường mới nổi của MSCI hiện nay là quốc gia có thu nhập cao. Những nền kinh tế Châu Á chiếm tới gần 70% tổng GDP của nhóm này.

Một ví dụ trớ trêu hơn nữa tổng giá trị vốn hóa thị trường của các doanh nghiệp tại Nam Phi lớn gấp 3 lần tổng GDP tại đây. Hãng lớn nhất niêm yết trên thị trường này là Naspers và nguyên nhân chủ yếu là công ty này nắm 33% cổ phần của tập đoàn Tencent từ Trung Quốc.

Rõ ràng, thuật ngữ “thị trường mới nổi” giờ đây đã không còn chính xác khi nhiều nước có đã có nền kinh tế phát triển nhưng chưa ổn định được tốc độ tăng trưởng của mình.

Theo Thời Đại