Vừa rồi, nhà kinh tế học Richard Thaler đã chính thức được trao giải Nobel Kinh tế 2017 danh giá bởi những nghiên cứu của ông về lĩnh vực Kinh tế học hành vi. (Kinh tế học hành vi có thể được hiểu nôm na là một phạm trù nghiên cứu các hành vi và nguyên tắc kinh tế của con người, lý giải hành vi của chúng ta đối với tiền bạc, của cải).
Thaler không chỉ nổi tiếng bởi công trình nghiên cứu của ông, mà còn là đồng tác giả của cuốn sách nổi tiếng “Nudge: Improving Decisions about Health, Wealth, and Happiness”. Ngoài là một nhà kinh tế học, Thaler vốn là một giáo sư tại đại học Chicago, rất thích chơi golf và thưởng thức các loại rượu.
Trong một buổi nói chuyện, ông đã hỏi một câu hỏi với nhà bình luận Paul W. Sullivan của tờ New York Times, mà trong đó đem rượu vang ra làm ví dụ, nhằm minh họa cho hành vi kinh tế học trong một cuốn sách của chính Sullivan, có tên “The Thin Green Line: The Money Secrets of The Super Wealthy”. Câu hỏi này thực sự đã gây bất ngờ bởi câu trả lời quá đỗi đơn giản, nhưng đã thể hiện cho hầu hết mọi người thấy rằng: Chúng ta vẫn chưa thực sự sử dụng tiền bạc một cách hợp lý.
Nhà Kinh tế học Richard Thaler
Trước khi nghe câu hỏi, hãy giả vờ mình là một người có thú vui sưu tầm rượu quý, lưu giữ chúng lâu năm trước khi đem ra thưởng thức. Câu hỏi cụ thể như sau:
Giả sử trước đây bạn đã mua một chai rượu với giá 50 USD, nhưng bây giờ giá trị của nó lại tăng lên đến 500 USD, vậy thực chất bạn phải trả bao nhiêu tiền khi uống chai rượu trên ở thời điểm hiện tại?
Vậy câu trả lời của bạn là gì, liệu có phải chi phí chính là 50 USD bởi đây là số tiền mà ta đã bỏ ra để mua chai rượu này hay không? Câu hỏi trên thực chất chẳng liên quan gì đến rượu cả, mà hóa ra nó lại là một ví dụ minh họa tiêu biểu cho việc có rất nhiều người nhầm lẫn giữa hai kiến thức: Chi phí chìm và chi phí cơ hội.
Chi phí chìm là khoản tiền mà bạn đã bỏ ra, đã tiêu xài và không còn nằm trong ví của bạn nữa. Trong trường hợp này, 50 USD bỏ ra mua rượu chính là chi phí chìm
Chi phí cơ hội là chi phí đã mất khi bạn chọn làm một việc nào đó thay vì một việc khác. Trong trường hợp này, chi phí cơ hội chính là việc chọn uống chai rượu thay vì bán nó với giá 500 USD ngoài thị trường ở thời điểm hiện tại, hoặc thậm chí có thể giữ nó để đợi tăng giá lên nữa, và bán đi trong tương lai.
Như vậy, câu trả lời thực chất chính là: bạn đã tiêu tốn mất 500 USD để uống chai rượu trên, bởi bạn chọn cách thưởng thức nó thay vì đem bán.
Thaler giải thích: “Hầu hết mọi người đều cho rằng hành động này chẳng tốn của họ gì cả, một vài người tôi yêu mến còn nói rằng họ thực sự còn “có lãi” bởi để mua chai rượu này trước kia chỉ phải bỏ ra có 50 USD”. (trong khi hiện tại nó có giá 500 USD).
“Theo một cách nào đó, ví dụ như một người sưu tầm rượu chẳng hạn, họ sẽ uống những chai rượu cũ của mình thay vì đi ra ngoài và mua một chai rượu mới giống y như vậy với giá 500 USD. Thế nhưng thực sự là họ vẫn phải bỏ ra chính xác 500 USD để uống chai rượu cũ, bởi ho vẫn cho rằng việc sử dụng chai rượu này là một món hời, vì trước kia giá mua của nó chỉ là 50 USD.”
Quan điểm của Sullivan là mọi người thường không sử dụng tiền bạc một cách hợp lý. Chúng ta mua quá nhiều và tiết kiệm quá ít. Những món đồ chúng ta mua đôi khi lại có chi phí lớn hơn những gì chúng ta biết, không chỉ mỗi đồ uống, mà ngay cả những đồ dùng nhỏ nhất trong nhà. Theo đó, chi phí cơ hội đối với những món đồ trên mà chúng ta bỏ ra thực sự cao hơn những gì chúng ta tưởng.
Mặc dù chúng ta không thể trở thành một nhà kinh tế học trong một sớm một chiều được, thế nhưng đây cũng là một câu hỏi khá hay của một giáo sư vừa đoạt giải Nobel Kinh tế, nhằm nâng cao nhận thức của mọi người về cách tiêu xài tiền bạc rất đáng để xem xét đấy chứ!
Theo Trí Thức Trẻ