Sản phẩm dù có tốt thế nào đi chăng nữa mà dân sales không biết ăn nói thì đừng mơ đến chuyện bán hàng

Lựa chọn từ ngữ là một phần rất quan trọng trong giao tiếp. Salesman dùng đúng từ, đúng ngữ cảnh, phù hợp với khách hàng sẽ tạo được mối liên hệ tốt, từ đó nhanh chóng chốt đơn hàng.


Ảnh minh họa

Có người hỏi tôi bán sản phẩm hữu hình và dịch vụ vô hình có gì giống nhau? Rất may, tôi đã có dịp trải qua cả hai loại hàng hoá đó nên có thể khẳng định rằng, tất cả đều phải sử dụng hành vi, lời nói của salesman và chính khả năng dùng từ khéo léo là yếu tốt quyết định việc bán hàng.

Nhưng ngôn ngữ, do được sử dụng quá thường hàng ngày, lại hay bị bỏ qua khi đo đếm hiệu suất làm việc của sales. Nếu đúng cách, vào ngành nghề nào, bán hàng gì, salesman cũng cần lưu tâm tới khả năng dùng từ của mình thể hiện qua các yếu tố sau:

1. Đa dạng về loại từ

Động từ, danh từ, tính từ, trạng từ, từ lặp lại. Cuộc sống và lối sinh hoạt của từng kiểu người sẽ ảnh hưởng tới lối dùng từ của họ. Nếu lối sống mang tính cố định, nhiều thời gian dành cho suy ngẫm thì họ sẽ thiên về dùng các từ mang tính khái niệm có độ tĩnh trong diễn đạt cao hơn. Trái lại, người luôn phải di chuyển, hoạt động như các doanh nhân sẽ có xu hướng dùng từ dạng động từ vì nó ăn sâu vào trong tiềm thức của họ. Tính từ thì hiển nhiên là người của giới nghệ sĩ, vốn quen diên đạt cảm xúc sử dụng.

2. Mức độ của từng loại từ

Thường chúng tôi chia ra làm ba mức từ nhẹ tới trung tới nặng. Cách chia đơn giản đó là để nhận diện nhanh chóng người nói đang diễn đạt cảm xúc ở mức độ nào, có bình thường với trạng thái cố hữu của họ không. Nên tinh ý nhận ra điều này để điều phối cảm xúc của mình cho tương xứng, tránh lệch pha thành ra chỉ vì một sự sơ ý mà hỏng hết mọi việc.

3. Phù hợp cho từng giới

Xã hội là nơi tụ họp đủ mọi giới, từ trí thức tới giang hồ, buôn bán, quan chức,..Mỗi giới đều có cách diễn đạt và mối quan tâm riêng của mình. Họ tao ra một thứ ngôn ngữ và từ dùng bề ngoài có vẻ không khác biệt là bao nhưng để ý thì nó nói lên đặc thù rất rõ. Và không chỉ có từ ngữ họ thường dùng, mà trong giới còn có những câu chuyện liên quan tới đặc thù công việc và lối sống của họ.

Nếu biết dùng thì chúng ta là một trong số họ, hiển nhiên hiệu quả tăng vọt, nhưng nếu không biết dùng thì chúng ta tự đặt mình ra khỏi vòng quan tâm của họ một cách khá rõ rệt.

4. Từ theo vùng miền

Bậc thầy về quản lý sales và sales mà tôi hay lấy làm ví dụ trong các lớp học là anh Q. vốn là người có khả năng nói đúng giọng và từ dùng của từng miền. Anh tạo được thiện cảm với tất cả những người mà anh tiếp xúc vì khả năng thiên phú đó.

Mỗi miền đều có đặc thù văn hoá và từ dùng riêng, do vậy, chỉ cần nói đúng từ của họ thì chúng ta như đã có chìa khoá mở cánh cổng ngăn cách mà tiến lại gần các khách hàng của mình để từ đó tìm ra cơ hội chốt đơn hàng hiệu quả mà ít tốn sức nhất!

5. Từ theo lứa tuổi

Có những từ lóng mà chỉ giới trẻ hiểu được, có lần tôi tình cờ đọc tin nhắn của các cháu mình gửi cho nhau và rõ ràng nó là tiếng Việt, không lẫn tý nào tiếng nước ngoài trong đó, nhưng tôi hoàn toàn bó tay với kiểu thay đổi ký tự thành những kiểu chả giống ai như vậy!

Nhưng không chỉ riêng giới trẻ, chính những người lớn tuổi, vào thời của họ, cũng có hệ tiếng lóng riêng của mình. Họ phát triển nó và dùng nó quen thuộc tới mức mà đôi khi họ không còn phân biệt được nó với từ dùng phổ thông. Và thế là càng dùng quen những từ đó họ càng lạ lẫm với các từ mà giới trẻ mới bịa ra trong thời này. Nhiệm vụ của sales là dù khách thuộc giới nào cũng phải hiểu rõ nghĩa các từ đó để mà giao tiếp cho hiệu quả để bán hàng cho công ty.

6. Từ theo chuyên môn

Bán sản phẩm nào thì dứt khoát phải làm chủ bộ từ dành riêng cho ngành nghề đó, với mỹ phẩm thì chắc chắn phải là các chất tạo ra mỹ phẩm phổ biến, độ pH của da đầu, độ thẩm thấu của từng chất, tỷ lệ pha trộn của các sản phẩm…Bán thực phẩm chức năng thì là hợp chất, cơ chế tác dụng, liệu trình, uống theo phác đồ…

Thời nay, ngoài tiếng Việt của chuyên môn còn phải chú ý tới cả tiếng Anh chuyên ngành, có thế mới tạo ra ấn tượng chúng ta là dân chuyên nghiệp. Vì hình như vốn tồn tại sẵn trong đầu khách hàng là phải học”ở bển” về thì mới là dân “xịn” trong ngành!

Cái miệng là vũ khí, ngôn từ phát ra là đòn thế, salesman chiến thắng trong các trận chiến của mình nếu họ áp dụng môn võ của mình ở mức “tâm ứng thủ” – nghĩ tới là thực hiện đòn đánh thành công!

Theo Nhịp sống kinh tế